“Hoạt động của Ausgrid bao gồm cả cung cấp nguồn năng lượng quan trọng và dịch vụ thông tin liên lạc cho hoạt động kinh doanh và chính quyền”, do vậy, sẽ là trái lại với an ninh quốc gia nếu cho phép người tham gia đấu thầu tiến hành thay đổi hệ thống hiện tại, Bộ trưởng Tài chính Australia Scott Morrison cho biết.
Cheung Kong Infrastructure Holdings của tỷ phú Ly Ka-shing và State Grid chỉ là 2 trong số nhiều công ty tham gia đấu giá 50,4% cổ phần của Ausgrid trong tháng trước. Ausgrid là nhà phân phối điện, cung cấp năng lượng cho 1,6 triệu gia đình tại Sydney và khu vực xung quanh. Công ty thuộc sở hữu của chính quyền bang New South Wales. Với việc bán cổ phần Ausgrid, chính quyền bang này kỳ vọng thu về khoảng 7,7 tỷ USD.
Thông báo của ông Morrison được đưa ra trong bối cảnh Australia cần phải cân bằng nhu cầu thu hút đầu tư từ nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làn sóng phản đối việc bán các bất động sản, cơ sở hạ tầng chiến lược cho nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư Trung Quốc.
Bất chấp việc nguồn thu từ các thương vụ này là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế, chính phủ Australia đã đưa ra các quyết định khó khăn hơn cho nhà đầu tư nước ngoài. Trong năm ngoái, quốc gia này đã thắt chặt quy định về việc bán các khu đất nông nghiệp cho người mua tới từ Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Australia không phải là quốc gia duy nhất đang cần cân nhắc kỹ lưỡng về an ninh quốc gia, khi hoạt động đầu tư từ nước ngoài tập trung vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng trọng yếu. Trong năm 2015, chính quyền của Tổng thống Mỹ Obama đã đề cập tới mối lo ngại khi công ty Trung Quốc mua lại cảng biển tại thành phố Darwin, nơi Hải quân Mỹ đóng quân.
Thủ tướng Anh Theresa May cũng đã trì hoãn việc thông qua kế hoạch xây dựng khu năng lượng hạt nhân mới, với sự hợp tác của China General Nuclear Power Corp.