Đã có quy định phạt ATM hết tiền
Theo công bố của NHNN, tính đến hết tháng 11/2014, cả nước đã có trên 79 triệu thẻ do 52 tổ chức phát hành. Song song với việc phát triển dịch vụ, trong năm 2014, các ngân hàng tiếp tục đầu tư, phát triển mạng lưới ATM/POS để phục vụ nhu cầu giao dịch thanh toán ngày càng tăng của khách hàng. Đến hết tháng 11/2014, số lượng ATM được lắp đặt trên toàn quốc là 15.931 máy; số lượng POS đạt tới 167.943 máy, góp phần giảm bớt áp lực cho hệ thống ATM của các ngân hàng.
“Do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến nên các giao dịch qua ATM chủ yếu vẫn là giao dịch rút tiền mặt. Mặc dù tỷ lệ giao dịch rút tiền mặt qua ATM đã giảm so với các năm trước, nhưng vẫn chiếm gần 80% tổng số giao dịch qua ATM. Đặc biệt, vào dịp lễ, Tết, nhu cầu rút tiền mặt tăng mạnh, gây áp lực lớn và dẫn đến tình trạng quá tải cho các máy ATM”, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN cho biết.
Để đảm bảo hệ thống ATM hoạt động an toàn và thông suốt, đáp ứng tốt nhất nhu cầu giao dịch của người dân trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, ông Sơn cho biết, NHNN đã thực hiện hàng loạt giải pháp, như chỉ đạo hệ thống ngân hàng phải đảm bảo tiếp quỹ đầy đủ và kịp thời; chỉ đạo các ngân hàng nâng cao chất lượng và phát triển cơ sở hạ tầng thanh toán thẻ; giám sát tình hình hoạt động ATM/POS để kịp thời chỉ đạo, cảnh báo các ngân hàng; xem xét cho phép một số ngân hàng triển khai dịch vụ ATM lưu động nhằm hỗ trợ giảm tải cho ATM cố định…
Quyết liệt nhất phải kể đến là việc Chính phủ ban hành Nghị định 96/2014 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Theo đó, từ ngày 12/12/2014, ngân hàng nào để ATM hết tiền và không đáp ứng được nhu cầu rút tiền của khách hàng sẽ bị phạt tới 15 triệu đồng.
Người dân có thể phản ánh với thanh tra ngân hàng
Tại buổi họp báo của NHNN về việc đáp ứng nhu cầu tiền mặt, tiền mệnh giá nhỏ của người dân dịp Tết Ất Mùi 2015 sáng 21/1/2015, trước câu hỏi của phóng viên về việc NHNN đã ra quyết định xử phạt NHTM nào, bao nhiêu tiền theo Nghị định 96? Đại diện NHNN, ông Đào Quốc Tính, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN cho biết sẽ trả lời sau.
Theo nhận định của tổng giám đốc một ngân hàng TMCP, thực tế, chưa có ngân hàng nào bị xử phạt vì không đáp ứng được nhu cầu rút tiền qua ATM của khách hàng, bởi Nghị định 96/2014 chỉ mới có hiệu lực được hơn 1 tháng.
Trên thực tế, trước đó, NHNN đã ban hành Thông tư 36/2012 quy định về trang bị, quản lý, vận hành và đảm bảo an toàn hoạt động của máy giao dịch tự động. Theo đó, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền. Về phía khách hàng, nếu phát hiện các vi phạm về đảm bảo an toàn hoạt động các máy giao dịch tự động của các ngân hàng, có thể phản ánh về các đơn vị nêu trên theo đường dây nóng của NHNN.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia ngân hàng, vấn đề đặt ra ở đây là, không thiếu ATM dán biển tạm ngừng hoạt động, nhưng chính NHNN cho biết không phải cứ ngân hàng có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ thì sẽ bị xử phạt. Bởi theo Điều 28, Nghị định 96, ngân hàng có ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ, mà không báo cáo NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn và thông báo rộng rãi cho khách hàng thì mới bị xử phạt.
Ngược lại, nếu đã báo cáo với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trên địa bàn và đã thông báo rộng rãi cho khách hàng thì ngân hàng sẽ không bị xử phạt.
“Mặt khác, khi phát hiện máy ATM ngưng hoạt động, người dân có sẵn sàng phản ánh với NHNN hay không? Ứng xử của các NHTM sẽ như thế nào khi bị điểm tên?”, vị tổng giám đốc trên nói.
Ở một góc độ khác, vị chuyên gia trên đặt vấn đề, nếu các ngân hàng tiếp tục vi phạm với mức độ, tần suất dày hơn, liệu có nâng mức xử phạt trên 15 triệu đồng không? Người dân sử dụng dịch vụ ATM đã phải trả phí cho ngân hàng và một trong những lý do khi ngân hàng triển khai thu phí giao dịch ATM được đưa ra là nhằm tăng chất lượng dịch vụ, thì có lẽ mức phạt cũng cần tăng lên.