Bạc Liêu tháo gỡ điểm nghẽn để tạo cơ hội mới thu hút đầu tư
Là tỉnh có vị trí địa lý không thuận lợi so với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cùng với nguồn lực đầu tư hạn chế, lại gặp nhiều khó khăn về kết cấu hạ tầng, song trong những năm gần đây, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Bạc Liêu đã không ngừng cải thiện môi trường đầu tư.
Thời gian qua, tỉnh Bạc Liêu đã triển khai có hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng rút ngắn thời gian, tinh gọn, minh bạch, công khai; thường xuyên tổ chức gặp gỡ, tiếp xúc nhà đầu tư, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư khi có yêu cầu.
Với những nỗ lực như vậy, Bạc Liêu đã trở thành một “điểm sáng” của vùng trong thu hút, mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bạc Liêu đã có những định hướng rõ ràng, quyết tâm cao của cả hệ thống, cải tiến các phương pháp tiếp cận nhà đầu tư, doanh nghiệp trong thu hút mời gọi đầu tư, đi liền với các chính sách hỗ trợ, khuyến khích và ưu đãi ở mức cao nhất theo quy định dựa trên 5 trụ cột chính là nông nghiệp công nghệ cao; năng lượng tái tạo; du lịch, thương mại, dịch vụ; giáo dục, y tế chất lượng cao; phát triển kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng.
Tỉnh cũng nhận thấy rõ các điểm nghẽn cần tháo gỡ để tăng tốc thu hút đầu tư. Khó khăn lớn nhất, dễ thấy nhất là quỹ đất sạch của tỉnh để mời gọi đầu tư. Điểm qua danh mục mời gọi đầu tư của tỉnh, có thể thấy, các vị trí thực hiện dự án đa phần là đất cần phải giải phóng mặt bằng, nên gây khó khăn, giảm tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư của tỉnh. Bên cạnh đó, các thủ tục pháp lý để triển khai dự án, nhất là các thủ tục bổ sung quy hoạch từ các bộ, ngành cũng làm mất nhiều thời gian của nhà đầu tư trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Điện gió, điện khí - điểm sáng thu hút đầu tư của Bạc Liêu
Theo Quy hoạch Phát triển điện gió tỉnh Bạc Liêu giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 đã được Bộ Công thương phê duyệt (tại Quyết định số 1403/QĐ-BCT ngày 11/4/2016), tổng công suất tiềm năng điện gió của tỉnh Bạc Liêu đạt hơn 2.500 MW. Để khai thác tiềm năng này, đến nay, Bạc Liêu đã có 18 dự án điện gió đăng ký tiếp cận, tổng quy mô công suất hơn 3.000 MW; 1 dự án đang vận hành với công suất 99,2 MW, đã phát lên lưới điện quốc gia trên 900 triệu kWh; 4 dự án với tổng công suất 292 MW đang triển khai thi công.
Đặc biệt, năm 2017, tỉnh Bạc Liêu đã kiến nghị xin rút Trung tâm Nhiệt điện than công suất 3.600 MW đã được quy hoạch tại Cái Cùng, Đông Hải, nhằm đảm bảo môi trường phục vụ cho sự phát triển bền vững của tỉnh, nhất là phát triển ngành tôm vốn rất cần môi trường sinh thái tốt. Kiến nghị này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, đồng thời giao tỉnh và Bộ Công thương tìm nguồn điện khác thay thế, đảm bảo cung ứng nguồn điện quốc gia.
Trên cơ sở chỉ đạo đó, tỉnh đã quyết liệt mời gọi các dự án năng lượng sạch thay thế và đã có nhà đầu tư Hoa Kỳ liên doanh với Singapore tiếp cận đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Bạc Liêu, công suất 3.200 MW, tổng vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD.
Dự án này là một tổ hợp điện khí LNG, bao gồm trạm đầu mối tiếp nhận LNG, lưu trữ và tái hóa khí cùng các trang thiết bị liên quan được đặt tại khu AI ngoài khơi vùng biển tỉnh Bạc Liêu (cách bờ 35 km), với diện tích khoảng 100 ha; tổ hợp nhà máy phát điện trên bờ được đặt tại xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, với diện tích khoảng 40 ha, đấu nối với hệ thống điện cấp điện áp 500 kV.
Đến nay, sau hơn 12 tháng khẩn trương làm các thủ tục chuẩn bị đầu tư, với sự ủng hộ rất cao của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dự án sắp chính thức được bổ sung vào Quy hoạch Phát triển điện lực quốc gia (Tổng Sơ đồ VII) để làm cơ sở phê duyệt chủ trương đầu tư, dự kiến triển khai vào cuối năm 2020.
Khi hoàn thành, dự án trên sẽ cung cấp khoảng 19,2 tỷ kWh/năm, hòa vào lưới điện quốc gia. Đây là nguồn điện sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo thực hiện chủ trương tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm thiểu khí CO2, ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh Bạc Liêu theo Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Bạc Liêu. Dự án cũng làm tăng nguồn thu cho ngân sách trên địa bàn, giúp tỉnh sớm tự trang trải ngân sách.
Bạc Liêu tăng tốc về đích
Năm 2020 được lãnh đạo và chính quyền tỉnh Bạc Liêu xác định là năm “nước rút”, là tiền đề để tỉnh “về đích”, với mục tiêu “phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ, Bạc Liêu đứng vào tốp các tỉnh khá trong khu vực và trung bình của cả nước”. Để đạt được mục tiêu đó, đồng thời nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án, Bạc Liêu quyết tâm thực hiện tốt một số giải pháp dưới đây.
Thứ nhất, tập trung đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư, nhất là 5 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Thứ hai, tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong thực hiện dự án đầu tư (quy hoạch, xây dựng, đất đai…). Cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, cải thiện Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư về các thủ tục, hồ sơ pháp lý để nhanh chóng hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, tiến hành khởi công dự án.
Thứ ba, đẩy nhanh việc lập quy hoạch tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thực hiện hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bạc Liêu, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, người dân và doanh nghiệp trong việc liên hệ giải quyết thủ tục hành chính để tăng tính liên thông và minh bạch; tiếp tục cập nhật, sửa đổi các quy định khuyến khích và ưu đãi đầu tư áp dụng tại tỉnh cho phù hợp các quy định mới của Chính phủ, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm hỗ trợ tích cực cho các nhà đầu tư. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh..
Năm 2019, Bạc Liêu đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 17 dự án, trong đó có 14 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.150 tỷ đồng; 3 dự án nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 113,51 triệu USD.
Cấp điều chỉnh cho 8 dự án đầu tư (2 dự án đầu tư nước ngoài, 6 dự án trong nước), với tổng vốn đầu tư 3.135 tỷ đồng. Có 6 dự án ký quỹ thực hiện, với tổng số tiền là 18,4 tỷ đồng.
Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 134 dự án, trong đó 120 dự án trong nước (tổng vốn đăng ký đầu tư 29.370 tỷ đồng), 14 dự án nước ngoài (tổng vốn đăng ký đầu tư 550,44 triệu USD).