Bà có nghĩ rằng, hóa đơn giấy đã trở nên lỗi thời, cho dù hiện nay đại đa số doanh nghiệp vẫn sử dụng hóa đơn giấy truyền thống (hóa đơn tự in, đặt in hoặc mua của cơ quan thuế)?
HĐĐT có nhiều ưu việt hơn hẳn hóa đơn giấy như giảm thời gian làm thủ tục hành chính thuế; giảm chi phí cho doanh nghiệp; khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, nhưng hiện tại số doanh nghiệp sử dụng HĐĐT nói chung rất ít, mới có 656 doanh nghiệp sử dụng HĐĐT, với khoảng 277 triệu hóa đơn và 315 doanh nghiệp sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế, với khoảng 2,5 triệu hóa đơn.
Chưa kể số chi phí mà doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải bỏ ra để tự in, đặt in hoặc mua hóa đơn của cơ quan thuế hàng năm vô cùng lớn (năm 2016 phát hành trên 3.134 triệu hóa đơn giấy).
Chỉ riêng việc ghi hóa đơn, doanh nghiệp, hộ gia đình cũng mất rất nhiều thời gian và gặp không ít phiền toái vì phải ghi đầy đủ địa chỉ kinh doanh, địa chỉ trụ sở chính trên hóa đơn từ số nhà/xã/phường, quận/huyện, tỉnh/thành phố.
Thậm chí, doanh nghiệp nằm trong khu công nghiệp đã rất rõ ràng về địa chỉ rồi, như Khu công nghiệp Nam Sách (Hải Dương) chẳng hạn, trên tờ hóa đơn vẫn phải thể hiện cả địa chỉ xã/phường, quận/huyện, tỉnh/thành phố.
Chưa có điều tra, khảo sát để đưa ra con số chính xác doanh nghiệp mất bao nhiêu thời gian và xã hội mất bao nhiêu tiền (kể cả chi phí lao động và chi phí vật chất) chỉ để ghi hóa đơn, đặc biệt là hủy hóa đơn để viết lại trong trường hợp ghi sai, nhầm hoặc chưa đúng các nội dung về địa chỉ, nhưng tôi tin là con số này rất lớn.
Hóa đơn giấy còn có kẽ hở nào khiến một số đối tượng lợi dụng để chiếm đoạt tiền thuế, gian lận thuế, thưa bà?
Thực tế cho thấy, sử dụng hóa đơn giấy do tính bảo mật không cao đã tạo ra kẽ hở rất lớn cho một số đối tượng lập nhiều doanh nghiệp khác nhau, không kinh doanh nhưng vẫn sử dụng hóa đơn, xuất hóa đơn khống, sử dụng hóa đơn lòng vòng để khấu trừ thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng, gian lận thuế, trốn thuế.
Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng tới ngân sách nhà nước, tạo ra môi trường kinh doanh bất bình đẳng, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp làm ăn chân chính.
HĐĐT và HĐĐT có mã xác thực có tính bảo mật rất cao vì sử dụng chữ ký số nên khả năng làm giả hóa đơn rất khó. Vì vậy, tôi cho rằng, doanh nghiệp làm ăn chân chính, thay vì sử dụng hóa đơn giấy, nên sử dụng HĐĐT, bởi đây là biện pháp hữu hiệu để tự bảo vệ mình trước nạn làm giả hóa đơn.
Bà có ủng hộ kế hoạch điện tử hóa hóa đơn của Bộ Tài chính kể từ ngày 1/1/2018?
Bộ Tài chính đặt mục tiêu kể từ ngày 1/1/2018 về cơ bản sẽ áp dụng HĐĐT. Cụ thể, bên cạnh doanh nghiệp đang sử dụng HĐĐT thì các đối tượng khác cũng phải sử dụng HĐĐT gồm: doanh nghiệp đang giao dịch điện tử với cơ quan thuế, giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng có đủ điều kiện; doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in nếu có đủ điều kiện.
Ngay cả đối với doanh nghiệp thành lập sau ngày 1/1/2018 cũng chỉ có 3 sự lựa chọn, hoặc là sử dụng hóa đơn đặt in của cơ quan thuế, hoặc sử dụng HĐĐT có mã xác thực, hoặc sử dụng HĐĐT. Doanh nghiệp đang sử dụng HĐĐT có mã xác thực phải tiếp tục sử dụng loại hóa đơn này.
Chỉ có doanh nghiệp đang mua hóa đơn của cơ quan thuế, doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn tự in mới được lùi thời hạn sử dụng HĐĐT hoặc HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế đến ngày 1/7/2018.
Ngay cả doanh nghiệp thành lập sau ngày 1/1/2018, nếu không sử dụng HĐĐT, không mua hóa đơn của cơ quan thuế thì bắt buộc phải sử dụng HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế trong vòng 6 tháng kể từ khi thành lập, sau đó phải chuyển sang sử dụng HĐĐT có mã xác thực thông qua T-VAN (dịch vụ giá trị gia tăng về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế).
Tôi hoàn toàn ủng hộ kế hoạch điện tử hóa hóa đơn của Bộ Tài chính, nhưng theo tôi cần phải nghiên cứu lại lộ trình.
Vì sao phải nghiên cứu lại lộ trình, thưa bà?
Như tôi đã phân tích ở trên, trong số trên 560.000 doanh nghiệp đang sử dụng hóa đơn hiện nay, mới có trên dưới 1.000 doanh nghiệp sử dụng HĐĐT hoặc HĐĐT có mã xác thực. Doanh nghiệp sử dụng HĐĐT đều có quy mô rất lớn như EVN, VNPT, Viettel, VNA…, còn doanh nghiệp sử dụng HĐĐT có mã xác thực chỉ tập trung ở Hà Nội và TP.HCM. Bây giờ mà áp dụng ngay như lộ trình nêu trên trong toàn quốc, kể cả vùng sâu, vùng xa là rất khó có thể thực hiện được, cả về phía cơ quan thuế cũng như phía doanh nghiệp.
Theo bà, nếu điện tử hóa ngay hóa đơn theo lộ trình của Bộ Tài chính sẽ gặp khó khăn, vướng mắc gì?
Đối với doanh nghiệp lớn, việc sử dụng HĐĐT đơn giản hơn, nhưng đối với doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ thì việc ứng dụng công nghệ thông tin vào sử dụng HĐĐT sẽ gặp khó khăn.
Cơ quan thuế phải xác thực số lượng HĐĐT rất lớn, liệu hạ tầng, đường truyền đã đáp ứng đủ yêu cầu để đảm bảo việc xác thực không bị tắc nghẽn, không làm ảnh hưởng đến việc xuất hóa đơn bán hàng của doanh nghiệp hay không.
Trong thực tế, doanh nghiệp có thể để sử dụng dịch vụ T-VAN, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đủ điều kiện được Tổng cục Thuế cung cấp dịch vụ T-VAN hiện không nhiều, trong khi nếu thực hiện theo lộ trình nêu trên thì chỉ còn khoảng hơn 3 tháng nữa, số lượng doanh nghiệp sử dụng HĐĐT, HĐĐT có mã xác thực tăng đột biến sẽ giải quyết thế nào.