“Bạch tuộc tung vòi”, 42.000 người bị “bốc hơi” 30.000 tỷ đồng - Bài 1: Chỉ với một An Đông, 40.000 “thượng đế” thành khổ chủ

Ba lô trái phiếu do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông phát hành, kéo theo gần 40.000 người bị hại, lớn nhất trong lịch sử tố tụng.
“Khổ chủ” trái phiếu An Đông kêu cứu với cơ quan báo chí.

Ngay sau tuyên “đại án” Vạn Thịnh Phát - SCB, Bộ Công an phát thông báo lần 2 tìm người bị hại của 25 lô trái phiếu để tiếp tục mở giai đoạn II - Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vạn Thịnh Phát và các tổ chức liên quan. Được biết, “vòi bạch tuộc” Trương Mỹ Lan hại khoảng 42.000 người với tổng tiền hơn 30.000 tỷ đồng, gây khủng hoảng niềm tin, biến động cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bài 1: Chỉ với một An Đông, 40.000 “thượng đế” thành khổ chủ

Trong số 25 gói trái phiếu của nhiều công ty mà Bộ Công an đang tìm bị hại, có 3 lô do Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông phát hành, kéo theo gần 40.000 người bị hại, lớn nhất trong lịch sử tố tụng. Ở lần phát hành trái phiếu thu về số tiền khủng này của An Đông, gần 12.000 tỷ đồng “mất tích” bí ẩn.

Hai năm “ẵm” gần 25.000 tỷ đồng

Theo hồ sơ của chúng tôi, hoạt động từ năm 2007, nhưng tới tháng 8/2018, ông Kwor Hakman Oliver, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông (An Đông) lúc bấy giờ mới ký văn bản gửi Bộ Tài chính, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tín dụng để thông báo dự kiến phát hành 150 triệu trái phiếu mã ACD-2018.09 vào khoảng quý II, III/2018, thu về 15.000 - 20.000 tỷ đồng.

Đây là loại trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, có độ rủi ro cao nhất với “toàn không”: không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo và không có bảo lãnh thanh toán. Tổ chức tư vấn, kiêm đại lý phát hành là Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI).

Tới tháng 9/2018, An Đông phát hành thành công lô trái phiếu trên, thu về gần 12.000 tỷ đồng.

Sau thắng lợi lớn, cũng năm 2018, An Đông tiếp tục phát hành lô trái phiếu thứ 2 với mã ADC- 2018.09.1, thu về 3.000 tỷ đồng.

Tới năm 2019, An Đông phát hành tiếp lô trái phiếu thứ 3 với mã ADC-2019.01, thu về 10.000 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong 2 năm, với việc phát hành 3 lô trái phiếu, An Đông thu về tổng cộng gần 25.000 tỷ đồng.

Hàng ngàn tỷ đồng đi đâu?

Giai đoạn 2018 - 2020, An Đông đã trả lãi cả 3 lô trái phiếu tổng cộng hơn 2.800 tỷ đồng. Sau đó, không một đồng nào được chi trả cho trái chủ. Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2023 và 2024 của Bộ Tài chính, tới cuối năm 2023, An Đông nợ gần 25.000 tỷ đồng trái phiếu.

Ở đợt phát hành lô trái phiếu đầu tiên (mã ADC.2018.09) thu về gần 12.000 tỷ đồng, theo Quyết định số 207/18/HĐQT-AD ngày 20/7/2018 của HĐQT An Đông phê duyệt phương án huy động vốn, thì tiền thu về dành cho đầu tư Dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận, quận 7, TP.HCM (còn gọi Dự án Mũi Đèn Đỏ, quy mô 118 ha, tổng vốn đầu tư lên đến 6 tỷ USD).

Trước đó, năm 2007, UBND TP.HCM chấp thuận cho Công ty cổ phần Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (thuộc Vạn Thịnh Phát) đầu tư dự án trên. Khởi công năm 2016, nhưng do kéo dài và thay đổi quy định về đầu tư (những dự án trên 100 ha thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ), nên từ năm 2017 tới nay, Dự án bất động. Như vậy, việc huy động được gần 12.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu lần 1 năm 2018 của An Đông không được sử dụng đúng mục đích. Vậy số tiền “khủng” đó đi đâu?

“Ẵm” tiền phát hành trái phiếu chưa đủ, theo Bản án sơ thẩm số 157/2024/HS-ST ngày 11/4/2024 của Tòa án Nhân dân TP.HCM công bố sau hơn 1 tháng xét xử đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn I, khi Dự án Mũi Đèn Đỏ chưa được Chính phủ phê duyệt, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo “tay chân” bắt tay với Công ty cổ phần Thẩm định giá Thiên Phú phát hành chứng thư ghi lùi ngày và nâng khống giá trị dự án này lên hơn 151.000 tỷ đồng.

Sau đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sử dụng chứng thư trên cùng Chứng thư thẩm định giá quyền sử dụng đất tại Dự án 100 - Hùng Vương (phường 9, quận 5) để hợp thức hồ sơ thế chấp tài sản đảm bảo, giải ngân cho 65 khách hàng vay với tổng số tiền 105.000 tỷ đồng, tổng dư nợ tính đến ngày 17/10/2022 là trên 127.000 tỷ đồng. Trong khi đó, kết quả thẩm định giá của Công ty Hoàng Quân đối với các tài sản trên chỉ hơn 17.320 tỷ đồng.

Hậu quả là, thiệt hại của các khoản vay trên được xác định trên 110.000 tỷ đồng.

“Người một nhà” ra tay, 40.000 dân thành bị hại

Hồi tháng 10/2022, sau khi Trương Mỹ Lan bị bắt, TVSI có báo cáo nêu, có khoảng 40.000 khách hàng mua 3 lô trái phiếu An Đông, gồm 17.400 người sở hữu trái phiếu ADC.2018.09, hơn 5.000 người mua lô ADC.2018.09-01 và hơn 15.500 người mua lô ADC.2019.01.

Với cả 3 gói trái phiếu trên, Bộ Công an đang tìm bị hại, với cáo buộc An Đông - Vạn Thịnh Phát có hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo hồ sơ chúng tôi có được, việc phát hành trái phiếu từ A tới Z đều là “người một nhà” của Trương Mỹ Lan.

Cụ thể, ở đợt phát hành trái phiếu đầu tiên (mã ADC.2018.09) thu về gần 12.000 tỷ đồng, lớn nhất trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ Việt Nam lúc bấy giờ, theo thông báo gửi Bộ Tài chính và Bản công bố thông tin của An Đông, thì doanh nghiệp đủ điều kiện phát hành trái phiếu riêng lẻ theo quy định khi đó, bởi doanh nghiệp đã hoạt động hơn 10 năm, báo cáo tài chính của doanh nghiệp năm 2017 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán Quy Chuẩn và kiểm toán viên đã chấp nhận toàn phần báo cáo này (năm 2017, hoạt động kinh doanh An Đông có lãi, lợi nhuận trước thuế hơn 163 tỷ đồng), phương án phát hành trái phiếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt là HĐQT.

Nhưng HĐQT An Đông quyết định phát hành trái phiếu lúc bấy giờ lại toàn là “em, cháu” của Trương Mỹ Lan. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT là Ngô Thanh Nhã - em dâu bà Lan). Thành viên HĐQT An Đông là Trương Huệ Vân và Trương Lập Hưng - đều là cháu bà Lan. Đồng thời, tất cả thành viên HĐQT An Đông nêu trên đều nắm giữ nhiều chức vụ như Tổng giám đốc, thành viên HĐQT Vạn Thịnh Phát và nhiều công ty hệ sinh thái tập đoàn này.

Còn Tổng giám đốc An Đông là Kwok Hakman Oliver lại cũng là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Peninsula, chủ đầu tư Dự án Mũi Đèn Đỏ.

Mặt khác, tại thời điểm ngày 31/12/2017, Vạn Thịnh Phát nắm giữ hơn 51% cổ phần An Đông, với tổng trị giá cổ phần hơn 4.604 tỷ đồng. Cá nhân bà Trương Mỹ Lan nắm 10% cổ phần An Đông, với tổng giá trị cổ phần 900 tỷ đồng.

“Em, cháu” bà Lan ở An Đông cũng “duyệt” phát hành 2 đợt trái phiếu sau đó (mã ADC.2018.09.1 và mã ADC-2019.01, với tổng trị giá 13.000 tỷ đồng.

Đáng nói là, TVSI là đơn vị phát hành trái phiếu cả 3 mã trái phiếu An Đông, nhưng lại giao SCB trực tiếp làm việc này. Bằng chứng là, theo báo cáo của TVSI hồi tháng 10/2022, tất cả 40.000 người mua 3 lô trái phiếu An Đông đều mua qua SCB.

Oái oăm thay, tưởng SCB là nơi trung gian, nhưng lại cũng… “cùng nhà” của Trương Mỹ Lan. Theo Bản án hình sự thẩm số 157/2024/HS-ST ngày 11/4/2024 của Tòa án Nhân dân TP.HCM vừa công bố, dù không trực tiếp giữ chức vụ tại SCB, nhưng với việc nắm giữ số lượng rất lớn, chiếm gần tuyệt đối cổ phần SCB (trên 90%), bố trí người thân tín của mình giữ các chức vụ chủ chốt, Trương Mỹ Lan đã nắm quyền điều hành, chi phối, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của SCB, biến ngân hàng này thành công cụ tài chính phục vụ cho bị cáo và Vạn Thịnh Phát.

Thế nên mới có cảnh SCB rầm rộ phát động nhiều chương trình, như Bản lĩnh dẫn đầu - Thống lĩnh đường đua, Chặng đua thần tốc…, với “thưởng lớn, thưởng ngay”, để cán bộ, nhân viên thi đua “dẫn dụ” khách hàng mua trái phiếu. Đến mức, chỉ một ngày trước khi Bộ Công an bắt Trương Mỹ Lan, vẫn có “thượng đế” thành khổ chủ.

Lần gần đây nhất, cuối tháng 3/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt An Đông 92,5 triệu đồng vì không công bố Báo cáo tài chính bán niên 2023; Báo cáo tài chính năm 2020; Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đối với trái phiếu còn dư nợ bán niên 2023 và cả năm 2022; Báo cáo tình hình sử dụng nguồn vốn từ phát hành trái phiếu năm 2020; Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu bán niên 2023 và năm 2020; Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2022; Báo cáo tình hình thực hiện các cam kết của doanh nghiệp phát hành đối với người sở hữu trái phiếu bán niên 2023 và cả năm 2022; gửi nội dung công bố thông tin định kỳ cho HNX không đúng thời hạn.

Theo điều tra ban đầu của Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) về Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Vạn Thịnh Phát và các tổ chức có liên quan giai đoạn II, thì từ năm 2018 đến năm 2020, các đối tượng tại Vạn Thịnh Phát, An Đông, Công ty cổ phần Đầu tư Quang Thuận, Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại TP.HCM, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World, cùng các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, làm trái quy định pháp luật, tạo lập 25 gói trái phiếu với mã ADC-2018.09, ADC- 2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và các mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20, với tổng giá trị 30.081 tỷ đồng để bán và chiếm đoạt tiền.

Để phục vụ điều tra, đảm bảo quyền lợi của người bị hại, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đề nghị người bị hại còn dư nợ của 25 gói trái phiếu trên khẩn trương đến Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an các tỉnh/thành phố (nơi bị hại cư trú hoặc nơi phát sinh hợp đồng mua bán trái phiếu) cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến việc mua bán trái phiếu hoặc chuyển đơn đề nghị theo mẫu do Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ban hành.

Nếu không đến, không phối hợp cung cấp tài liệu trước thời điểm kết thúc điều tra Vụ án, thì Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) không có căn cứ để xem xét, giải quyết quyền và lợi ích hợp pháp trong Vụ án.

(Còn tiếp)

Ngô Nguyên
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục