Bài toán mở cửa du lịch

0:00 / 0:00
0:00
Theo kế hoạch, chiều 24/1, một cuộc làm việc giữa Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch với một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong ngành sẽ diễn ra để bàn về lộ trình mở cửa du lịch.
Ngành du lịch cần nhiều điều kiện hơn để có thể mở cửa thực sự. Ngành du lịch cần nhiều điều kiện hơn để có thể mở cửa thực sự.

Có thể nói, đây là cuộc làm việc đầu tiên sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu thúc đẩy xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch, lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế.

Các doanh nghiệp thực sự trông đợi vào kết quả cuộc làm việc này, vì nhiều lý do.

Cách đây gần 1 tuần, người đứng đầu Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đã nhắc tới thời điểm 30/4/2022 trong phương án mở cửa du lịch quốc tế với quyết tâm rất lớn. Cơ sở của dấu mốc này là đã qua khoảng 2 tháng thí điểm thành công đón khách quốc tế ở 7 tỉnh, thành phố; độ phủ vắc-xin của Việt Nam đang ở top 6 thế giới và đây là thời điểm vàng bắt đầu mùa du lịch trong năm, không thể chậm hơn.

Nhiều địa phương trong nhóm thí điểm, như Đà Nẵng, Quảng Nam cũng đồng thuận, với quan điểm địa phương đã sẵn sàng.

Các doanh nghiệp du lịch, từ nhóm vận tải, khách sạn đến tour tuyến cũng vậy khi khẳng định đã lên phương án cụ thể đón khách.

Nhưng, ngành du lịch cần nhiều điều kiện hơn để có thể mở cửa thực sự.

Có thể nhìn thấy rõ tình thế khó khăn trong các văn bản hướng dẫn người địa phương về quê ăn Tết mỗi nơi một phách. Nơi thì yêu cầu xét nghiệm nhanh, nơi cần PCR, nơi yêu cầu cách ly tập trung, nơi vận động ở nhà 7 ngày..., đến mức Bộ Y tế phải có văn bản để nghị áp dụng thống nhất theo Nghị quyết 128/2021/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid -19. Mặc dù vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn buộc phải lên kế hoạch cho người lao động nghỉ Tết sớm để phòng ngừa tình trạng còn có địa phương yêu cầu cách ly người về từ nơi khác...

Nếu tình hình này không thực sự thay đổi, thì khách nội địa sẽ rất khó quyết định có nên đi du lịch hay không, chứ chưa nói đến các doanh nghiệp muốn xây dựng sản phẩm để mời chào khách quốc tế cần phải có thêm điều kiện, tiêu chí rõ ràng nhằm giảm thiểu rủi ro cho cả doanh nghiệp lẫn du khách.

Cũng phải nói thêm, sự sẵn sàng của các địa phương có lợi thế du lịch là không giống nhau. Có địa phương rất sốt sắng phối hợp với doanh nghiệp xây dựng kế hoạch, phương án, chuẩn bị về năng lực y tế, về nhân lực, vật lực, giải pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và xử lý sự cố y tế phát sinh. Mọi việc đang trong thế sẵn sàng đón khách ngay khi Chính phủ cho phép. Nhưng có địa phương lại thận trọng, vì phải cân đối yêu cầu mở cửa của các doanh nghiệp du lịch và những lo ngại về rủi ro bùng dịch trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.

Có thể thấy, bài toán mở cửa du lịch quốc tế nói riêng, mở của nền kinh tế nói chung đang phụ thuộc rất lớn vào lời giải về tính chủ động, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh; vào cách thức quản trị, ứng phó cụ thể; vào quy trình thống nhất hơn giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các địa phương trên phạm vi toàn quốc…

Trong nhiều cuộc thảo luận trước đây về các điều kiện mở cửa nền kinh tế khi dịch bệnh đã được kiểm soát, khi tỷ lệ phủ vắc-xin ở mức cao, khi các nền kinh tế thế giới đang mở lại mạnh mẽ, giới chuyên gia kinh tế đã nhắc đến vai trò của Bộ Y tế một lần nữa có ý nghĩa quyết định trong việc đưa nền kinh tế trở lại một cách chủ động, khoa học và thông suốt. Cùng với đó, sự tham gia chủ động, có trách nhiệm của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cũng đóng vai trò là nhân tố thúc đẩy và đảm bảo sự thành công trong thực thi.

Đây có lẽ cũng chính là thời điểm mở cửa những mối quan hệ công - tư khi giải các bài toán đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam.

Bảo Duy
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục