Bài toán thu hút FDI trong bối cảnh sức ép thuế tối thiểu toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến môi trường đầu tư Việt Nam là rất hiện hữu, thể hiện trên hai khía cạnh gồm bảo đảm quyền đánh thuế tại Việt Nam và khả năng cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI).
Bài toán thu hút FDI trong bối cảnh sức ép thuế tối thiểu toàn cầu

Ưu đãi thuế không phải là điều hấp dẫn nhất

FDI có đóng góp rất quan trọng với kinh tế Việt Nam. Theo số liệu của Ban Kinh tế Trung ương công bố năm 2022, hiện khối FDI góp 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp.

Việt Nam đang khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư thông qua các biện pháp ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, trong đó ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là biện pháp quan trọng.

Số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, trong 36.500 dự án FDI ở Việt Nam, có khoảng 3% dự án/doanh nghiệp được ưu đãi thuế, chủ yếu các dự án lớn nằm trong các khu công nghiệp, khu kinh tế. Như vậy, chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% chỉ nhắm vào 3% các dự án đang hoạt động và được ưu đãi thuế của Việt Nam.

Thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam là 20%, trong khi đó thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế của các doanh nghiệp FDI là 12,3%. Trong đó, các tập đoàn lớn nước ngoài chỉ chịu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 2,75 - 5,95% (nhiều dự án FDI lớn được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong cả đời dự án, miễn 4 năm, giảm 50% trong 9 năm tiếp theo).

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho biết, từ năm 2024, một số quốc gia sẽ áp dụng chính sách thuế suất tối thiểu toàn cầu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) khởi xướng, đã được hơn 140 quốc gia, vùng lãnh thổ đồng thuận, trong đó có Việt Nam. Khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu 15%, các doanh nghiệp thuộc đối tượng phải điều chỉnh sẽ không còn được lợi thế, vì phần chênh lệch được thu bổ sung tại nước nhận đầu tư hoặc tại quốc gia đặt trụ sở chính.

“Chúng ta thắt lưng buộc bụng để ưu đãi cho nhà đầu tư, nhưng phần 'hy sinh' đó lại mang về cho các quốc gia mà công ty có trụ sở”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), vẫn chưa có mối tương quan nào giữa mức thuế doanh nghiệp thấp hơn và mức vốn FDI cao hơn trên quy mô toàn cầu. Các doanh nghiệp cũng không hẳn quyết định đầu tư FDI chỉ vì được ưu đãi thuế, bởi trong tổng chi phí của doanh nghiệp thì thuế chỉ chiếm một phần không quá lớn. Thuế cũng là một trong những điều kiện, nhưng đối với những lĩnh vực sản xuất công nghiệp, sản xuất công nghệ cao có sử dụng nhiều lao động, thì cái doanh nghiệp quan tâm hàng đầu là vấn đề thể chế.

Chẳng hạn, vấn đề thể chế liên quan đến thời gian, khi thời gian thực hiện dự án giảm đi thì nó đem lại lợi ích lớn hơn rất nhiều so với những lợi ích có được cắt giảm thuế. Nếu trong thời gian được cắt giảm thuế mà thể chế chỉ cải thiện ít thì chi phí của doanh nghiệp vẫn cao hơn.

"Vấn đề về thời gian thực hiện các loại thủ tục như thủ tục hải quan, thủ tục cấp giấy phép nếu như được cải thiện thì việc giảm thuế có thể sẽ không còn quá quan trọng nữa", ông Cường nhấn mạnh.

Ngoài ra, theo ông Cường, còn có các yếu tố về quy mô thị trường, nhân công, sự ổn định môi trường kinh doanh… Theo khảo sát tại các doanh nghiệp, chỉ 24% doanh nghiệp Nhật Bản thấy các chính sách ưu đãi về thuế là hấp dẫn, tỷ lệ này ở các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cũng chỉ ở mức 28%.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Trần Đức Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Andes E&C cho biết, các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc khi đầu tư vào các khu công nghiệp tại Việt Nam có phần e ngại về thủ tục pháp lý và các doanh nghiệp thường gặp phải những vướng mắc trong việc xin giấy phép về môi trường, giấy phép phòng cháy, chữa cháy, dẫn đến việc thời gian chờ đợi hồ sơ bị kéo dài, làm chậm tiến độ đầu tư.

Theo ông Cường, Ấn Độ hiện đang nổi lên như một cực hút FDI rất mạnh, bởi họ hình thành những đặc khu kinh tế rất lớn, áp dụng nhiều thể chế riêng. Ngoài vấn đề giảm thuế (mà sắp tới chắc họ sẽ phải bỏ), thì việc thể chế của Ấn Độ được cải thiện rất nhiều khiến nước này giờ đang nổi lên khu vực và là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam.

Giải pháp vẹn cả đôi đường

Hiện nay, một số nền kinh tế như Singapore, Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan đã lên kế hoạch hoặc tuyên bố sẽ áp dụng Thuế tối thiểu nội địa đạt tiêu chuẩn nhằm giành quyền đánh thuế bổ sung, không để chảy sang các nền kinh tế khác.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam gợi ý, Việt nam có thể áp dụng thuế tối thiểu nội địa bổ sung để giữ quyền đánh thuế với các tập đoàn đa quốc gia, đồng thời xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư mới cho các doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam. Như vậy, vừa có lợi ích thu thêm thuế của Việt Nam, vừa ưu đãi đầu tư mới, tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, bảo đảm lợi ích cho cả doanh nghiệp và Chính phủ.

Ông Cường cũng đề xuất Việt Nam nên có những ưu đãi cho các dự án điện tái tạo, năng lượng sạch, vừa giúp đạt mục tiêu tăng trưởng xanh, vừa giúp thu hút đầu tư nước ngoài, bởi đây là lĩnh vực nước ngoài đang rất quan tâm. Ông còn đề xuất Việt Nam nên chú trọng ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp FDI nhỏ và vừa, là những đối tượng không chịu thuế tối thiểu toàn cầu thay vì chỉ tập trung vào doanh nghiệp lớn.

Nếu áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam nên cân nhắc các chính sách khác nhằm đảm bảo được những ưu đãi theo luật, cũng như những cam kết với doanh nghiệp trước đó để giữ dòng vốn và thu hút đầu tư mới. Chẳng hạn, Thái Lan dự kiến xây dựng gói pháp lý về ưu đãi thuế nội địa, mức thuế tối thiểu trong nước và các quy định hỗ trợ đầu tư như chi phí phát triển hạ tầng, giá điện trong 2023.

Đại diện Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) đề xuất, để khắc phục tác động của thuế tối thiểu toàn cầu sắp tới, Việt Nam nên thực hiện các biện pháp khuyến khích đầu tư như miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển. Ngoài ra, Việt Nam nên hoàn thiện hệ thống kế toán theo chuẩn mực toàn cầu nhằm tích hợp với chính sách thuế mới.

Diệp Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục