ASEAN+3: Cần có phản ứng chính sách toàn diện để ứng phó hiệu quả với chính sách thuế mới của Mỹ

(ĐTCK) Trong hai ngày 7 - 8/4 tại Kuala Lumpur, Malaysia, đoàn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) do Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh dẫn đầu tham dự các Hội nghị Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương (NHTW) và Thứ trưởng Tài chính ASEAN, ASEAN+3.
Phó Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại Hội nghị

Hội nghị có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao đến từ NHTW, Cơ quan Quản lý tiền tệ, Bộ Tài chính của các thành viên ASEAN+3 và các tổ chức quốc tế và khu vực như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô ASEAN+3 (AMRO).

Hợp tác tài chính khu vực: Chìa khóa tăng cường ổn định tài chính

Phát biểu tại Hội nghị, IMF nhấn mạnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn là động lực chính của tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, các dự báo trung hạn hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, với mức giảm sâu nhất ghi nhận tại châu Á. Tốc độ tăng trưởng GDP thực và thu nhập bình quân đầu người đều cho thấy sự sụt giảm, phản ánh sự suy yếu trong tăng trưởng tiềm năng trong dài hạn của khu vực.

Theo IMF, tác động của phân mảnh địa kinh tế đến đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu ngày càng rõ rệt. Các xu hướng như “friend-shoring” (ưu tiên đầu tư vào các nước đồng minh) và “reshoring” (đưa chuỗi cung ứng trở về trong nước) đang gia tăng đáng kể từ sau các biến động lớn như cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine.

Dữ liệu cho thấy, FDI hiện đang có xu hướng tập trung vào các quốc gia có liên kết địa chính trị gần gũi, gây ra tình trạng phân mảnh và rủi ro suy giảm đầu tư đối với các quốc gia không nằm trong các khối liên minh rõ ràng. Nhiều nền kinh tế, đặc biệt là các nước đang phát triển, đang rất dễ bị tổn thương trước làn sóng tái cấu trúc FDI. Xu hướng phân mảnh FDI sẽ gây ra tổn thất nghiêm trọng đối với GDP toàn cầu trong dài hạn. Các mô hình của IMF dự báo mức giảm GDP lên tới 6 - 8% đối với một số khu vực trong kịch bản phân mảnh cực đoan.

Khu vực ASEAN đã hội nhập mạnh vào mạng lưới FDI toàn cầu, tuy nhiên dòng vốn FDI nội khối vẫn còn khiêm tốn, cho thấy tiềm năng lớn để thúc đẩy hội nhập đầu tư khu vực.

Trong bối cảnh trên, IMF đã đưa ra một số khuyến nghị chính sách đối với khu vực để giảm thiểu tác động tiêu cực của phân mảnh FDI, đó là xây dựng khuôn khổ tham vấn quốc tế nhằm điều phối chính sách tái cấu trúc chuỗi cung ứng; hỗ trợ khu vực tư nhân nhằm giảm phụ thuộc vào FDI; tận dụng cơ hội thu hút dòng vốn chuyển hướng thông qua cải cách cơ cấu và cải thiện hạ tầng; tăng cường hội nhập khu vực, đặc biệt là thúc đẩy dòng vốn đầu tư nội khối ASEAN.

ADB nhấn mạnh thách thức nghiêm trọng mà khu vực ASEAN+3 đang đối mặt đó là các mức thuế mới mà Mỹ công bố ngày 2/4 đối với hàng hóa xuất khẩu từ các quốc gia trong khu vực, dao động từ 10 - 49%, trong đó Việt Nam chịu mức thuế 46%. Mức thuế cao này sẽ làm giảm nhu cầu hàng hóa từ ASEAN+3, gây gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu và có khả năng tạo áp lực lạm phát, một số quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi thuế quan đối ứng.

Trong bối cảnh trên, ADB khuyến nghị khu vực ASEAN+3 cần có phản ứng chính sách toàn diện để ứng phó hiệu quả với các tác động kinh tế tiêu cực từ chính sách thuế mới của Mỹ.

“Hợp tác tài chính khu vực được đánh giá là chìa khóa để tăng cường ổn định tài chính. ADB khẳng định vai trò của các mạng lưới an toàn tài chính khu vực như Thỏa thuận đa phương hóa sáng kiến Chiềng Mai (CMIM) và hoạt động giám sát kinh tế vĩ mô của AMRO trong giảm thiểu rủi ro lây lan và tăng khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài”, theo ADB.

Chia sẻ tại Hội nghị, các Phó Thống đốc NHTW và Thứ trưởng Tài chính ASEAN+3 đánh giá, chính sách thuế quan mà Mỹ mới công bố có tác động lớn tới các quốc gia trong khu vực, đi ngược lại xu hướng thương mại đa phương dựa trên luật lệ.

Các đại biểu cho rằng, đây không phải là giải pháp xử lý vấn đề thâm hụt thương mại và chiến tranh thương mại là điều không quốc gia nào mong muốn. Một số thành viên đã thúc đẩy các hành động nhằm ứng phó với vấn đề này như điện đàm song phương với Mỹ, điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại.

Các Phó Thống đốc NHTW và Thứ trưởng Tài chính ASEAN+3 đề xuất một số khuyến nghị chính sách để ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ.

Một là, đảm bảo ưu tiên cao nhất là không để các biến động trên thị trường tài chính ảnh hưởng đến ổn định tài chính;

Hai là, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phối hợp với chính sách tài khóa để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc nhằm tăng khả năng chống chịu với các cú sốc bên ngoài;

Ba là, cần có các phản ứng linh hoạt, chủ động và các giải pháp thận trọng để xử lý vấn đề này;

Bốn là, thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu;

Năm là, cân nhắc việc xây dựng kế hoạch tổng thể hợp tác khu vực để tăng cường đoàn kết, hợp tác, trao đổi thông tin giữa các quốc gia, tháo gỡ các rào cản đối với tiến trình hội nhập khu vực.

NHNN không sử dụng chính sách tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng

Bên lề Hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Ngọc Cảnh đã có buổi làm việc song phương với quyền Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ - ông Robert Kaproth.

Tại buổi tiếp, hai bên đã trao đổi về tình hình kinh tế vĩ mô và công tác điều hành chính sách tiền tệ. Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh, chính sách tiền tệ và tỷ giá của NHNN chủ yếu nhằm duy trì ổn định giá cả và đảm bảo sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng, góp phần vào ổn định kinh tế vĩ mô. Việt Nam là một nền kinh tế nhỏ và có độ mở cao, dễ chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài.

“NHNN đã và đang điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá một cách linh hoạt, phù hợp với giai đoạn phát triển của thị trường tài chính trong nước và thị trường ngoại hối, đồng thời phù hợp với các yếu tố cơ bản của nền kinh tế. NHNN không sử dụng chính sách tỷ giá để tạo ra lợi thế cạnh tranh không công bằng trong thương mại quốc tế”, Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh nói.

Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh chụp ảnh lưu niệm với Đoàn Bộ Tài chính Mỹ bên lề Hội nghị chính thức

Trao đổi về chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ, Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh chia sẻ, ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đã điện đàm với Tổng thống Donald Trump để trao đổi về quan hệ Việt Nam - Mỹ, khẳng định Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác song phương vì lợi ích hai nước và đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ để đi đến thỏa thuận song phương, tiến tới thương mại bền vững.

Phó Thống đốc cũng thông báo, các cơ quan, ban ngành của Việt Nam đã rất tích cực liên hệ, kết nối với các cơ quan của chính quyền Tổng thống Trump để sớm tìm ra giải pháp xử lý vấn đề thuế quan giữa hai nước. Chính phủ Việt Nam đã đề nghị phía Mỹ hoãn áp thuế đối ứng với Việt Nam ít nhất là 45 ngày để chuẩn bị và chuyển tiếp trạng thái.

Quyền Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ ghi nhận sự thất vọng và quan ngại của các NHTW và Bộ Tài chính ASEAN trước chính sách thuế đối ứng mới của Mỹ, khẳng định sẽ hợp tác với các nước ASEAN để giải quyết vấn đề này từ góc độ kỹ thuật.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục