Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan: Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn ngành chứng khoán

(ĐTCK) Cho đến thời điểm này, sau 20 năm gắn bó với ngành chứng khoán, mỗi khi nhớ đến các anh chị trong lớp đầu tiên ấy, những người giỏi giang và nhiều trong số đó “chinh chiến” học tập, làm việc ở nước ngoài, chung khát vọng xây dựng nền chứng khoán Việt, tôi lại không khỏi xúc động. 
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành, Phó Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành, Phó Chủ tịch Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội

Thời sơ khởi, chỉ có lương thôi, lương rất thấp, cuộc sống rất khó khăn nhưng ai ai cũng vui vẻ, nhiều bạn trẻ lương không đủ tiền thuê nhà, nhưng vẫn lăn xả vào nghiên cứu, vào khám phá mô hình xây TTCK Việt Nam.

Thế hệ ấy là những người tôi trân trọng lắm, những cảm xúc không bao giờ quên đến hôm nay và mãi mãi…

1. Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn ngành chứng khoán…

Năm 1996, sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ tại Nga, tôi về lại Ngân hàng Nhà nước công tác. Khi ấy Ủy ban chứng khoán sắp thành lập nên có tìm kiếm nhân sự. Hồi đó, cô Nguyễn Thị Thanh Phó vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ngân hàng Nhà nước (sau này đảm nhiệm vị trí Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước - UBCK) gợi ý tôi tham gia vào đội ngũ cán bộ từ NHNN chuyển sang công tác tại UBCK sắp tới.

Về chứng khoán, trước đây tôi cũng được học ít nhiều và tôi rất thích môn này cùng với môn Luật Kinh tế. Vì vậy, trong một khoảng khắc, tôi đã gật đầu với lời đề nghị của cô Thanh. Tôi đến với ngành chứng khoán như là một cái duyên, tự nhiên như thế, không phải suy tính gì cả khi mọi thứ còn quá mới với tất cả và với riêng tôi…

Thấm thoắt, ngành chứng khoán tròn tuổi 20 và cũng là 20 năm tôi gắn bó với ngành. Trải qua nhiều vị trí công việc tại UBCK và Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, chưa khi nào tôi hết say mê với lĩnh vực chứng khoán. Bắt đầu từ con số 0, trong khi khát vọng là xây nên TTCK - một thị trường tài chính bậc cao và chưa có tiền lệ ở Việt Nam, lớp những người đầu tiên đó đã học hỏi, đã sáng tạo, đã định hình từng bước một, xây nên những khái niệm, rồi hành lang pháp lý, rồi hệ thống, rồi hàng hóa, rồi kêu gọi nhà đầu tư… cho “đủ bộ” tạo nên một thị trường.

Thời gian qua nhanh, áp lực tạo dựng và hướng thị trường theo thông lệ quốc tế khiến chúng tôi luôn phải vận động, phải sáng tạo và rèn rũa cả bản lĩnh nữa, bởi thị trường này không có chỗ cho sự trù trừ, dừng lại, suy tính cho bản thân.

Dù áp lực, nhưng niềm say mê xây dựng ngành chưa bao giờ vơi cạn, khi chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng, chứng khoán là ngành rất cần và rất có ý nghĩa đối với nền kinh tế, nhất là khi Việt Nam muốn tái cấu trúc nền kinh tế và xây một nền kinh tế minh bạch, ở đó, mọi nguồn lực xây dựng đất nước cần phải được phân bổ theo các quy luật thị trường.

Tôi của ngày trước đã “gật đầu” gia nhập ngành chứng khoán như một sự tình cờ của số phận, thì nếu thời gian quay trở lại, tôi của hôm nay vẫn sẽ chọn ngành chứng khoán để gắn bó, để được góp sức xây nên một thị trường mới mẻ và ý nghĩa với nền kinh tế Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan: Nếu được chọn lại, tôi vẫn chọn ngành chứng khoán ảnh 1

Lãnh đạo các sở GDCK trong ASEAN cùng trao đổi kinh nghiệm quản lý thị trường tại Hà Nội, tháng 10/2016 

2. Hạnh phúc, đôi khi chỉ một nụ cười…

Công việc giúp tôi tích lũy những niềm vui, những nụ cười từ những điều tưởng như rất giản dị. Hồi tôi làm đấu giá, chỉ cần chúng tôi tổ chức được cuộc đấu giá cho doanh nghiệp suôn sẻ, bán hết cổ phần là tôi đã rất vui rồi, niềm vui nho nhỏ như tiếp cho chúng tôi động lực để bước đi…

Thời kỳ đầu về Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tôi dự kiến được phân công về Vụ Phát triển thị trường, nhưng do yêu cầu công việc thời gian đầu của Ủy ban tôi chuyển công tác sang Vụ Tổ chức cán bộ cùng cô Thanh. 20 năm sắp qua, sự trưởng thành của những thế hệ nhân sự đến với ngành chứng khoán cũng mang đến cho tôi niềm hạnh phúc không nhỏ.

Sau này, tôi chuyển về làm việc tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và cho đến hôm nay tôi vẫn tự hào và hạnh phúc khi bên cạnh mình là các đồng nghiệp trẻ, chung sức, chung lòng, tất cả nhìn về một hướng, vượt qua khó khăn, từng bước góp sức xây dựng thị trường.

Thành quả 20 năm được đong đếm bằng những con số, nhưng với riêng tôi, cảm xúc đẹp nhất là sự ấm áp của tình người. Sau này, tôi nhận ra, năng lượng trong tôi còn đến từ các bạn trẻ. Các bạn đã đi cùng, theo đuổi ngành chứng khoán mới mẻ, lăn xả trước thách thức, kiên định và từng bước đạt các mục tiêu đặt ra.

Ở vai trò người quản lý tại HNX, tôi may mắn và luôn tự hào vì có đội ngũ những con người như vậy song hành. Chính các bạn trẻ đã thôi thúc tôi phải cố gắng làm việc, để tập thể cùng đi đúng hướng. Các bạn đã cho tôi niềm hạnh phúc được làm việc, được cảm thấy mình có ích cho các bạn, có ích vì cái chung, vì ngành và đất nước của chúng ta.

Trong việc xây dựng thị trường, có rất nhiều điều muốn kể cho các bạn. Chẳng hạn, chuyện đấu thầu trái phiếu chính phủ. Trước đây, hoạt động này được thực hiện tại 2 Sở, nhưng với tầm nhìn phải thành lập thị trường trái phiếu chuyên biệt, lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCKNN đã quyết định tập trung hoạt động này tại một đầu mối.

Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội là nơi được lãnh đạo Bộ giao nhiệm vụ tạo lập thị trường này. Đó là vào năm 2006. Tôi nghĩ rằng đây là bước ngoặt lớn thể hiện tư tưởng tổ chức thị trường rất đúng đắn của người lãnh đạo. Khi tổ chức đấu thầu tập trung thành công, mới có cơ sở nghĩ đến câu chuyện tổ chức thị trường thứ cấp.

Chắc nhiều người trong chúng ta còn nhớ, để huy động vốn cho phát triển đất nước, nhiều năm liền Chính phủ phải huy động sức dân mua công trái và đó là một công việc rất vất vả.

Có một câu chuyện rất vui khi trong một cuộc đi chơi, tình cờ tôi gặp một chị làm việc ở Kho bạc một huyện của tỉnh Hà Tây. Khi biết tôi làm việc tại HNX, chị ấy reo lên: Em ơi, ngày trước bên chị phải đi bán lẻ trái phiếu vất vả lắm. Nay có chợ rồi, nên thấy rất nhẹ nhàng.

Công việc xây dựng nên thị trường trái phiếu Chính phủ sơ cấp và thứ cấp thúc đẩy dòng vốn chu chuyển hiệu quả như ngày hôm nay là chặng đường không dễ dàng gì, nhưng dẫn dắt chúng tôi đi chính là khát vọng làm một điều gì đó có ích cho đất nước.

Khi nhận nhiệm vụ tạo lập thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt, một nhóm công tác của Phòng thành viên được cử ra, chuyên tìm hiểu và chắt lọc các kinh nghiệm quốc tế để đề xuất hướng đi cho Việt Nam. Ở các nước, trái phiếu giao dịch OTC nhiều. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nhiệm vụ đặt ra là xây một thị trường tập trung, có sự quản lý nhà nước, nhưng ở đó phải có những giải pháp để các thành viên giao dịch một cách linh hoạt, theo chuẩn quốc tế.    

Chúng tôi đã làm dần từng bước, kết nối trí tuệ và sức mạnh của các chủ thể, từ nhà quản lý, các thành viên, các chuyên gia và nhân sự của Sở, để tạo nên một thị trường trái phiếu chính phủ mà 3 năm nay, được đánh giá là có tốc độ phát triển cao nhất trong ASEAN. Mỗi năm, thị trường này giúp Chính phủ huy động hàng trăm nghìn tỷ đồng, phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước, với lãi suất ngày càng cạnh tranh, theo quy luật thị trường.

Trước đây, không ai nghĩ rằng Việt Nam có thể phát hành trái phiếu kỳ hạn 20, 30 năm, nhưng nay việc này là thực tế. Điều đặc biệt là trước đây, 90% nhà đầu tư là các ngân hàng, thì nay, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 50-60%, thị trường đã thu hút đuợc rất nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp, đến từ các công ty quản lý quỹ, công ty bảo hiểm, nhà đầu tư nước ngoài…, với dòng vốn chảy qua kênh đầu tư trái phiếu lên đến hàng nghìn, có ngày cả chục nghìn tỷ đồng được giao dịch tại đây.

Gắn bó với ngành chứng khoán 20 năm qua, tôi chỉ còn chút ít thời gian nữa là hoàn tất sứ mệnh của một viên chức, nhưng tình yêu và niềm tin trong tôi với ngành đã và vẫn chảy mãi. Tôi tin rằng, thị trường đang đi đúng hướng và chắc chắn sẽ phát triển, nếu không chịu những ảnh hưởng quá lớn từ môi trường kinh tế, chính trị quốc tế.

Tôi tin rằng, những nỗ lực cải cách nền kinh tế, cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho các DN sẽ hỗ trợ TTCK phát triển mạnh mẽ. Tôi cũng tin rằng, những giá trị cốt lõi của TTCK là văn hóa minh bạch, là thúc đẩy doanh nghiệp quản trị hiệu quả, là tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn, sẽ ngày càng được thấu hiểu rộng rãi trong xã hội, từ đó khích lệ ngày càng nhiều hơn các nỗ lực xây dựng thị trường tài chính bậc cao này. 

Nguyễn Thị Hoàng Lan
Theo Đặc san 20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục