TTCK tháng 7 chịu tác động của 3 yếu tố chính: (i) kết quả kinh doanh quý II của các DN niêm yết; (ii) môi trường kinh tế vĩ mô được dự đoán diễn biến tích cực với chính sách tiền tệ được nới lỏng tương đối; (iii) ảnh hưởng của thị trường tài chính thế giới, được nhận định tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro trong ngắn hạn - kinh tế toàn cầu năm 2010 có thể tăng trưởng chậm hơn dự đoán, do ảnh hưởng từ nền kinh tế Mỹ và khu vực châu Âu.
Trong khi các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước có xu hướng hỗ trợ cho nhau, yếu tố vi mô (tin tức DN) có khả năng định hướng thị trường tháng 7. Tuy nhiên, nếu kinh tế vĩ mô chưa có bước đột phá thì khả năng hỗ trợ của tin tức DN cũng chỉ mang tính chất ngắn hạn.
Trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 7, chúng tôi tiếp tục nhận định thị trường dựa trên 3 hướng tiếp cận chính: phân tích cơ bản, phân tích kỹ thuật và phân tích dựa trên tâm lý NĐT.
Phân tích cơ bản
Quan điểm của chúng tôi về phương trình 3 ẩn số của tháng 7 là kinh tế vĩ mô, kết quả kinh doanh quý II và diễn biến thị trường thế giới như sau:
Kinh tế vĩ mô tháng 7 diễn biến theo xu hướng tích cực
Sau thông tin lạm phát tháng 6 tích cực (0,22%), đưa lạm phát 6 tháng đầu năm ở mức 4,78%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang mạnh tay hơn với chính sách nới lỏng tiền tệ. Quý III được dự đoán là tâm điểm của tăng trưởng tín dụng do những nguyên nhân sau:
- Tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm mới dừng ở mức xấp xỉ 10,5%, nghĩa là trong 6 tháng cuối năm vẫn còn khoảng 14,5% tăng trưởng tín dụng có thể được bơm vào nền kinh tế, cao hơn 50% so với quý I và quý II. Với đặc điểm những tháng cuối năm nhạy cảm về tình hình lạm phát, quý III là thời điểm thích hợp nhất để bơm tiền vào nền kinh tế;
- Áp lực tới chỉ tiêu tăng trưởng GDP: tăng trưởng GDP quý II chưa được công bố, nhưng khả năng đột phá không lớn, do đây là quý tiêu thụ thấp điểm nhất trong năm; tăng trưởng tín dụng vẫn bị kìm hãm cùng với mặt bằng lãi suất cao, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất. Nếu tín dụng quý III không được tăng tốc, khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2010 không mấy lạc quan.
Ngay từ cuối tháng 6, NHNN đã có những định hướng tích cực tới thị trường tiền tệ quý III, thể hiện ở quyết tâm giảm mặt bằng lãi suất huy động từ 12% xuống 10%, từ đó giảm lãi suất cho vay, kích thích sản xuất. Lo ngại của chúng tôi là NHNN sẽ thực hiện định hướng này theo phương pháp nào? Bơm tiền qua thị trường mở không thể có tác động nhanh và mạnh ngay trong ngắn hạn, nên chúng tôi chờ đợi các biện pháp điều chỉnh khác có tính chất đột phá hơn. Khi mặt bằng lãi suất cho vay chưa giảm xuống dưới mức 12% (ngưỡng "tâm lý" của các DN), tín dụng cũng chưa thể tăng tốc, mặc dù cung tiền tháng 7 vào thị trường có khả năng ở mức cao nhất từ đầu năm tới nay.
Cũng do tháng 7 là tháng tiêu thụ thấp điểm, lạm phát và tỷ giá không phải là vấn đề có thể tạo áp lực lên các chính sách vĩ mô. Lạm phát nhiều khả năng sẽ được duy trì ở mức dưới 0,3%, tương đương với mặt bằng tháng 6.
Kinh tế toàn cầu còn tiềm ẩn nhiều rủi ro
So với tháng 5 và 6, kinh tế thế giới tháng 7 được dự báo tích cực hơn, mặc dù vẫn chưa thực sự ổn định thể hiện ở những nguyên nhân sau đây:
- Mỹ gần đây phải hạ mức kỳ vọng tăng trưởng kinh tế năm 2010 sau khi đã điều chỉnh tăng đầu quý II do những lo ngại về tốc độ hồi phục kinh tế;
- Kinh tế Trung Quốc cũng đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại sau thời gian dài tăng trưởng nóng. Đây cũng là mong muốn của Chính phủ Trung Quốc trong chiến lược phát triển bền vững, nhưng điều này có khả năng tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới trong ngắn hạn;
- Các nước không bị ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng nợ trong khu vực châu Âu cũng đang âm thầm giảm tỷ lệ nợ công - yếu tố tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế khu vực;
- Trung Quốc đang dự kiến "phá giá" đồng nhân dân tệ - chính sách này được dự báo là sẽ tác động tích cực tới các nền kinh tế xuất khẩu lớn sang Trung Quốc như Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản...; không có lợi cho khu vực xuất khẩu, vốn là thế mạnh của Trung Quốc hiện nay, về ngắn hạn có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất nội địa, nên có khả năng ảnh hưởng tới cơ cấu thương mại toàn cầu.
Với các nguyên nhân trên, TTCK toàn cầu đang chờ đợi kết quả kinh doanh quý II tại Mỹ và khu vực châu Âu để kiểm chứng ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu ở mức vi mô.
Kết quả kinh doanh quý II của các DN niêm yết có vai trò quyết định
Mặc dù quý II không phải là quý kinh doanh được NĐT hy vọng nhiều nhất, nhưng trong thời điểm các yếu tố vĩ mô trong và ngoài nước đều không được kỳ vọng có nhiều đột biến trong ngắn hạn, thì đây là thông tin có giá trị nhất cho các hoạt động đầu tư lướt sóng. Chúng tôi có một số nhận định sau:
- Mặt bằng chung của kết quả kinh doanh quý II sẽ không có nhiều bất ngờ, so với quý II/2009 có thể tăng trưởng âm (quý II/2009 là tiêu điểm của chính sách nới lỏng tiền tệ) và có thể chỉ tăng nhẹ so với quý I, song song với tốc độ tăng trưởng tín dụng và mặt bằng lãi suất;
- Các nhóm ngành sẽ có sự phân hóa lớn về chất lượng tăng trưởng: nhóm ngành vật liệu xây dựng (trừ thép) và bất động sản (nhất là các công ty có các dự án lớn khu vực phía Bắc) có khả năng tăng trưởng mạnh nhất, trong khi nhóm ngành ngân hàng, công nghệ thông tin và thép có thể không có được kết quả như dự kiến;
Trong giai đoạn thị trường thiếu thông tin để NĐT lựa chọn "lướt sóng", kết quả kinh doanh quý II có thể là điểm tựa lớn nhất cho các quyết định của NĐT. So với các DN lớn, những công ty quy mô vừa và nhỏ có khả năng xoay xở tốt hơn về kết quả hoạt động kinh doanh, nên pennystock vẫn có khả năng giữ được sức hút trong tháng 7.
Với nhận định như trên, theo phân tích cơ bản, thị trường tháng 7 sẽ đón nhận xu hướng phân hóa ngành khá mạnh, phù hợp với các hoạt động đầu tư lướt sóng ngắn hạn. Thanh khoản của tháng 7 có thể được cải thiện, thay đổi mạnh hơn trong giai đoạn nửa sau của tháng - khi báo cáo tài chính quý II của các DN bắt đầu được công bố. Về cơ bản, khả năng thị trường tài chính giảm điểm mạnh trong tháng 7 không còn lớn như tháng 5 và 6 sau thời gian dài điều chỉnh, nhưng chúng tôi cũng không kỳ vọng vào khả năng thị trường bứt phá trong điều kiện thị trường tài chính toàn cầu nhiều biến động hiện nay.
Phân tích dựa trên tâm lý NĐT
Biên độ thị trường hẹp và thanh khoản duy trì ở mức thấp so với tháng 5 thể hiện tâm lý thận trọng của NĐT trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, chúng tôi lạc quan hơn trong tháng 7 do những nguyên nhân sau:
- Tâm lý NĐT toàn cầu có xu hướng ổn định hơn khi tình hình tài chính thế giới ngày càng bớt căng thẳng;
- Sau thời gian dài chờ đợi diễn biến thị trường thế giới, tháng 7 là thời điểm thích hợp để NĐT ngắn hạn trở lại tìm kiếm các cơ hội đầu tư từ kết quả kinh doanh quý II, nhất là trong điều kiện kinh tế vĩ mô trong nước khá ổn định;
Trong tháng 7, chúng tôi nhận định, tâm lý NĐT trong nước bắt đầu dần tách khỏi tâm lý NĐT thế giới và trở lại quan tâm tới các yếu tố vĩ mô cũng như DN, do đó xu hướng của thị trường một khi được xác lập sẽ bền vững hơn.
Phân tích kỹ thuật
Theo phân tích kỹ thuật, dải Bollinger đang có xu hướng thu hẹp dần, báo hiệu thị trường đang đi vào giai đoạn tích lũy, thị trường đang trong giai đoạn khó xác định xu thế chính xác. Hiện nay, chỉ số VN-Index đang dịch chuyển trong mẫu hình tam giác, diễn biến trong những phiên giao dịch đầu tháng 7 sẽ quyết định xu hướng chính cho chỉ số này, chúng tôi đưa ra hai kịch bản chính cho xu hướng của chỉ số VN-Index trong tháng 7.
Kịch bản 1: Chỉ số VN-Index sau khi tăng điểm sẽ vượt ra khỏi mẫu hình tam giác, sau đó tiếp cận vùng kháng cự mạnh ở ngưỡng 530 điểm. Sau những điều chỉnh ngắn hạn, chỉ số VN-Index sẽ tăng vượt ngưỡng 530 điểm để bắt đầu một xu hướng tăng điểm mạnh.
Nguồn: SME |
Kịch bản 2: Chỉ số VN-Index sau khi vượt khỏi mẫu hình tam giác và đi xuống gặp vùng kháng cự mạnh tại 475 - 480 điểm, sau những phiên tăng nhẹ và gặp đường trung bình SMA (300), chỉ số này sẽ tiếp tục giảm mạnh về vùng hỗ trợ 445 - 450 điểm.
Nguồn: SME |
Chúng tôi phân bố tỷ lệ giữa hai kịch bản 1/kịch bản 2 ở mức: 30%/70%, do mẫu hình tam giác được hình thành sau một giai đoạn giảm giá của thị trường. Các mẫu hình nến cho thấy một thị trường tích lũy nhiều hơn là có biến động mạnh. Bên cạnh đó, hiện đường MACD đang thay đổi hướng đi và có khả năng cắt đường EMA (MACD,9), báo hiệu khả năng điều chỉnh của thị trường.
Sau thời gian dài giao dịch cầm chừng, nhiều NĐT cá nhân đang kỳ vọng về khả năng có "sóng" trong tháng 7. Chúng tôi nhận định, nếu tin tức DN lạc quan, kịch bản này hoàn toàn có thể xảy ra. Báo cáo tài chính quý II có vai trò quan trọng trong việc: (i) kiểm chứng lại ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu tới hoạt động kinh doanh của các DN; (ii) lựa chọn các DN có khả năng phát triển bền vững trong môi trường chính sách tiền tệ tiếp tục chưa được thực sự nới lỏng, từ đó xác định DN có yếu tố "đột biến" trong năm 2010. Khi kinh tế vĩ mô toàn cầu chưa ổn định, chúng tôi khuyến nghị NĐT tái cơ cấu danh mục đầu tư hướng tới các DN có khả năng báo cáo kết quả kinh doanh tốt trong quý II và chốt lời trong biên độ hẹp.