Khu vực phía Bắc được ưu tiên lựa chọn
Ông Trần Đức Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Andes E&C cho biết, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, bao gồm doanh nghiệp Trung Quốc, đã và đang có nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất ngoài lãnh thổ và Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn. Bởi lẽ, Việt Nam có nguồn nhân lực dồi dào, đáp ứng được nguồn cung lao động trình độ cao, giá nhân công cạnh tranh và có nhiều chính sách ưu đãi về thuế cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, Việt Nam có chung đường biên giới với Trung Quốc, có nhiều tuyến giao thông thuận tiện đi lại giữa hai nước nên việc vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kể cả dây chuyền sản xuất cũng dễ dàng và tiết kiệm chi phí hơn.
Về nhà đầu tư Trung Quốc, ông Đỗ Hồng Quân, Tổng giám đốc Vietnam Investment Consulting (VNIC) cho hay, từ năm 2019, số lượng doanh nghiệp Trung Quốc có nhu cầu thuê đất và nhà xưởng tại Việt Nam để sản xuất rất lớn.
Trong đó, Bắc Ninh, Bắc Giang là địa điểm mà doanh nghiệp Trung Quốc ưu tiên lựa chọn, vì hai tỉnh này có lợi thế nằm ở cửa ngõ của Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có nhiều tuyến giao thông quan trọng chạy qua như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 17, Quốc lộ 18, Quốc lộ 38, gần Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và các cảng biển quan trọng nên có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế.
Hiện tại, giá thuê đất trong các khu công nghiệp ở Bắc Ninh đạt 120 - 160 USD/m2, ở Bắc Giang từ 115 - 145 USD/m2, tại Hải Phòng là 100 - 135 USD/m2.
Hải Dương cũng thu hút được sự chú ý của các nhà đầu tư nước ngoài, do nằm ở vị trí gần Bắc Ninh, Bắc Giang và Hải Phòng. Tỉnh này là lựa chọn ưu tiên của một số doanh nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp điện tử có nhà máy đặt tại các tỉnh trên. Hiện giá thuê đất ở Hải Dương dao động từ 85 - 100 USD/m2.
Mặc dù giá thuê đất tại các khu công nghiệp phía Bắc gia tăng, nhưng hiện vẫn thấp hơn so với khu vực miền Nam. Năm 2022, tại miền Nam, bình quân giá thuê đất công nghiệp ở thị trường cấp 1 (thủ phủ công nghiệp phát triển) tăng 8 - 13%, đạt 166 USD/m2. Trong khi đó, giá thuê tại các thị trường cấp 1 ở phía Bắc trung bình là 120 USD/m2.
Dự báo, nhu cầu chuyển dịch dây chuyền sản xuất của các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là Trung Quốc, sang Việt Nam sẽ ngày càng lớn.
Vì vậy, việc có vị trí gần Trung Quốc hơn và giá thuê đất khu công nghiệp cạnh tranh hơn phía Nam giúp các khu công nghiệp ở miền Bắc thuận lợi đón xu hướng chuyển dịch sản xuất.
Ông Đỗ Hồng Quân lý giải, làn sóng chuyển dịch sản xuất đang diễn ra hiện nay chủ yếu là do chính sách Zero-Covid của Trung Quốc trước đó gây ra hiện tượng sản xuất đình trệ và đứt gãy chuỗi cung ứng giữa Trung Quốc và các nước khác.
Nhằm tránh tình trạng này xảy ra thêm một lần nữa, các đối tác châu Âu và châu Mỹ mong muốn các doanh nghiệp sản xuất Trung Quốc có thêm nhà máy ở bên ngoài để đảm bảo rằng, nếu trường hợp bất trắc xảy ra thì hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng vẫn được duy trì.
Cần tìm hiểu kỹ nhu cầu của nhà đầu tư
Mặc dù có nhiều tín hiệu tích cực, song ông Trần Đức Tuấn cho biết, các doanh nghiệp Trung Quốc có một số e ngại trong quá trình đầu tư và hoạt động tại Việt Nam liên quan đến thủ tục pháp lý và doanh nghiệp thường gặp vướng mắc trong việc xin giấy phép về môi trường, giấy phép phòng cháy, chữa cháy.
Theo ông Tuấn, một phần nguyên nhân dẫn tới tâm lý e ngại trên là do nhà đầu tư nước ngoài chưa hiểu được trình tự, thủ tục của Việt Nam nên khi họ thực hiện không đồng bộ sẽ gặp phải vướng mắc. Lý do thứ hai là một số quy định của Việt Nam chưa phù hợp, dẫn đến thời gian xem xét, kiểm tra, đánh giá hồ sơ bị kéo dài, làm chậm tiến độ đầu tư.
Trong khi đó, ông Đỗ Hồng Quân cho rằng, ngoài những khó khăn về thủ tục pháp lý, không ít nhà đầu tư Trung Quốc băn khoăn trước chi phí vốn khá cao, giá thuê đất, thuê nhà xưởng hay chi phí lao động không còn thấp như trước. Bên cạnh đó, nhiều chuỗi cung ứng tại Việt Nam chưa hình thành, khiến thời gian vận chuyển nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc sang Việt Nam lâu hơn và chi phí cao hơn,
Ông Nguyễn Văn Kiểm, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Bảo Minh chia sẻ, khi quyết định đầu tư, xây dựng nhà máy, nhà đầu tư nước ngoài thường quan tâm tới 5 vấn đề.
Thứ nhất là vị trí địa lý của khu công nghiệp, trong đó có một số tiêu chí chính như giao thông thuận tiện, có nhiều các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ đi qua, gần sân bay, cảng biển, gần các bạn hàng, đối tác sản xuất phụ trợ.
Thứ hai là ưu đãi về thuế quan và hỗ trợ từ chính quyền địa phương như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất, chính quyền địa phương sẵn sàng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.
Thứ ba là lực lượng lao động. Nhà đầu tư quan tâm đến việc dân số trong độ tuổi lao động của khu vực đó là bao nhiêu, chi phí tiền lương trả cho người lao động dao động trong khoảng nào, có thể thu hút được lao động từ các tỉnh khác về làm việc hay không.
Thứ tư là cơ sở hạ tầng trong khu công nghiệp, mức độ uy tín, mức độ tín nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có đủ để nhà đầu tư cảm thấy yên tâm và quá trình đầu tư xây dựng nhà máy diễn ra thuận lợi hay không.
Thứ năm là giá thuê cơ sở hạ tầng và chi phí quản lý.
Ông Quân kỳ vọng, Việt Nam sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện các quy trình, thủ tục pháp lý như cấp giấy chứng nhận đầu tư, cấp giấy đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép môi trường và cấp phép xây dựng để các nhà đầu tư có thể nhanh chóng đưa nhà máy vào sản xuất, góp phần thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, giúp hình thành chuỗi cung ứng và góp phần hạ giá cước vận chuyển.
Chi phí vận chuyển tại Việt Nam đang cao hơn tại Trung Quốc, bởi Trung Quốc đã hình thành một hệ thống giao thông hoàn thiện và sự cạnh tranh của các đơn vị logistics rất cao. Ví dụ, chi phí vận chuyển từ cửa khẩu Lạng Sơn về Hà Nội bằng chi phí vận chuyển quãng đường lên tới 2.000 km tại Trung Quốc.