Ba bước để cải thiện đầu tư công

(ĐTCK-online) Nợ công của Việt Nam trong vài năm tới sẽ có chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần và ổn định, nếu Chính phủ lựa chọn chính sách tài khóa "khắc khổ" cả về phần thu và chi. Đó là nhận định của ông Benedict Bingham, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam khi trao đổi với ĐTCK.
Ông Benedict Bingham. Ông Benedict Bingham.

Nợ công của Việt Nam vẫn trong ngưỡng an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng thực tế, nợ công liên tục tăng trong những năm gần đây, ông bình luận gì về điều này?

Tôi chỉ muốn nói rằng, sau khi nợ ngân sách tăng mạnh vào năm ngoái thì trong các năm 2010, 2011 và 2012, thâm hụt ngân sách cần giảm xuống mức thấp và ổn định hơn. Đây là yếu tố quan trọng, vì nếu thâm hụt ngân sách đưa về được mức như 2 năm trước đây thì nợ công sẽ ổn trong trung hạn.

Theo triển vọng đường cơ sở (baseline) mà chúng tôi xây dựng thì nợ công của Việt Nam trong những năm tới sẽ có những chuyển biến tích cực theo hướng giảm dần và ổn định. Nợ công có thể tiếp tục ở mức cao trong một vài năm tới, nhưng sẽ giảm trong trung hạn. Tuy nhiên, tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, để giảm nợ công và duy trì ở mức ổn định đòi hỏi phải có những lựa chọn chính sách tài khóa "khắc khổ" cả về phần thu và phần chi. Đặc biệt, trong phần chi tiêu ngân sách, cần có những kiểm soát chặt chẽ lựa chọn chi tiêu từ 5 đến 10 năm tới, để làm sao Chính phủ đáp ứng vốn cho nhu cầu phát triển hạ tầng cơ sở, trong khi vẫn giữ được nợ công ở mức ổn định.

 

Ông có đồng ý với cách tính nợ công của Việt Nam hiện nay?

Điều mà chúng tôi đang cố gắng khuyến khích Chính phủ trong cả vấn đề nợ công và thâm hụt ngân sách là đưa các khái niệm này tiến tới chuẩn quốc tế, để đảm bảo các nhà nghiên cứu và công chúng nhìn vào chính sách tài khóa do các nhà hoạch định chính sách đưa ra thì họ có thể thấy một bức tranh rõ ràng và chính xác về tình hình tài khóa. Tôi nghĩ, đây là vấn đề đang được Quốc hội Việt Nam quan tâm và chúng tôi rất ủng hộ các thảo luận đang diễn ra tại Quốc hội về Luật Ngân sách. Và tôi cũng hy vọng, khi Luật Ngân sách được Quốc hội thảo luận và áp dụng trong một vài năm tới, Việt Nam sẽ tiến đến chuẩn quốc tế trong lĩnh vực này.

 

Theo ông, thách thức mà chính sách tài khóa của Việt Nam phải đối mặt là gì?

Năm ngoái, tình hình kinh tế toàn cầu không thuận, khiến thâm hụt ngân sách trên toàn thế giới gia tăng, ước tính lên tới 9%. Điều quan trọng mà mọi người mong đợi và Chính phủ cần làm là đảm bảo thâm hụt được giảm xuống trong năm nay và các năm tiếp theo. Hiện tại, thông tin về khu vực công và xu hướng sử dụng ngân sách từ Chính phủ, đặc biệt là từ Bộ Tài chính vẫn còn hạn chế nhất định, nên rất khó để mọi người có được bức tranh đúng về diễn biến của thâm hụt tài khóa. Tôi nghĩ, điều này cần được cải thiện. Việc Chính phủ đưa ra được bức tranh về biến chuyển của nợ công càng rõ nét bao nhiêu, thì lại càng có cơ sở để đảm bảo cho mọi người tin tưởng vào khả năng đưa nợ công về mức kiểm soát bấy nhiêu.

 

Việt Nam cần có những giải pháp gì để cải thiện hiệu quả đầu tư công, thưa ông?

Tôi nghĩ, có 3 bước chính để đạt đến mong muốn này. Thứ nhất, phải đánh giá lại các khoản đầu tư vào khu vực công, thẩm định lại hiệu quả mà các dự án này đem lại. Để làm được việc này, cần có những nghiên cứu kỹ về "cái được" và "cái mất" của từng dự án. Thứ hai, phải đảm bảo rằng, quá trình thực thi các dự án này thật sự hiệu quả. Để làm được như vậy, cần có sự tham gia của các cơ quan như kiểm toán nhà nước, các đơn vị giám sát và Quốc hội. Nhiệm vụ của những đơn vị này cũng như các bộ, ngành là theo dõi sát sao và cố gắng giảm thiểu chi tiêu công. Thứ ba, xác định nguồn vốn cho đầu tư công. Cần phân định xem ở phần nào và dự án đầu tư công nào nên lấy từ nguồn ngân sách công sẽ hiệu quả nhất. Phần nào có thể lấy từ nguồn khu vực tư nhân sẽ hiệu quả hơn. Và trong trường hợp này, có thể cân nhắc hình thức hợp tác công tư (PPP), đưa lĩnh vực tư nhân vào một số phần nhất định trong kế hoạch đầu tư công. Nhưng cần chú ý, hình thức này có thể cải thiện tính hiệu quả của một dự án đầu tư công, nhưng không thể khiến một dự án hoàn toàn không hiệu quả trở thành một dự án có hiệu quả.

Thủy Nguyên thực hiện.
Thủy Nguyên thực hiện.

Tin cùng chuyên mục