Ba năm, Chủ tịch Hà Nội không một lần đến toà khi bị kiện

0:00 / 0:00
0:00
Hạn chế lớn nhất và kéo dài trong nhiều năm qua là tình trạng chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa.
Ảnh minh hoạ. Ảnh minh hoạ.

Quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện tăng, có địa phương, UBND hoặc người đại diện vắng mặt 100% các phiên đối thoại hoặc phiên tòa, theo kết quả giám sát của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.

Kết quả giám sát “Việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong giải quyết các vụ án hành chính, thi hành các bản án, quyết định hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND” vừa được Ủy ban Tư pháp gửi đến các vị đai biểu Quốc hội.

Lãnh đạo nhiều nơi vẫn "lười" đến toà

Theo Báo cáo của Chính phủ, trong 3 năm (2019 - 2021), cả nước có 21.038 quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND bị khởi kiện, chiếm 9% trên tổng số khiếu nại hành chính.

So với giai đoạn 2015 - 2017, tình hình khiếu kiện hành chính trong 3 năm 2019 - 2021 tiếp tục có những diễn biến phức tạp, cơ quan giám sát khái quát.

Cụ thể, số quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch UBND, UBND bị khiếu kiện tăng so với giai đoạn trước: tăng 9.858 về số lượng quyết định, hành vi bị khiếu kiện và tăng 3,1% về tỷ lệ tính trên tổng số khiếu nại hành chính.

Khiếu kiện hành chính vẫn tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh so với cả nước, đã và đang có nhiều dự án triển khai phải thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như: Hà Nội, TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Giang, Kiên Giang, Long An, Quảng Nam, Quảng Ninh, Thanh Hóa...

Các khiếu kiện vẫn tập trung chủ yếu ở lĩnh vực quản lý nhà nước về đất đai như thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bồi thường, hỗ trợ tái định cư (chiếm tỷ lệ 91%); trong đó, nhiều địa phương, khiếu kiện liên quan đến đất đai chiếm gần 100% (Kiên Giang 97,8%, Yên Bái: 93%).

Đáng chú ý là đã có 1.921 quyết định hành chính, hành vi hành chính bị tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần vì trái pháp luật trên cả nước, tăng gấp 2 lần so với giai đoạn 2015-2017.

Cơ quan giám sát nhấn mạnh, hạn chế lớn nhất và kéo dài trong nhiều năm qua là tình trạng Chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND không chấp hành nghiêm quy định của Luật Tố tung hành chính, không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa.

Theo báo cáo của Chính phủ trong 3 năm (2019 - 2021), có tới 32,6% số phiên đối thoại và 27,8% số phiên tòa không có sự tham gia của UBND hoặc người đại diện.

Đáng lưu ý, tại nhiều địa phương, mặc dù số lượng án không nhiều, nhưng Chủ tịch UBND hoặc người đại diện vẫn thường xuyên vắng mặt (Sóc Trăng: vắng 78/88 phiên đối hoại; Lạng Sơn vắng 46/65 phiên tòa; Yên Bái vắng 47/59 phiên tòa; Đà Nẵng vắng 67/88 phiên tòa ...).

Thậm chí có địa phương, UBND hoặc người đại diện vắng mặt 100% các phiên đối thoại hoặc phiên tòa.

Chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND các cấp tại tỉnh Khánh Hòa vắng mặt 100% các phiên đối thoại; Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội (hoặc người được ủy quyền tham gia tố tụng) vắng mặt 100% tại các phiên đối thoại và phiên tòa - báo cáo giám sát nêu dẫn chứng.

Cơ quan giám sát nhấn mạnh, nhiều trường hợp chủ tịch UBND hoặc người đại diện vắng mặt tại các phiên đối thoại hoặc các phiên tòa nhưng không có đơn xin phép vắng mặt, dẫn đến tòa án phải hoãn phiên tòa đột xuất, gây lãng phí về thời gian, công sức, kinh phí cho cả Nhà nước và đương sự.

Bên cạnh đó, việc Chủ tịch UBND, UBND các cấp vắng mặt là đồng thời đã bỏ lỡ cơ hội tiếp xúc, lắng nghe ý kiến và đối thoại với người khởi kiện làm kéo dài quá trình tố tụng, gây bức xúc cho người dân.

Báo cáo giám sát cũng chỉ ra rằng còn khá phổ biến việc UBND, Chủ tịch UBND không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ hoặc cung cấp không đúng thời hạn yêu cầu của Tòa án Nhân dân, làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, gây bức xúc cho người dân khởi kiện.

57/63 đơn vị Tòa án cấp tỉnh phản ánh khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, phổ biến ở các dạng như các cơ quan chuyên môn của UBND thường chậm cung cấp; đùn đẩy giữa các cơ quan; thậm chí nhiều trường hợp không cung cấp cho Tòa án.

Một số vụ án, UBND trả lời không còn lưu giữ, lưu giữ không đầy đủ hoặc đã bị thất lạc. Nhiều vụ án, UBND không cung cấp tài liệu, chứng cứ và cũng không trả lời lý do không cung cấp; Tòa án phải nhiều lần gửi văn bản hoặc liên hệ qua điện thoại để đôn đốc việc giao nộp, cung cấp chứng cứ. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới kéo dài thời gian giải quyết vụ án.

Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh, mặc dù Luật Tố tụng hành chính đã có hiệu lực hơn 6 năm, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị yêu cầu tăng cường việc chấp hành pháp luật tố tụng hành chính, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức giám sát chuyên đề và có nhiều kiến nghị cụ thể, nhưng cho đến nay, tại nhiều địa phương, những hạn chế nêu trên vẫn tiếp tục kéo dài, chậm chuyển biến.

Hàng trăm bản án chậm được thi hành, nhưng chưa có Chủ tịch UBND nào bị xử lý trách nhiệm

Tương tự ở khâu thi hành án, có nhiều địa phương, Chủ tịch UBND, UBND đã tự nguyện thi hành án 100% các bản án hành chính thuộc trách nhiệm hoặc đã thi hành đầy đủ, không có bản án nào tồn đọng (như Bến Tre, Cần Thơ, Điện Biên, Bắc Giang, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Tuyên Quang, Phú Thọ).

Nhưng tính chung trên toàn quốc, lượng bản án hành chính mà Chủ tịch UBND, UBND có trách nhiệm thi hành nhưng chưa thi hành xong còn lớn, tới 489 bản án.

Trong 3 năm, Tòa án đã phải ra 430 Quyết định buộc thi hành án do một số chủ tịch UBND và UBND không tự nguyện thi hành án, chiếm 26,8% tổng số bản án, quyết định hành chính phải thi hành án (gấp hơn 6 lần so với giai đoạn 2015-2017).

Cho đến nay, vẫn còn 208 bản án mặc dù đã có Quyết định buộc thi hành án nhưng vẫn tiếp tục bị trì hoãn, không thi hành, gây bức xúc cho người dân.

"Đáng lưu ý là, trong kỳ báo cáo, mặc dù có nhiều bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực pháp luật chậm thi hành, nhưng đến nay, chưa có trường hợp nào UBND, Chủ tịch UBND bị xử lý trách nhiệm về việc chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án".

Nhấn mạnh như trên, Ủy ban Tư pháp dẫn báo cáo của Bộ Tư pháp, trong 3 năm, Bộ này đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý trách nhiệm người phải thi hành án trong 59 vụ việc thi hành án hành chính thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, trong báo cáo của Chính phủ chưa nêu được kết quả xem xét, xử lý.

Qua giám sát, cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ kiểm tra, xem xét, xử lý trách nhiệm người phải thi hành án trong 59 vụ việc thuộc trách nhiệm thi hành của UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh mà Bộ Tư pháp đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo giải quyết dứt điểm 489 bản án hành chính còn tồn đọng, nhất là 208 bản án đã có Quyết định buộc thi hành án của Tòa án.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục