Hơn 14.000 người lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội
Báo cáo tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trên địa bàn, ông Thân Đức Lại, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Bắc Giang cho biết, trong những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, lãnh đạo và chỉ đạo toàn diện,.
Qua đó đạt được nhiều kết quả quan trọng, số người tham gia và thụ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng tăng, quyền lợi đối tượng ngày càng được đảm bảo…
Cụ thể, tính đến 30/6/2018, số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là 1.567.160 người (tăng 83.240 người so với cùng kỳ năm 2017 và tăng 28.133 người so với thời điểm 31/12/2017).
6 tháng đầu năm 2018, tổng số thu toàn tỉnh là 2.148,576 tỷ đồng, tăng 213,784 tỷ đồng (11,04%) so với cùng kỳ năm 2017, đạt 92,7% kế hoạch 6 tháng và 46,3% kế hoạch cả năm do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam giao.
Đáng chú ý, từ năm 2014 đến nay, đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế.
Từ năm 2016, đối tượng thuộc hộ gia đình làm nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 20% chi phí tham gia bảo hiểm y tế (ngoài mức hỗ trợ của ngân sách Trung ương là 30%)…
Bên cạnh những kết quả tích cực, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Bắc Giang cũng cho biết, tỷ lệ người lao động trong các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn thấp; nhiều doanh nghiệp chưa tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động, hoặc tham gia chưa đầy đủ cho lao động đang làm việc và có hưởng lương tại doanh nghiệp; lao động làm việc trong các doanh nghiệp tỷ lệ thấp so với lực lượng lao động.
Nhiều doanh nghiệp kê khai thuế thu nhập cá nhân để quyết toán thuế cao hơn nhiều so với lao động, tiền lương, phụ cấp theo hợp đồng lao động làm căn cứ tham gia bảo hiểm xã hội.
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Giang cho thấy, tính đến hết tháng 5/2018, có 4.263 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng đến hết tháng 8/2018, cơ quan bảo hiểm xã hội mới phát triển thêm được 331 doanh nghiệp với 1.872 lao động (còn trên 1.800 doanh nghiệp với trên 14.000 lao động chưa tham gia bảo hiểm xã hội).
Cùng với đó, lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội tại Bắc Giang chiếm 29,1% (toàn quốc là 29%); nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp còn diễn ra phổ biến trong các doanh nghiệp.
Tính đến 30/6/2018, tổng số nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp xấp xỉ 125 tỷ đồng (bao gồm cả lãi chậm đóng), tương ứng với tỷ lệ nợ là 2,7%, thấp hơn 0,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Tham gia bảo hiểm xã hội: Chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế
Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho rằng, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại Bắc Giang triển khai tương đối tốt, nhất là số người tham gia bảo hiểm y tế đã vượt 10% so với chỉ tiêu Chính phủ giao.
Mặc dù vậy, đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội còn khá khiêm tốn so với tiềm năng, ước khoảng trên 14.000 lao động phải tham gia bảo hiểm xã hội nhưng chưa tham gia; bảo hiểm xã hội tự nguyện ở mức thấp, với hơn 4.000 người.
Nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ở mức bình quân chung của cả nước, nhưng số tuyệt đối lớn, nhất là nợ ở doanh nghiệp phá sản, giải thể chưa xử lý được. Ông Khương
"Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cần tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo để phát triển số người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tương xứng với tiềm năng và sự phát triển của địa phương", ông Khương nói.
Lý giải về việc số người tham gia bảo hiểm xã hội thấp, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang cho biết, khác với các tỉnh khác, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, nên công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội gặp rất nhiều khó khăn.
"Trước đây, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đăng ký là 7.000 doanh nghiệp, nhưng chỉ trên 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
Trong 3 năm gần đây, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo và ban hành kế hoạch nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực lao động xã hội và ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Hàng tháng, có thống kê lao động tăng - giảm và thông báo các huyện đề xuất nội dung doanh nghiệp thực hiện tốt hoặc không tốt, qua đó tiến hành kiểm tra, xử lý.
Hiện nay, trong số các doanh nghiệp đang hoạt động, doanh nghiệp có trên 100 lao động chiếm 6%, dưới 10 lao động chiếm 63%, còn lại 31% doanh nghiệp có từ 10 - 100 lao động", vị này nói.
Cũng theo đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bắc Giang, ngành lao động - thương binh và xã hội tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu cho Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh để đưa ra nhiều biện pháp thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội và kiến nghị khoanh nợ bảo hiểm xã hội cũ cho các doanh nghiệp, đồng thời có cơ chế tháo gỡ vướng mắc đối với các doanh nghiệp phá sản, chủ bỏ trốn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Kết luận buổi giám sát, Thứ trưởng Lê Chiêm đánh giá cao những kết quả tỉnh Bắc Giang đạt được trong thời gian qua và yêu cầu cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng của tỉnh cần thực hiện toàn diện và đồng bộ các giải pháp quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo đảm chi trả đúng đối tượng thụ hưởng.
"Đề nghị các cấp, các ngành của tỉnh Bắc Giang tiếp tục nâng cao nhận thức trách nhiệm, xác định chỉ tiêu tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của địa phương, là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và mỗi người dân theo đúng tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Trung ương", Thứ trưởng Lê Chiêm nhấn mạnh.