ASEAN: “Chung một con thuyền” trong Cách mạng công nghiệp 4.0

(ĐTCK) Ông Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhận định, thế giới đang tham gia cuộc chạy đua để làm chủ Cách mạng công nghiệp 4.0. Các quốc gia ASEAN có thể là người đi đầu, chứ không phải đi sau trong cuộc cách mạng này.
Cách mạng 4.0 sẽ tạo ra đột phá về năng suất trong các ngành điện tử, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng... Cách mạng 4.0 sẽ tạo ra đột phá về năng suất trong các ngành điện tử, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng...

4 cơ hội lớn

Ông Klaus Schwab cho biết, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, mang tính đột phá, cạnh tranh toàn cầu.

“20 năm tới, chúng ta sẽ hoàn toàn khác biệt, các quốc gia sẽ thành công trong việc làm chủ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Thế giới đang tham gia cuộc chạy đua để làm chủ Cách mạng công nghiệp 4.0. Các quốc gia ASEAN có thể là người đi đầu, chứ không phải đi sau trong cuộc cách mạng này”, Chủ tịch WEF nói.

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, những cơ hội mà cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cho các nước ASEAN là vô cùng lớn.

Trước tiên là tạo sự đột phá về năng suất trên 5 ngành công nghiệp lớn là điện tử, hóa chất và dầu khí, hàng tiêu dùng, thực phẩm và dược phẩm.

Hai là, thúc đẩy tăng trưởng bao trùm hơn, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc trên cơ sở ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo ra kết nối và chia sẻ các giá trị và sự sáng tạo mới.

Ba là, phát huy các doanh nghiệp nhỏ và vừa - xương sống của các nền kinh tế ASEAN và là nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới. Cách mạng 4.0 mở ra cơ hội kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa với các thị trường xuyên quốc gia và toàn cầu.

Bốn là, đi tắt trong chính sách công nghiệp hóa. ASEAN có thể vượt qua các giai đoạn phát triển công nghiệp truyền thống bằng cách mạnh dạn phát triển trí tuệ nhân tạo, robot, tự động hóa, máy bay không người lái, thiết bị vệ tinh, hệ thống cảm biến… nhằm nâng cao năng suất, sử dụng hiệu quả nguồn lực và tài nguyên.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi nghĩ đến ASEAN, nhiều người từng nghĩ đến các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú và giàu tiềm năng, là một công xưởng sản xuất của thế giới.

Tuy nhiên, trong làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, sự tiến bộ vượt bậc của khoa học kỹ thuật, ASEAN ngày nay còn được biết đến như là một trong những nơi khởi nguồn của nhiều ý tưởng mới, sáng tạo trên thế giới.

Chính công nghệ cao và nền kinh tế số mới là những lĩnh vực đầy tiềm năng của ASEAN, với dự báo sẽ tăng gấp 4 lần, lên tới trên 200 tỷ USD vào năm 2025. 

Chung một con thuyền

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhận định, đến năm 2030, ASEAN sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới.

“Cách mạng công nghiệp 4.0 là một cuộc cách mạng quan trọng đối với tất cả các nước ASEAN. Chúng ta có các thế mạnh, cần tận dụng để tạo lợi ích cho tất cả các quốc gia”, Thủ tướng Singapore nhấn mạnh.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen đánh giá, sự phát triển của khoa học công nghệ đã mang lại những thay đổi nhanh chưa từng thấy trong lịch sử con người.

Nhờ công nghệ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã có sự kết nối tốt hơn với khu vực và thế giới, có các dịch vụ mới tốt hơn.

Các nền kinh tế mới nổi có thể sử dụng các công nghệ mới để tạo bước nhảy vọt trong bước phát triển và công nghiệp hóa của mình.

Cần có những cơ chế phù hợp để cho các doanh nghiệp có khả năng tự thích ứng trong điều kiện cạnh tranh mới, để khu vực ASEAN cùng phát triển.

 - Thủ tướng Lào đề xuất

Tuy vậy, cuộc cách mạng lần 4 cũng đưa đến thách thức và khó khăn cho người lao động, trong đó có sự phân phối về lợi ích cho những nhóm người khác nhau, đặc biệt là nhóm người chưa có điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin.

Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Thongloun Sisoulith cũng bày tỏ quan ngại bên cạnh những cơ hội mà Cách mạng 4.0 mang lại. Ở đây, có thể có các xung đột về lợi ích giữa các quốc gia, những khoảng trống trong phát triển, hay tạo ra nguy cơ về an ninh mạng.

Thủ tướng Lào cho rằng, trong cuộc cách mạng này, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân đều ngồi chung trên một con thuyền, cả ASEAN đang ngồi chung trên một con thuyền.

“Cần có những cơ chế phù hợp để cho các doanh nghiệp có khả năng tự thích ứng trong điều kiện cạnh tranh mới, để khu vực ASEAN cùng phát triển”, Thủ tướng Lào đề xuất.

Trong khi đó, bà Aung San Suu Kyi, cố vấn Nhà nước Myanmar cho biết, Myanmar không còn là người đi sau trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Myanmar không còn chủ nghĩa bảo hộ, mà mở cửa thị trường rộng hơn.

“Cạnh tranh lành mạnh sẽ thúc đẩy phát triển. Chúng tôi không sợ cạnh tranh và tin rằng, chúng tôi có thể theo kịp các quốc gia khác trong hành trình Cách mạng công nghiệp 4.0”, cố vấn Nhà nước Myanmar nói.

Minh Vui

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục