Ngân hàng Citigroup tại Australia vừa đưa ra thông báo, sẽ không chấp nhận các khoản vay tại Australia dựa trên các khoản thu nhập bằng đồng nhân dân tệ và 4 đồng tiền của các quốc gia châu Á khác. Trước đó, Commonwealth Bank of Australia, National Australia Bank và ANZ đều đưa ra quy định giới hạn các khoản vay bất động sản đối với những cá nhân không cư trú tại địa phương.
Các ngân hàng tại Australia chịu áp lực từ chính quyền trong việc hỗ trợ người dân Australia mua nhà, khi giá nhà tăng lên từng ngày, vì nhu cầu lớn từ những người nước ngoài, đa phần tới từ Trung Quốc. Trong tháng 4/2016, Westpac Banking cho biết, sẽ ngừng cho vay đối với khách hàng nước ngoài không cư trú chính thức tại Australia.
“Westpac muốn hỗ trợ người dân Australia trong việc sở hữu ngôi nhà hoặc đầu tư bất động sản tại quê hương mình”, thông báo của ngân hàng này cho biết.
Theo thống kê, các giao dịch nhà đất có yếu tố người nước ngoài chiếm 20,9% doanh số bán nhà tại Australia trong năm tài chính kết thúc vào tháng 5/2015, tăng 7,9% so với 12 tháng trước đó. Nguồn tiền lớn từ bên ngoài đã khiến giá nhà tại Australia tăng chóng mặt, trong đó giá nhà tại các thành phố lớn nhất tại đây tăng 50% kể từ cuối năm 2008.
Với cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 7 tới đây, Thủ tướng Malcolm Turnbull và Đảng Lao động đối lập đều vận động tranh cử bằng thông điệp: giúp giá nhà trở nên thích hợp hơn với người dân Australia.
“Cộng đồng hiện rất để tâm tới các khoản đầu tư vào thị trường bất động sản Australia từ nước ngoài và các chính trị gia có thể nhận được nhiều sự ủng hộ hơn nếu chạm vào điểm này”, James Laurenceson, Phó giám đốc, giáo sư kinh tế học tại Viện Nghiên cứu quan hệ Australia - Trung Quốc, thuộc Đại học Công nghệ Sydney cho biết.
Không riêng Australia, việc người nước ngoài, chủ yếu tới từ Trung Quốc mua nhà tại New Zealand đã đẩy giá bất động sản tại đây tăng 34% kể từ tháng 4/2012, theo số liệu của Viện nghiên cứu Bất động sản New Zealand.
Phil Twyford, nghị sĩ Quốc hội và là người phát ngôn của Đảng Lao động Australia cho rằng: “Thị trường bất động sản trong tình trạng quá nóng, tạo nên những nguy cơ rất lớn. Những nhà đầu cơ tìm cách đẩy giá bất động sản ngay cả ở những vùng ngoại ô và nhu cầu lớn từ những cá nhân nước ngoài là lý do chính với hiện tượng giá nhà tăng quá nhanh này”.
Trong năm ngoái, giới chức Australia đã mạnh tay siết chặt hoạt động tại thị trường bất động sản nước này, đặc biệt là với các hoạt động lách luật. Theo quy định, người nước ngoài chỉ được mua nhà mới xây dựng, tuy nhiên, các công ty bất động sản vẫn tìm cách để bán những căn nhà cũ. Với việc kiểm tra chặt chẽ, giới chúc nước này đã buộc những người mua nhà cũ phải bán lại các bất động sản này, với giá trị hơn 76 triệu AUD (55 triệu USD).
Bên cạnh đó, trong tháng 12/2015, Chính phủ Australia đưa ra quy định mới đối với mức phí dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, với thương vụ trị giá 1 triệu AUD, mức phí là 5.000 AUD và phải nộp thêm 10.000 AUD với mỗi 1 triệu AUD đầu tư tăng thêm. Riêng chính quyền bang Victoria sẽ đánh thuế sở hữu bất động sản gấp đôi đối với người mua từ nước ngoài trong tháng 7 tới.
Trên toàn Australia, tiền phí đối với việc chuẩn bị các giấy tờ hợp lệ để bán nhà cho người nước ngoài sẽ tăng lên 7% theo quy định mới, thay vì 3% như trước đây; số phí phải nộp đối với người sở hữu nhà, nhưng không thường xuyên cư trú sẽ tăng từ 0,5% lên 1,5%.
Những quy định khắt khe này bước đầu đã có những tác động nhất định. Antony Woodley, người phụ trách bán đấu giá tại Marshal White (Melbourne) cho biết, mặc dù vẫn có nhiều khách hàng nước ngoài mua nhà, nhưng trong vài tháng qua, số lượng không còn tăng mạnh như giai đoạn trước.
Thị trường bất động sản Australia có sức hút rất lớn đối với các cá nhân tới từ Trung Quốc. Han Fantong, một kế toán nhập cư từ Trung Quốc vừa mua một căn hộ 3 phòng ngủ tại Melbourn với giá 930.000 AUD cho rằng: “Ở đây giá nhà vẫn rẻ hơn và có chất lượng tốt hơn, với không khí trong sạch, không có sự ồn ào, ô nhiễm như ở Bắc Kinh. Tôi sẽ chẳng bao giờ có thể mua được 1 căn nhà kiểu Mỹ, có vườn như thế này tại Bắc Kinh với mức giá đó”.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com