“Bạch tuộc tung vòi”, 42.000 người bị “bốc hơi” 30.000 tỷ đồng - Bài 3: “Mạng nhện” quan hệ kim tiền giữa Trương Mỹ Lan và Setra

0:00 / 0:00
0:00
Ngay sau tuyên “đại án” Vạn Thịnh Phát - SCB, Bộ Công an phát thông báo lần 2 tìm người bị hại của 25 lô trái phiếu để tiếp tục mở giai đoạn II - Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vạn Thịnh Phát và các tổ chức liên quan. Được biết, “vòi bạch tuộc” Trương Mỹ Lan hại khoảng 42.000 người với tổng tiền hơn 30.000 tỷ đồng, gây khủng hoảng niềm tin, biến động cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Dự án 220 - Bình Thới còn quây kín tôn Dự án 220 - Bình Thới còn quây kín tôn

Khó tưởng tượng, Trương Mỹ Lan cho Công ty cổ phần Dịch vụ - Thương mại TP.HCM (Setra) mượn tới 1.000 tỷ đồng không lãi suất trong 13 năm. Gói trái phiếu 2.000 tỷ đồng được Setra rót vào một dự án do người “quen” bà Lan làm đại diện pháp luật. Dự án chưa hề triển khai, tiền chưa được giải ngân, nhưng đã biến mất bí ẩn.

Khi “bà trùm” cho mượn 1.000 tỷ đồng không lãi 13 năm

Setra (trụ sở tại phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) tiền thân là Công ty Tiểu thủ công nghiệp Thành phố, thành lập năm 1999, sau đó được cổ phần hóa và đổi tên như hiện nay.

Điều tra của chúng tôi cho thấy, doanh nghiệp này từ lâu đã có mối quan hệ vô cùng mật thiết với Trương Mỹ Lan.

Cụ thể, từ năm 2013, rồi tới năm 2016, “bà trùm” và Setra đã ký hợp đồng và phụ lục hợp đồng… hỗ trợ cho mượn tiền. Theo đó, bà Lan cho Setra mượn 1.000 tỷ đồng không lãi suất trong 8 năm.

Tới tháng 11/2021, trước khi Setra phát hành lô trái phiếu 20 mã, từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20, trị giá 2.000 tỷ đồng, bà Lan lại ký Phụ lục hợp đồng gia hạn thời gian mượn và trả 1.000 tỷ đồng không lãi thêm 5 năm. Như vậy, 1.000 tỷ đồng được Trương Mỹ Lan hào phóng cho mượn tới 13 năm không lãi suất. Tới tận năm 2026, Setra mới phải hoàn lại khoản tiền trên.

Đáng lưu ý, tại báo cáo tài chính kết thúc năm, số tiền 1.000 tỷ đồng trên, Setra chỉ nêu “mượn tiền cá nhân”. Từ báo cáo tài chính các năm 2019, 2020, 2021, Setra mới nêu rõ là mượn 1.000 tỷ đồng của Trương Mỹ Lan.

Chằng chịt quan hệ kim tiền

Báo cáo tài chính năm 2018 thể hiện, tới ngày 31/12/2018, Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (Sài Gòn Peninsula - thuộc nhóm công ty tạo doanh thu cho Vạn Thịnh Phát) là cổ đông lớn của Setra - chiếm tới 49,5% vốn, trị giá hơn 940 tỷ đồng.

Tháng 2/2023, tại buổi làm việc với trái chủ, Setra thông tin, từ trước tháng 12/2022, phần lớn tài sản của Công ty là bất động sản và tài khoản của Công ty đã bị Bộ Công an phong tỏa. Dự án 220 - Bình Thới của đối tác (VIPD Grop) cũng bị phong tỏa để tránh tẩu tán tài sản.

Hết năm 2020, khi Setra đã phát hành 2.000 tỷ đồng lô trái phiếu 20 mã, từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 (phát hành tháng 8/2020), con số này vẫn giữ nguyên. Tới cuối năm 2021, Sài Gòn Peninsula thoái bớt vốn tại Setra, từ hơn 940 tỷ đồng, xuống còn 120,5 tỷ đồng.

Tới ngày 30/6/2022, tỷ lệ sở hữu của Sài Gòn Peninsula chỉ còn 6,03% vốn sở hữu của Setra, nên ngày 18/11/2022, tức sau khi Bộ Công an bắt bà Trương Mỹ Lan, Setra mới “ung dung” trả lời nhằm trấn an trái chủ rằng, việc Sài Gòn Peninsula bị điều tra liên quan đến vụ án Vạn Thịnh Phát không gây ảnh hưởng đáng kể tới doanh nghiệp này (?).

Điều đáng nói là, trong khi “bà trùm” hào phóng cho Setra mượn 1.000 tỷ đồng không lãi, thì từ năm 2018 tới tận năm 2021, hàng loạt công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát như Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông, Công ty cổ phần Tập đoàn Quản lý bất động sản Windsor, Công ty cổ phần Đầu tư Times Square Việt Nam… lại có khoản vay phải trả cho Setra hàng trăm triệu đồng, thậm chí hơn 1,5 tỷ đồng. Ngay cả Vạn Thịnh Phát cũng có khoản vay mà Setra phải thu ngắn hạn hơn 375 triệu đồng trong năm 2018.

Không chỉ vậy, từ năm 2018, Setra bỏ ra 245 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết là Công ty cổ phần Đầu tư Hera Sài Gòn (Hera Sài Gòn), để nắm giữ 49 triệu cổ phần, chiếm 49% vốn điều lệ của công ty này.

Hera Sài Gòn do ông Lê Hữu Tâm làm đại diện pháp luật và ông Tâm còn là đại diện pháp luật Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương. Trong khi đó, theo Bản án hình sự sơ thẩm số 157/2024/HS-ST ngày 11/4/2024 của Tòa án Nhân dân TP.HCM vừa công bố sau xét xử giai đoạn I - đại án Vạn Thịnh Phát, thì Trương Mỹ Lan đã giao các cá nhân nắm giữ 120.474.002 cổ phần, chiếm 66,93% vốn điều lệ Công ty cổ phần Sài Gòn Kim Cương. Thế nên, công ty này đã phải tự nguyện chuyển hơn 414 tỷ đồng đồng vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) để khắc phục số tiền Trương Mỹ Lan đã chiếm đoạt trong vụ án giai đoạn I.

Điều đáng lưu ý, tại Bản công bố thông tin phát hành lô trái phiếu 20 mã nêu trên vào tháng 8/2020, Setra cho hay, Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch HĐQT Setra quyết phương án phát hành là ông Trần Văn Tuấn. Nhưng sau khi phát hành xong, tới tận tháng 8/2023, tại quyết định thông qua báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2023 của Setra mới xuất hiện Chủ tịch HĐQT công ty này là ông Trương Lập Hưng, chính là… cháu bà Trương Mỹ Lan.

2.000 tỷ đồng trái phiếu đi về đâu?

Vào tháng 8/2020, khi Trương Mỹ Lan đã cho mượn 1.000 tỷ đồng không lãi suất và Sài Gòn Peninsula là cổ đông lớn, Setra phát hành lô trái phiếu mã từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20, thu về 2.000 tỷ đồng.

Trong bản công bố thông tin tới trái chủ, Setra không nêu cụ thể số tiền thu về đầu tư vào đâu. Tại buổi làm việc ngày 28/2/2023, đại diện Setra chỉ “úp mở” rằng, đầu tư vào Dự án 220 - Bình Thới và thuộc sở hữu công ty thành viên.

Nhưng tại báo cáo tài chính năm 2021 của doanh nghiệp, thì 2.000 tỷ đồng huy động từ lô trái phiếu trên được Setra rót vào Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển hạ tầng và bất động sản Việt Nam (VIPD Group), với lãi suất 11%/năm, để đầu tư Dự án Trung tâm thương mại và căn hộ tại số 220 - Bình Thới, phường 14, quận 11, TP.HCM (Dự án 220 - Bình Thới).

VIPD Group lại do ông Nguyễn Vũ Anh Thi làm đại diện pháp luật. Tại phiên xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I, Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ và Đầu tư Việt Nam do ông Thi làm đại diện pháp luật được xác định là đứng tên giùm Trương Mỹ Lan đối với tài sản khu đất số 44 - Trần Đình Xu (quận 1, TP.HCM) để thực hiện các giao dịch.

Đáng lưu ý hơn, theo công bố thông tin định kỳ về tình hình sử dụng vốn trái phiếu, kỳ báo cáo kết thúc ngày 30/6/2022, tức cả năm trời sau khi Setra đã phát hành thành công và đã góp 2.000 tỷ đồng đầu tư Dự án 220 - Bình Thới, số tiền trên chưa giải ngân được đồng nào. Như vậy, Dự án 220 - Bình Thới chưa được khởi công và sử dụng nguồn tiền 2.000 tỷ đồng rót vào. Vậy số tiền đó đi đâu?

Chưa hết, khi chưa “nổ’ vụ Vạn Thịnh Phát, thì Dự án 220 - Bình Thới đã vướng pháp lý khác.

Đó là tháng 2/2022, Bộ Công an khởi tố vụ án và bị can về tội “vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) và một số đơn vị thành viên.

Theo điều tra, VEAM ký hợp đồng hợp tác với Công ty Phương Nam góp vốn thành lập Công ty liên doanh Đúc Phương Nam để xây dựng nhà ở chung cư và trung tâm thương mại tại số 220 - Bình Thới.

Tiếp theo, Công ty Đúc Phương Nam ký hợp đồng với Công ty An Phú thỏa thuận việc thành lập Công ty Phú Vinh và giải thể Công ty Đúc Phương Nam.

Sau đó, Hội đồng Quản trị VEAM phê duyệt góp vốn bằng quyền sử dụng đất tại số 220 - Bình Thới vào Công ty Phú Vinh và bàn giao đất cho Công ty Phú Vinh (sau này đổi tên thành VIPD Group).

Một thời gian sau, VEAM chuyển nhượng hết cổ phần cho tư nhân, không thực hiện định giá, đấu giá. Việc này vi phạm các quy định của Nhà nước, biến “của công” thành của riêng, gây thiệt hại cho Nhà nước 165 tỷ đồng. Tới tận tháng 12/2013, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội mới mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án này.

Thế nên, không bỗng nhiên, nhiều trái chủ cho rằng, với vi phạm trên, Setra hoàn toàn có quyền đơn phương kết thúc hợp đồng hợp tác với VIPD Group và thu hồi ngay 2.000 tỷ đồng đã đầu tư.

Nhưng không hiểu sao, Setra không chọn giải pháp này, càng làm dấy lên nghi ngờ số tiền của trái chủ đã biến mất, không như Setra báo cáo.

Lô trái phiếu 20 mã, từ mã SET.H2025.01 đến SET.H2025.20, lãi suất 11%/năm, có giá trị 2.000 tỷ đồng, được Setra phát hành thành công hồi tháng 8/2020, theo kế hoạch sẽ đáo hạn vào tháng 8/2025. Đây cũng là loại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không tài sản đảm bảo. Tổ chức tư vấn kiêm đại lý phát hành và đại diện người sở hữu trái phiếu vẫn là Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI). Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) là tổ chức quản lý tài khoản.

Gần đây nhất, trong thông báo gửi Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 29/2/2024, Setra cho biết tiếp tục hoãn thanh toán cho trái chủ số tiền 337 tỷ đồng, gồm tiền lãi và lãi phạt của lô 20 trái phiếu trên, do chưa thể thu xếp nguồn thanh toán.

Trước đó, vào tháng 2 và tháng 9/2023, Setra cũng gửi thông báo hoãn tương tự với cùng lý do.

Ngoài 20 mã trái phiếu trên, Setra từng phát hành 31 mã trái phiếu, từ STRCB2023001 đến STRCB2023031, với tổng giá trị 3.750 tỷ đồng. Tại báo cáo gửi HNX, trong nửa đầu năm 2023, Setra lỗ sau thuế 273 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu chiếm 73%, khoảng 5.700 tỷ đồng - gấp 16 lần vốn chủ sở hữu (356 tỷ đồng).

(Còn tiếp)


baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục