Bài học từ hai đợt bùng phát Covid-19 ở Hokkaido

Từng được xem là hình mẫu thành công về cách ứng phó với Covid-19, Hokkaido nay lại trở thành tâm điểm trước làn sóng bùng phát dịch lần hai.
Nam thanh niên đi qua một đường phố Tokyo vắng vẻ hôm 16/4. Ảnh: Reuters. Nam thanh niên đi qua một đường phố Tokyo vắng vẻ hôm 16/4. Ảnh: Reuters.

Cuối tháng hai, Hokkaido trở thành nơi đầu tiên tại Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp do Covid-19. Các trường học đóng cửa, những sự kiện quy mô bị huỷ và người dân được khuyến khích ở nhà.

Chính quyền địa phương đã ứng phó với nCoV rất quyết liệt, truy vết nguồn lây nhiễm và cách ly bất kỳ ai tiếp xúc với các bệnh nhân.  

Chính sách này phát huy hiệu quả và đến giữa tháng ba, số ca nhiễm mới ở Hokkaido giảm xuống chỉ còn 1-2 ca/ngày.

Hôm 19/3, tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ và đầu tháng 4, các trường học được mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, 26 ngày sau khi chấm dứt tình trạng khẩn cấp trên, một lệnh khẩn cấp mới lại được áp đặt. Hokkaido đã hành động độc lập trong khi chính phủ Nhật Bản tuần trước mới áp đặt tình trạng khẩn cấp với Tokyo, Osaka và 5 tỉnh khác. Hôm 16/4, tình trạng khẩn cấp toàn quốc được công bố.

Tuần trước, Hokkaido ghi nhận 135 ca nhiễm nCoV mới. Không giống đợt bùng phát đầu tiên hồi tháng hai, không có bằng chứng cho thấy virus này tái xâm nhập Nhật Bản từ nước ngoài. 

Không có ca nhiễm mới nào là người nước ngoài, cũng không có ai trong số đó từng ra khỏi Nhật Bản trong tháng qua.    

Giáo sư Kenji Shibuya, đại học Hoàng gia London, cho rằng qua cách xử lý dịch ở Hokkaido, có thể thấy rằng nếu lên đến đỉnh dịch sớm thì mọi thứ sẽ ở trong tầm kiểm soát.

"Việc dập các ổ dịch, truy dấu và cách ly tương đối dễ dàng", ông nói. "Chính quyền đã khá thành công trong việc kiểm soát ổ dịch. Nhật Bản khi đó đang ở giai đoạn đầu chống dịch. Họ đã địa phương hoá và đó là một câu chuyện thành công".

Về điều này, Hokkaido có nét tương đồng với thành phố Daegu, Hàn Quốc, nơi ổ dịch bùng phát từ một giáo phái bị truy vết một cách quyết liệt. Những người nhiễm bị cách ly và dịch được ngăn chặn.

Tuy nhiên, bài học thứ hai từ Hokkaido lại khác. Sau khi khống chế được ổ dịch Daegu, chính phủ Hàn Quốc bắt đầu tiến hành chương trình xét nghiệm trên diện rộng để tìm kiếm và theo dõi những người nhiễm nCoV. Nhật Bản làm điều ngược lại.  

Đến nay đã hơn 3 tháng sau khi ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, Nhật Bản vẫn chỉ xét nghiệm một phần rất nhỏ dân số. Ban đầu, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng xét nghiệm diện rộng là "lãng phí nguồn lực".

Bây giờ, ông phải thay đổi quan điểm và cho hay sẽ tăng cường xét nghiệm, nhưng một số lý do khiến quá trình diễn ra chậm chạp.

Bộ Y tế Nhật lo ngại rằng các bệnh viện sẽ bị quá tải vì những người dương tính với nCoV nhưng chỉ có triệu chứng nhẹ. Họ cũng cho rằng xét nghiệm là trách nhiệm của các trung tâm y tế địa phương và không nằm ở cấp chính phủ.    

Trong khi đó, một số trung tâm y tế địa phương không có đủ nhân lực hay trang thiết bị để tiến hành xét nghiệm đại trà. Các đường dây nóng địa phương cũng quá tải và thậm chí để nhận được chỉ định đi xét nghiệm từ bác sĩ cũng là một cuộc đấu tranh. 

Sự kết hợp của những lý do trên đã khiến giới chức Nhật Bản không thể hiểu rõ nCoV đã lây truyền giữa người dân như thế nào, giáo sư Shibuya nhận định.  

Bài học từ hai đợt bùng phát Covid-19 ở Hokkaido ảnh 1

Hành khách đứng gần bảng thông báo ở ga Shin-Hakodate-Hokuto, Hokkaido, hôm 8/4, yêu cầu du khách đến đảo phải tự cách ly trong hai tuần. Ảnh: Asahi

"Chúng ta đang ở giữa giai đoạn bùng nổ của dịch bệnh", ông nói. "Bài học lớn rút ra từ Hokkaido đó là thậm chí khi bạn đã khống chế thành công lần đầu, rất khó để cô lập và duy trì nó trong một thời gian dài. Nếu không mở rộng năng lực xét nghiệm, rất khó để xác định lây nhiễm trong cộng đồng và lây nhiễm trong bệnh viện".

Bài học thứ ba là "thực tế mới" sẽ kéo dài hơn nhiều so với hầu hết mọi người dự đoán. Hokkaido hiện đã phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế đi lại, dù kiểu "phong toả" của Nhật Bản lỏng lẻo hơn so với các nước khác.

Hầu hết mọi người vẫn đi làm, trường học có thể đóng cửa nhưng các cửa hàng và quán bar thậm chí vẫn mở.

Giáo sư Shibuya cho rằng nếu không áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn, Nhật Bản có rất ít hy vọng kiểm soát được "làn sóng thứ hai" của Covid-19 đang diễn ra, không chỉ ở Hokkaido mà toàn quốc.    

"Bài học then chốt" mà ông nói đó là "dù bạn có thành công trong việc khống chế dịch bệnh ở địa phương, lây nhiễm vẫn tiếp diễn ở những tỉnh thành khác của quốc gia, và chừng nào người dân còn đi lại, việc duy trì tình trạng không có virus là rất khó".

Nền kinh tế của Hokkaido đang bị ảnh hưởng nặng nề. Hòn đảo phụ thuộc vào doanh thu từ du lịch, trong khi Nhật Bản đã cấm du khách từ Mỹ, châu Âu và hầu hết các nước châu Á.

Một chủ quán bar ở thành phố Chitose đã phải đóng cửa và sa thải nhân viên. Ở thành phố Asahikawa, Naoki Tamura cho hay anh vẫn mở cửa quán bar nhưng hầu như không có khách. 

"Mỗi đêm được 1-2 người", anh nói. "Trước đây, có rất nhiều du khách từ Trung Quốc và Đông Nam Á. Họ bây giờ hoàn toàn biến mất. Chúng tôi không còn nghe tiếng ngoại quốc trên đường phố nữa. Những cửa hàng nhỏ đang phải đóng cửa. Ngành du lịch thực sự lao đao".

Tình trạng khẩn cấp mới được công bố dự kiến kết thúc vào ngày 6/5, cuối kỳ nghỉ "Tuần lễ Vàng". Tuy nhiên, một quan chức phụ trách chống dịch ở Hokkaido cho hay họ có thể phải kéo dài các biện pháp này lâu hơn.

"Chúng tôi cảm thấy phải duy trì điều này. Mục tiêu là giảm đến tối thiểu việc tiếp xúc giữa mọi người nhằm ngăn virus lây lan", ông nói. 

Khi được hỏi sẽ kéo dài các biện pháp trên đến bao giờ, ông đáp: "Cho đến khi chúng ta tìm ra vaccine, chúng ta phải tiếp tục cố gắng ngăn chặn dịch bệnh lan rộng".


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục