Arashima Yuya, nhà sáng lập Star Kitchen: Mang phong vị bánh Nhật Bản đến Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Rời bỏ công việc trong ngành tài chính tại Nhật Bản, Arashima Yuya sang Việt Nam để khởi nghiệp. Giữa muôn vàn hướng đi khác nhau, cuối cùng, chàng trai sinh năm 1983 đã tìm được thành công cho mình từ những chiếc bánh ngọt ngào, xinh xắn.
Arashima Yuya, nhà sáng lập Star Kitchen. Arashima Yuya, nhà sáng lập Star Kitchen.

Dân tài chính rẽ lối sang làm bánh

Nếu nhìn cách Arashima Yuya chăm chút cho từng chiếc bánh, hay say sưa truyền thụ kinh nghiệm cho các học viên trong lớp của mình, ít ai ngờ rằng, trước đây, anh từng có khoảng thời gian dài làm chuyên gia tư vấn kinh tế - tài chính cho Công ty IBM tại Nhật Bản.

Có công việc và mức lương mà nhiều người trẻ ao ước, nhưng chưa bằng lòng với hiện tại, Yuya tìm hướng rẽ khác cho riêng mình. “Tôi đặt mục tiêu trước 40 tuổi phải sở hữu thương hiệu của riêng mình, nên không thể dậm chân tại chỗ với bàn giấy và văn phòng mãi được”, nhà sáng lập Star Kitchen tâm sự.

Năm 2013, chàng trai 8x này cảm thấy ấn tượng với tốc độ tăng trưởng thị trường và tiềm năng của khu vực Đông Nam Á nói chung. Sau khi cân nhắc một số lựa chọn như Singapore, Thái Lan, Lào…, Yuya quyết định khởi nghiệp tại Việt Nam - đất nước được anh mô tả là năng động, tràn ngập năng lượng và khát vọng vươn lên.

Với kinh nghiệm tích lũy được, năm 2021, bên cạnh Star Kitchen, Arashima Yuya thành lập thêm Công ty Star Consulting Japan, chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn cho các doanh nghiệp Nhật Bản hoặc các tổ chức địa phương muốn đầu tư, tìm hiểu thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, chọn hướng đi nào để phù hợp với bản thân và được người bản địa đón nhận lại là một bài toán nan giải với Arashima Yuya. Khi tìm hiểu về Việt Nam, anh nhận thấy, vào dịp cuối tuần, đa phần người Việt thường đi cà phê với bạn bè, hay ở nhà lên mạng, xem phim, lướt Facebook... Trong khi đó, ở Nhật Bản, mọi người có thói quen đến những lớp học kỹ năng như nấu ăn, làm bánh, làm gốm, hay đi cắm trại, chơi thể thao… Khoảng 10 năm trước đây, anh nhận thấy, tại TP.HCM chưa có nhiều lớp học như vậy, nên quyết định thành lập Star Kitchen, lớp học dạy nấu món Nhật Bản cho người Việt.

Ban đầu, lớp học của Yuya chỉ tập trung vào các món ăn mặn như sushi, udon, tempura..., nên học viên không hào hứng tham gia. Từ đó, anh quyết định chuyển hướng sang giảng dạy các món bánh ngọt.

So với những món mặn thì bánh ngọt dễ làm, thành phẩm lại đáng yêu và dễ mang tặng vào những dịp đặc biệt. Dần dần, số người đăng ký học ngày một nhiều, khiến nhà sáng lập phải tuyển thêm giảng viên để cùng đứng lớp. Đến nay, Star Kitchen đã có các lớp học làm bánh từ cơ bản đến nâng cao, hướng tới nhiều đối tượng khác nhau, như người lớn, trẻ em, hay lớp cho mẹ và bé.

Ngoài ra, thương hiệu này cũng tự sản xuất, kinh doanh các dòng bánh ngọt theo phong cách và tiêu chuẩn Nhật Bản. Bên cạnh nguồn nguyên liệu sữa, bơ cao cấp được nhiều nhà hàng 5 sao chọn lựa, Star Kitchen còn nhập khẩu nguyên liệu trực tiếp từ Nhật Bản như hoa Sakura ướp muối hay Matcha. Nhờ vậy, sản phẩm của Star Kitchen không chỉ vừa lòng các tín đồ ẩm thực Sài Gòn, mà còn được các chuỗi cửa hàng tiện lợi, quán cà phê đón nhận nhiệt tình.

Vượt qua khác biệt về văn hóa

Với bất cứ nhà sáng lập nào quyết định khởi nghiệp tại một quốc gia hoàn toàn xa lạ, khác biệt văn hóa luôn là rào cản lớn. Dù nhiều người nói rằng, văn hóa Nhật Bản và Việt Nam có những nét tương đồng, nhưng theo Yuya, việc thấu hiểu văn hóa của người Việt thật sự là một thử thách lớn đối với anh.

Đơn cử, về khẩu vị, có những loại bánh rất được ưa chuộng ở Nhật Bản, nhưng khi đến Việt Nam thì lại không được đón nhận. Anh thường phải nghe khách hàng phàn nàn rằng, bánh ngọt quá, hay bánh chưa ngon, ăn không quen... Vì vậy, anh đã tìm hiểu về sở thích ăn uống của người Việt qua bạn bè và người quen. Từ thông tin thu thập được, Arashima Yuya cùng đồng nghiệp nghiên cứu, biến tấu ra những công thức bánh riêng của Star Kitchen.

“Nếu món ăn làm đúng theo khẩu vị Nhật, thì người Việt không thích, còn quá thuần Việt sẽ trở nên bình thường. Mình phải làm thế nào để trung hòa chúng. Điển hình như món bánh Mont Blanc có phần đế bánh tart cứng và khô, nên người Việt thường chỉ ăn phần bên trên và bỏ phần đế ở dưới. Điều này mình phải chú ý để điều chỉnh cho phù hợp hơn”, CEO Star Kitchen giải thích.

Hay như trong quá trình làm việc với nhân viên, khác biệt văn hóa từng khiến Yuya ngạc nhiên và đôi khi cảm thấy căng thẳng. Những ngày đầu làm việc cùng nhau, anh từng thấy nhân viên mang ra thành phẩm không giống với mẫu đã lên, như sử dụng quá nhiều chi tiết hình tròn so với bản gốc, hoặc tự ý thêm thắt một vài chi tiết ngẫu hứng. Nếu là thợ bánh người Nhật Bản, chắc chắn họ sẽ làm đúng như mẫu đã giao.

Với cương vị người quản lý, Yuya hoàn toàn có thể yêu cầu nhân viên làm theo ý mình, nhưng anh đã chọn cách từ từ trao đổi, tìm hiểu thêm về ưu điểm và khuyết điểm của nhân sự Việt Nam. Dần dần, cả hai bên tìm được tiếng nói chung và Yuya cũng rút ra được kinh nghiệm quản lý hiệu quả trong môi trường đa văn hóa.

Từ những ngày đầu khởi nghiệp, bị hàng trăm lời từ chối hợp tác của các quán cà phê, nhà hàng…, rồi cả tháng trời chỉ có lèo tèo vài đơn hàng đặt bánh, đến nay, Star Kitchen đã tạo dựng được chỗ đứng cho riêng mình. Thương hiệu hiện là đối tác chiến lược của các chuỗi cửa hàng tiện lợi như 7Eleven, Family Mart, chuỗi cà phê Starbucks, hay nhà hàng Pizza 4P’s, The Sushi Bar… Trong tương lai, Arashima Yuya hướng tới mang Star Kitchen đến với người dân Thủ đô, cũng như đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các sản phẩm quà tặng đậm chất Việt Nam.

Nhung Bùi
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục