Lý giải nguyên nhân chậm trễ
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch Thủ đô Hà Nội từ tháng 3/2022, nhưng đến thời điểm này, Hà Nội mới cơ bản xong chấm thầu để lập quy hoạch.
“Đây là việc khá chậm. Hà Nội xin nhận lỗi với Thủ tướng và Chính phủ”, ông Trần Sỹ Thanh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thừa nhận trong Hội nghị toàn quốc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tổ chức cuối tuần qua, trước khi đưa ra cam kết quyết tâm tháng 10/2023 sẽ xong.
Giải trình nguyên nhân, ông Thanh nhắc đến những lúng túng trong xử lý nguồn kinh phí để lập quy hoạch. Theo nguồn đầu tư công thì quy trình quá lâu, nguồn vốn sự nghiệp thì lại không được phép, mất 6-7 tháng để tìm cách giải quyết.
“Ảnh hưởng trực tiếp đến việc lập quy hoạch có 6 luật gồm Luật Quy hoạch, Luật Đô thị, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách. Một số khái niệm, định nghĩa trong các luật này khác nhau, áp dụng rất khó, quy trình, thủ tục quá dài...”, ông Trần Sỹ Thanh giải thích thêm.
TP.HCM cũng đang rơi vào tình thế tương tự, khi cùng với Hà Nội là 2 địa phương cuối cùng xét về tiến độ thực hiện.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan thông tin, Thành phố đã tổ chức đấu thầu, đang chờ kết quả đấu thầu, tư vấn để lập quy hoạch. So với tiến độ, TP.HCM đã chậm 3 tháng.
“TP.HCM xin nhận trách nhiệm về sự chậm trễ của mình. Ngoài nguyên nhân giống như Hà Nội, quy trình đấu thầu phức tạp nên kéo quá dài, số lượng tư vấn ít, TP.HCM lại có yêu cầu và nguyện vọng rất cao, nhưng nguồn lực của ngân sách có hạn, cần có nguồn lực từ bên ngoài, tức là xã hội hóa. Nhưng với quy định về tiếp nhận nguồn tài trợ trong công tác quy hoạch hiện nay thì Thành phố không thể nào kêu gọi và sử dụng nguồn lực này”, ông Võ Văn Hoan báo cáo với Thủ tướng, cùng với cam kết sẽ hoàn thành dự thảo quy hoạch để đầu năm 2024 thông qua Hội đồng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bài toán rút ngắn thời gian
Theo kế hoạch, ngay sau Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở để các bộ, ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo nhiệm vụ được phân công.
Thực tế, những phức tạp mà Hà Nội và TP.HCM đang đối mặt cũng là vấn đề mà các địa phương đều phải trải qua.
Theo quy trình thẩm định, phê duyệt quy hoạch tại Nghị định số 37/2019/NĐ-CP và Nghị quyết số 77/NQ-CP của Chính phủ, hồ sơ quy hoạch tỉnh phải qua 3 lần tham gia ý kiến thẩm định, rà soát của các bộ, ngành và thành viên thẩm định. Thời gian các bộ tham gia ý kiến và thời gian cơ quan lập quy hoạch hoàn thiện quy hoạch hiện tại khá chậm.
Tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, với quy hoạch ngành quốc gia, thời gian bình quân tổ chức thẩm định quy hoạch mất khoảng 190 ngày. Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 còn cần tới 425 ngày để hoàn thành các thủ tục.
Thời gian bình quân để xem xét phê duyệt quy hoạch là 160 ngày, nhưng Quy hoạch điện VIII đã trình phê duyệt từ cách đây khoảng 480 ngày.
Đối với quy hoạch tỉnh, thời gian bình quân tổ chức thẩm định quy hoạch khoảng 100 ngày; thời gian hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt khoảng 100 ngày; thời gian xem xét phê duyệt quy hoạch khoảng 70 ngày... Trung bình, các địa phương cần khoảng 200 ngày để tiếp thu, giải trình, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch theo ý kiến kết luận của Chủ tịch Hội đồng Thẩm định và Báo cáo Thẩm định quy hoạch tỉnh.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, do tính chất tích hợp, toàn diện của các quy hoạch, đặc biệt là các quy hoạch tỉnh, nên việc phối hợp, tham gia ý kiến trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh là rất khó khăn, thời gian cho ý kiến thẩm định và phê duyệt quy hoạch thường kéo dài, đặc biệt là các bộ có phạm vi quản lý liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực.
Các bộ trung bình cần 35 ngày để tham gia ý kiến thẩm định, nhưng 5 bộ (Giáo dục và Đào tạo, Giao thông - Vận tải, Công thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường) cần trên 40 ngày...
Ngoài ra, nhiều địa phương đang gặp khó trong cân đối nguồn lực đất đai theo chỉ tiêu sử dụng đất được phân bổ tại Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 9/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa sát với thực tế của địa phương, chưa tạo được sự chủ động trong phát triển kinh tế - xã hội và có thể làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển đề ra trong quy hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, xem xét trình Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu đất cho phù hợp với nhu cầu của các địa phương.
“Cần có phương án mở, được điều chỉnh chỉ tiêu sử dụng để thực hiện ngay, chứ không phải chờ điều chỉnh quy hoạch, bởi mỗi lần điều chỉnh quy hoạch, các thủ tục sẽ rất mất thời gian”, ông Trung nêu.
Dù có nhiều nguyên nhân từ cơ chế, cần phải điều chỉnh, song sự chậm trễ này khiến số lượng công việc phải hoàn thành rất lớn, tạo nên áp lực không nhỏ với các bộ, ngành, địa phương cả tiến độ và chất lượng. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần nhấn mạnh việc này, vì phải có quy hoạch rồi mới có đề án, dự án cụ thể, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện mới bài bản.
“Kinh nghiệm của tôi khi làm ở địa phương, 7 quy hoạch, 5 nhà tư vấn, có một tổ công tác chuyên trách để giải quyết dứt điểm, chứ vừa làm công tác chuyên môn, vừa làm công tác quy hoạch thì không đủ thời gian, công sức”, Thủ tướng chia sẻ và yêu cầu các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xử lý các vấn đề liên quan một cách quyết liệt, tích cực, mạnh mẽ hơn.