Phiên khai mạc có sự tham gia của lãnh đạo 7 quốc gia ASEAN, gồm Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith, Cố vấn nhà nước Myanmar Daw Aung San Suu Kyi, Phó thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong cùng Chủ tịch WEF Klaus Schwab và Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa.
Phát biểu mở đầu phiên khai mạc của, Chủ tịch WEF Klaus Schwab khẳng định, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, mang tính đột phá, cạnh tranh toàn cầu. 20 năm tới chúng ta sẽ hoàn toàn khác biệt, các quốc gia sẽ thành công trong việc làm chủ cuộc CMCN 4.0.
Chủ tịch WEF cho rằng, CMCN 4.0 sẽ xoá bỏ 1 số công việc nhưng tạo cơ hội cho công việc mới. Thế giới đang tham gia cuộc chạy đua để làm chủ CMCN 4.0. Các quốc gia ASEAN với tầm nhìn có thể là người đi đầu chứ không phải đi sau trong cuộc cách mạng này.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn
Về kết nối số, chia sẻ dữ liệu; cùng với chú trọng thương mại điện tử, thanh toán điện tử. "Dữ liệu là nền tảng của 4.0 nên cần xây dựng quy tắc để việc chia sẻ dữ liệu được sử dụng hiệu quả", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế hài hoà môi trường kinh doanh, hệ thống luật pháp giữa các thành viên khu vực giúp nâng cao năng lực nội khối. "Liên kết một cửa ASEAN là cơ hội tốt. Tại diễn đàn này Việt Nam sẽ đưa ra các sáng kiến mới hoà mạng di động một giá cước toàn ASEAN", Thủ tướng nói.
Nhắc tới việc hợp tác giữa một doanh nghiệp khởi nghiệp Indonesia và Việt Nam khi ra đời ứng dụng gọi xe trên nền tảng 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng sẽ có nhiều hơn những cuộc bắt tay giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp trong khu vực.
Ngoài ra, ASEAN cần kết nối, vận hành các vườn ươm sáng tạo, và cần xây dựng khuôn khổ kết nối các vườn ươm. Cuối cùng, ASEAN cần hình thành mạng lưới giáo dục, xây dựng hệ thống học tập suốt đời.
"Trong bối cảnh lan toả cách mạng 4.0 chúng ta phải chung tay hợp tác, phát huy sức mạnh nội khối để hướng tới hoà bình, ổn định, tự cường dựa trên nền tảng người dân, lấy người dân làm trung tâm; đảm bảo tự do lưu chuyển hàng hoá", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
WEF ASEAN năm nay được tổ chức trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên 4.0. Với chủ đề ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4, hội nghị diễn ra trong 3 ngày, từ 11/9 đến 13/9 tại Hà Nội.
Diễn đàn tập trung 5 nội dung chính: Xác định tầm nhìn mới cho ASEAN về hội nhập khu vực; Tìm kiếm các mô hình kinh tế mới và quản trị trong kỷ nguyên số;
Tìm kiếm các động lực và mô hình kinh doanh mới cho các nước ASEAN trong thời đại công nghiệp 4.0; Doanh nghiệp với cách tiếp cận mới đối với quản trị toàn cầu và khu vực; Phát triển cơ sở hạ tầng thông minh, đào tạo kỹ năng, việc làm, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong bối cảnh CMCN 4.0.
WEF ASEAN năm nay có quy mô lớn nhất trong các hội nghị trước đây tại Đông Nam Á, với hơn 1.000 đại biểu từ 43 quốc gia. Họ sẽ tham gia 53 phiên họp chính thức và 35 phiên thảo luận cộng đồng về các vấn đề trong khu vực, từ chính trị, khởi nghiệp đến việc làm trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.