“Sợi chỉ đỏ” của sự kết nối
Theo phân tích của giới chuyên môn, với những gì đang diễn ra, trong tương lai gần, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ trở thành một trong những thủ phủ về phát triển công nghiệp và du lịch tại các tỉnh phía Nam.
Dù vị trí nằm trong vùng tứ giác kinh tế trong điểm phía Nam, nhưng so với các địa phương giáp ranh TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai…, Bà Rịa - Vũng Tàu những năm trước đây ít được chú ý đến.
Vài năm trở lại đây, trước sự phát triển như vũ bão của hạ tầng, nhu cầu về du lịch, nghỉ dưỡng của người dân ngày càng cao, thì Bà Rịa - Vũng Tàu, miền đất hội tụ khá đầy đủ các yếu tố thuận lợi về địa lý, thổ nhưỡng này được đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp “không khói” - du lịch.
Động lực đầu tiên giúp Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển mạnh trong những năm qua bắt đầu từ câu chuyện về sự đột phá trong phát triển hạ tầng. Kể từ khi tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và Quốc lộ 51 mở rộng, khoảng cách di chuyển từ TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu rút ngắn một nửa thời gian so với trước đây.
Đặc biệt, sắp tới đây, khi tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đưa vào sử dụng, sẽ kết nối toàn khu vực miền Tây với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành trở thành một trong những động lực phát triển của Bà Rịa - Vũng Tàu.
Việc khơi thông dòng kết nối không chỉ thuận lợi với các tỉnh miền Đông Nam Bộ, mà còn rất dễ dàng kết nối với cà miền Tây Nam bộ.
Với một địa phương được quy hoạch để trở thành trung tâm về dầu khí, cảng biển hàng đầu của cả nước, trong đó Cảng quốc tế Cái Mép là 1 trong 19 cảng trên thế giới có đủ khả năng tiếp nhận những tàu siêu lớn; rồi dự án Sân bay Quốc tế Long Thành được quy hoạch và từng bước hoàn thiện hình hài; tuyến cao tốc Biên Hòa - Bà Rịa trở thành “sợi chỉ đỏ” để Bà Rịa - Vũng Tàu dễ dàng cất cánh…
Ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Asia New Time cho biết: “TP.HCM đang chịu sức ép đô thị hóa lớn, dân số cơ học không ngừng tăng cao, quỹ đất đang khan hiếm, khiến cuộc sống đô thị trở nên quá tải.
Thực tế này đã hình thành nên xu hướng ly tâm trên thị trường địa ốc.
Không chỉ với những người có thu nhập thấp, mà ngay cả với những người có thu nhập cao cũng tiến ra vùng ven TP.HCM an cư để tìm cuộc sống trong lành. Đặc biệt, sự bứt phá mạnh mẽ trong phát triển hạ tầng kết nối liên vùng đã giúp Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng phát triển hơn bao giờ hết”.
Ngoài yếu tố hạ tầng, theo phân tích của các chuyên gia, Bà Rịa - Vũng Tàu có lợi thế hơn so với nhiều địa phương khác là hội đủ các các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”, là địa phương duy nhất phía Đông Nam TP.HCM hội tụ đủ các yếu tố để phát triển công nghiệp và du lịch nhờ có bờ biển đẹp trải dài hàng trăm kilomet.
Cuộc đổ bộ của đại gia địa ốc
Nhận diện được tiềm năng phát triển thực sự của Bà Rịa - Vũng Tàu, thời gian qua, địa phương này đã chứng kiến cuộc đổ bộ ồ ạt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực này với dòng vốn lên đến hàng tỷ USD.
Chẳng hạn, vừa qua, Công ty TNHH Hồ Tràm đã được chấp thuận cho phép xây dựng Sân bay Lộc An, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không phục vụ cho khu du lịch giải trí phức hợp Hồ Tràm. Diện tích dự kiến xây dựng sân bay là 244,33 ha.
Trong đó, có 47,55 ha thuộc địa phận xã Lộc An và 196,78 ha thuộc xã Láng Dài, huyện Đất Đỏ. Kinh phí khoảng 4.250 tỷ đồng.
Ngoài ra, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn cho phép xây dựng dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí phức hợp Hồ Tràm, với diện tích 164 ha tại huyện Xuyên Mộc với tổng số vốn đăng ký 4,23 tỷ USD, có kinh doanh Casino.
Với những tiềm năng đó, các “ông lớn” bất động sản nhanh chóng có mặt. Điển hình, Hưng Thịnh Corp vừa rót cả ngàn tỷ đồng để thực hiện 4 dự án có quy mô khá lớn ngay trung tâm TP. Vũng Tàu.
Tập đoàn Tuần Châu của đại gia Đào Hồng Tuyển cũng đề xuất dự án nghỉ dưỡng rộng gần 400 ha, với mong muốn đầu tư xây dựng dự án lớn tại tỉnh này.
Trước đó, Công ty Bất động sản Danh Khôi cũng đã nhanh chân “thâu tóm” thành công một dự án có quy mô gần 10 ha ngay trung tâm TP. Bà Rịa để phát triển thành khu đô thị mang tên Barya Citi.
Tọa lạc tại vị trí vàng trong trung tâm hành chính của tỉnh, giáp với 3 mặt tiền đường Trường Chinh (Quốc lộ 55), đường Cách Mạng Tháng Tám và đường Nguyễn Văn Cừ, dự án còn được định vị bằng môi trường sống xanh, sạch và sang cộng hưởng với nhiều thiết kế độc đáo, hiện đại được bố trí một cách bài bản thêm nhiều tiện ích nội khu đẳng cấp, đa dạng.
Đây là dự án nhà phố và biệt thự cao cấp đầu tiên tại TP. Bà Rịa. Nhằm khẳng định đẳng cấp của dự án này, mới đây Công ty Danh Khôi đã chọn Công ty Anabuki NL Housing Service Vietnam (Anabuki) của Nhật để quản lý, vận hành.
Ngoài những tên tuổi kể trên, hàng loạt dự án lớn cũng đang bắt đầu khởi động như Tập đoàn Novaland tham gia đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu với dự án Palm Beach Vũng Tàu, hay Công ty Phúc Điền Land với Dự án Golden City, Công ty Địa ốc Việt Hân đang triển khai 2 dự án lớn có tổng mức đầu tư lên tới 2 tỷ USD;
Công ty Gia Long, Công ty Nam Hải với Dự án Gia Long Villas và Khu biệt thự cửa biển Marine…
"Việc hàng loạt doanh nghiệp đua nhau đổ bộ về Bà Rịa - Vũng Tàu với những dự án hàng tỷ USD đã khiến giá đất tăng mạnh. Từ đầu năm 2018 đến nay, giao dịch mua bán đất đai trên địa bàn hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh, đặc biệt là khu vực trung tâm Bà Rịa, Tân Thành, Long Hải, Xuyên Mộc trở nên sôi động với mức giá tăng nhanh.
Trung bình, hoạt động mua bán, giao dịch bất động sản tại các địa phương nói trên hiện tăng từ 20 - 50% so với cuối năm 2017”, ông Trần Văn Dũng, Giám đốc Công ty Trường Phát Investment cho biết.