“Bạch tuộc tung vòi”, 42.000 người bị “bốc hơi” 30.000 tỷ đồng - Bài 4: Lô trái phiếu của Sunny World mất dạng lạ kỳ

0:00 / 0:00
0:00
Cả tháng trời tìm kiếm, tất cả đều lắc đầu, không tìm được ai là trái chủ mã SNWCH1823001 của Sunny World - công ty chuyên thực hiện xúc tiến dự án cho hệ sinh thái của Vạn Thịnh Phát.
Rất nhiều trái chủ gửi hồ sơ tố cáo, nhưng chưa thấy ai là trái chủ trái phiếu mã SNWCH1823001 của Sunny World. Rất nhiều trái chủ gửi hồ sơ tố cáo, nhưng chưa thấy ai là trái chủ trái phiếu mã SNWCH1823001 của Sunny World.

Bài 4: Lô trái phiếu của Sunny World mất dạng lạ kỳ

Bộ Công an công bố tìm bị hại tại 25 gói trái phiếu của 4 công ty, bao gồm cả mã SNWCH1823001 của Sunny World. Kỳ lạ thay, trong số trái chủ của 25 gói trái phiếu này, không ai là bị hại của mã SNWCH1823001. Lạ nữa, Sunny World chỉ công bố theo quy định 2 mã trái phiếu khác, còn mã đang bị điều tra thì không có bất kỳ dấu vết nào.

Trái chủ là trái chủ nào?

Công văn số 1281/CV-CSKT-P2 ngày 14/5/2024 của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) thông báo tìm bị hại lần thứ 2 thể hiện: cũng như 3 công ty khác (Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận, Công ty cổ phần Dịch vụ - Thương mại TP.HCM), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World (Sunny Word) từ năm 2018 đến năm 2020 có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật khi tạo lập gói trái phiếu mã SNWCH1823001 để bán cho người mua (các trái chủ), huy động tiền và chiếm đoạt.

Từ năm 2023 tới nay, theo lời kêu gọi nộp hồ sơ, tài liệu để được công nhận bị hại trong vụ đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn II, hàng ngàn trái chủ của 25 gói trái phiếu trên đã tới nộp hồ sơ cho cơ quan công an. Hàng trăm bộ hồ sơ tương tự cũng gửi kêu cứu tới Báo Đầu tư.

Kỳ lạ là, hồ sơ gửi tới chúng tôi có đủ hết “khổ chủ” của 24 gói trái phiếu, chỉ riêng mã SNWCH1823001 của Sunny World thì… không có một ai.

Bằng nhiều phương tiện liên lạc, chúng tôi tìm hỏi khắp nơi. Cả tháng trời tìm kiếm, tất cả đều lắc đầu, không tìm được ai là trái chủ mã SNWCH1823001.

Mã trái phiếu SNWCH1823001 của Sunny World được công an xác định là thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2020. Theo quy định pháp luật, trong thời gian này, doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ như Sunny World (chưa phải công ty đại chúng) phải tuân thủ Nghị định 163/2018/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tức là phải công bố thông tin trước khi phát hành, công bố thông tin về kết quả phát hành, công bố thông tin định kỳ và công bố thông tin bất thường tại cả chuyên trang thông tin về trái phiếu doanh nghiệp tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX).

Kỳ lạ là, chuyên trang nêu trên của HNX (kể cả cũ, mới) đều không thể hiện bất kỳ thông tin định kỳ hay bất thường nào liên quan mã trái phiếu SNWCH1823001 của Sunny World.

Chuyên trang trái phiếu của HNX chỉ thể hiện 4 báo cáo định kỳ về trái phiếu năm 2019, 2020 của Sunny World, nhưng lại chỉ có 2 mã là SNW-2018.10 và mã SNW-2018.12, không hề có mã SNWCH1823001.

Tới tháng 2/2023, Sunny World nằm trong danh sách chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu mà HNX công bố, nhưng cũng không rõ với mã trái phiếu nào.

Ngày 1/2/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra Quyết định số 54/QĐ-XPHC phạt Sunny World 92,5 triệu đồng vì các hành vi không gửi hoặc gửi chậm báo cáo tài chính, báo cáo sử dụng nguồn vốn trái phiếu.

Nhưng quyết định trên cũng chỉ nhắc tới việc doanh nghiệp này chậm công bố thông tin về hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn đối với trái phiếu mã SNW-2018.10, chứ không hề nói tới mã SNWCH1823001.

3.100 tỷ đồng trái phiếu cũng là dấu hỏi

Đối với 2 lô trái phiếu công bố với HNX, hồ sơ của chúng tôi thể hiện, mã SNW-2018.10 có tổng giá trị 2.400 tỷ đồng, được Sunny World phát hành ngày 24/10/2018, kỳ hạn 5 năm; mã SNW-2018.12, trị giá 700 tỷ đồng, phát hành ngày 27/12/2018, đáo hạn ngày 27/12/2023. Cả 2 mã đều là loại trái phiếu “nhiều không”, như không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không tài sản đảm bảo. Tổng số tiền phát hành 3.100 tỷ đồng của 2 mã trên vượt gấp đôi vốn điều lệ của Sunny World lúc bấy giờ (vốn điều lệ là 1.500 tỷ đồng).

Với mã SNW-2018.12 trị giá 700 tỷ đồng, theo báo cáo với HNX năm 2019, thì Sunny World bán cho tổ chức, gồm Công ty cổ phần Đầu tư All Season (trị giá 540 tỷ đồng) và… Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (trị giá 160 tỷ đồng).

Gần 1 năm sau đó, ngày 22/10/2019, theo yêu cầu của chủ sở hữu trái phiếu, tức Công ty cổ phần Đầu tư All Season và Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Sunny World… mua lại trước hạn 100% số trái phiếu trên, cũng với tổng giá trị… 700 tỷ đồng.

Còn với mã trái phiếu SNW-2018.10, theo Quyết định số 54/QĐ-XPHC ngày 1/2/2024 phạt Sunny World 92,5 triệu đồng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thì doanh nghiệp này chậm công bố thông tin về việc hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn.

Nội dung trên hé ra sự thật khác. Đó là, Sunny World đã bán, rồi mua lại trái phiếu mã SNW-2018.10 trị giá 2.400 tỷ đồng, nhưng chậm công bố.

Tuy nhiên, việc báo cáo ai mua lại trước thời hạn mã này, Sunny World không để lại “dấu vết” theo quy định trên HNX, giống như với mã SNW-2018.12 trị giá 700 tỷ đồng trước đó.

Bàn tay Vạn Thịnh Phát?

Thời gian từ năm 2018 tới năm 2020, Bộ Công an xác định, Sunny World có hành vi sai phạm trong phát hành trái phiếu mã SNWCH1823001. Đây cũng là thời gian phát hành, mua bán lòng vòng bí ẩn của mã trái phiếu SNW-2018.12.

Theo hồ sơ của chúng tôi, từ năm 2019 đến tháng 1/2020, ông Truong Vincent Kinh giữ chức vụ Tổng giám đốc Sunny World, sau đó “ghế” này giao cho ông Võ Văn Hưng.

Ông Truong Vincent Kinh chính là cháu bà Trương Mỹ Lan và là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula, được cơ quan chức năng phân loại trong nhóm “công ty hoạt động kinh doanh bất động sản, có vốn điều lệ lớn, nắm cổ phần chi phối các công ty con, công ty thành viên” để cung cấp tiền cho Vạn Thịnh Phát. Ông Truong Vincent Kinh còn là người đại diện theo pháp luật của hàng loạt công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, như Công ty cổ phần VN Unique…

Chưa hết, tại phiên xét xử giai đoạn I - đại án Vạn Thịnh Phát - SCB, bà Trương Mỹ Lan khai, Sunny World là công ty chuyên thực hiện xúc tiến dự án cho hệ sinh thái.

Không chỉ vậy, theo hồ sơ của chúng tôi, Sunny World còn là nguồn cung tiền cho Trương Mỹ Lan trong thương vụ mua bán, sở hữu hơn 18 triệu cổ phần, tương ứng 71% vốn trong doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tuần Châu của ông Đào Trọng Tuyển.

Cụ thể, theo Bản án sơ thẩm số 157/2024/HS-ST ngày 11/4/2024 của Tòa án Nhân dân TP.HCM, được công bố sau hơn 1 tháng xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I, ông Đào Anh Tuấn (con trai ông Đào Hồng Tuyển), Công ty T&H Hạ Long và Công ty Âu Lạc Quảng Ninh đã nhận tổng cộng 6.095 tỷ đồng từ bà Trương Mỹ Lan. Trong đó, một khoản 3.179 tỷ đồng nhận được từ cuối năm 2021 thông qua thỏa thuận khung giữa hai bên.

Khoản tiền 2.916 tỷ đồng còn lại (trong tổng số 6.095 tỷ đồng), Công ty Âu Lạc, Công ty T&H Hạ Long nhận được từ 5 công ty, trong đó có Sunny World theo Thỏa thuận khung hợp tác và chuyển giao tài sản, Thỏa thuận khung hợp tác và đặt cọc chuyển nhượng một phần dự án.

Mặt khác, trong thương vụ mua bán lại trước hạn mã trái phiếu SNW-2018.12 trị giá 700 tỷ đồng, ngoài Vạn Thịnh Phát (mua trị giá 160 tỷ đồng và bán lại cũng…160 tỷ đồng), thì việc Công ty cổ phần Đầu tư All Season mua và bán lại trước hạn vào năm 2019 (đều trị giá 540 tỷ đồng) cũng gây… ngạc nhiên.

Lý do là, Công ty cổ phần Đầu tư All Season mới được thành lập từ tháng 6/2017 (đăng ký trụ sở chính tại số 8 - Nguyễn Huệ, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM), vốn điều lệ ban đầu chỉ 300 tỷ đồng, với sự tham gia góp vốn của 3 cá nhân.

Không có trái chủ, không có bất kỳ “vết tích” gì, dù buộc phải có theo quy định pháp luật, mã SNWCH1823001 của Sunny World quả là kỳ lạ. Cuộc mua rồi bán 2 mã trái phiếu khác trị giá 3.100 tỷ đồng cũng trở thành câu hỏi lớn cả về số tiền thu về, mục đích sử dụng, lẫn người mua - kẻ bán.

Ngày 1/2/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 54/QĐ-XPHC về việc xử phạt Sunny World 92,5 triệu đồng đối với hành vi không gửi và gửi nội dung công bố không đúng hạn.

Trong đó, không gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội: Báo cáo tài chính bán niên năm 2023; Báo cáo tài chính năm 2022; Tình hình sử dụng số tiền từ phát hành trái phiếu được kiểm toán bán niên 2023; Tình hình sử dụng số tiền từ phát hành trái phiếu được kiểm toán năm 2022; Tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu bán niên năm 2023; Tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2022; Tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu bán niên 2023; Tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu năm 2022.

Gửi nội dung công bố không đúng thời hạn: Báo cáo tài chính bán niên 2021; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu bán niên 2021; Tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên 2021; công bố thông tin về việc hoàn tất mua lại trái phiếu trước hạn đối với trái phiếu SNW-2018.10; Báo cáo tài chính năm 2021; Tình hình sử dụng số tiền từ phát hành trái phiếu năm 2021; Tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2021.

(Còn tiếp)


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục