Phần mềm Việt đi khắp thế giới
Trước khi Dave Bùi và đồng đội sáng tạo ra AhaSlides, thị trường phần mềm thuyết trình tương tác thế giới đã xuất hiện nhiều tên tuổi lớn, nhưng anh khẳng định, thị trường luôn đủ rộng để có chỗ cho những thương hiệu mới, miễn là sản phẩm đủ tốt.
Kể từ khi ra mắt vào năm 2019 đến nay, AhaSlides liên tục tăng trưởng và mới đây vừa cán mốc 13 triệu người dùng từ 180 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu. Ứng dụng được 95% trường phổ thông tại Đan Mạch sử dụng; nhiều trường học tại Australia hay Nhật Bản cũng dùng AhaSlides cho các buổi thuyết trình của mình. Trong bảng xếp hạng các công ty hàng đầu thế giới của Forbes, có tới hơn 60% sử dụng AhaSlides.
Theo lý giải của CEO Dave Bùi, thành công này đến từ 3 yếu tố: chi phí sử dụng AhaSlides thấp hơn 30 - 50% so với các sản phẩm đi trước, nên dễ dàng tiếp cận khách hàng toàn cầu; sản phẩm thân thiện, dễ sử dụng với tất cả đối tượng khách hàng, chứ không riêng những người có kỹ năng thuyết trình, hùng biện xuất sắc và đặc biệt, AhaSlides nhấn mạnh vào tính chất vui vẻ trong các buổi thuyết trình.
“Tôi cho rằng, các buổi thuyết trình, họp nhóm cần vui trước đã. Sự vui vẻ, náo nhiệt sẽ mang lại hiệu quả cao hơn sự trịnh trọng, cầu kỳ, nghiêm trang. Thực tế, sự đón nhận của thị trường với AhaSlides đã chứng minh điều này”, Dave Bùi nói.
Thay vì trình chiếu những slide nội dung khô cứng, phần mềm thuyết trình tương tác AhaSlides cho diễn giả cơ hội trực tiếp tương tác với đám đông thông qua các trò chơi, câu đố, bảng khảo sát nhận kết quả tại chỗ. Thậm chí, người xem có thể dùng điện thoại để hỏi đáp, đóng góp ý tưởng… ngay khi diễn giả đang thuyết trình trên sân khấu. Xuyên suốt bài thuyết trình, các hiệu ứng có sẵn như vỗ tay, gõ trống, bắn pháo giấy có thể được thêm vào để tăng không khí sôi động, hấp dẫn cho buổi hội họp, thảo luận.
Dave Bùi tự tin, AhaSlides đủ khả năng để đi xa hơn nữa, khi nhu cầu sử dụng phần mềm để đáp xu hướng làm việc từ xa và học tập trực tuyến ngày càng gia tăng. Sau thời gian tăng trưởng “nóng” giữa đại dịch Covid-19, AhaSlides đang phát triển bền vững hơn, khi thế giới cởi mở hơn với việc dùng công nghệ để kết nối mọi người.
Về Việt Nam khởi nghiệp
Gần đây, thị trường Việt Nam đón nhận làn sóng dịch chuyển nhân tài từ thung lũng Silicon cũng như các quốc gia phát triển trên thế giới. Sau thời gian tích lũy kinh nghiệm, kiến thức nơi xứ người, nhiều Việt kiều quyết định hồi hương để tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp. Dave Bùi là một trong số đó.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Dave Bùi từng có nhiều năm làm việc, học tập tại Australia, Anh, Nhật Bản, trước khi trở về Việt Nam vào năm 2014. Thời điểm đó, nhiều bạn bè không ủng hộ quyết định của anh, nhưng Dave Bùi nhanh chóng nhận ra rằng, môi trường khởi nghiệp tại Việt Nam có những thuận lợi mà nhiều quốc gia phát triển không có. Đó là chi phí khởi nghiệp thấp; người Việt luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận cái mới và thị trường còn rất nhiều “khoảng trống” cho các start-up.
“Nhiều vấn đề tại Việt Nam vẫn chưa được tối ưu, ví dụ trong các mảng có ảnh hưởng đến số đông người Việt như y tế, giáo dục, tài chính, đi lại, giao vận… Còn tại các quốc gia phát triển, mọi chuyện gần như đã ổn định rồi, rất khó để tạo ý tưởng đột phá”, nhà sáng lập 8x giải thích.
Năm 2015, Dave Bùi cùng một người bạn sáng lập ViCare - phần mềm kết nối bệnh nhân với bác sỹ và cung cấp thông tin y tế, dịch vụ y tế trên khắp cả nước. Sau 3 năm hoạt động, ViCare được một doanh nghiệp lớn của Việt Nam mua lại.
Lúc này, Dave Bùi suy nghĩ về việc bắt đầu một mô hình khác. Anh đặt ra vài tiêu chí như: mô hình phải là sản phẩm phần mềm (vốn là thế mạnh của anh), hướng đến thị trường nước ngoài chứ không chỉ phục vụ riêng người Việt và phải gần gũi, dễ hiểu với số đông…
Tự nhận bản thân là người thích tham gia hội thảo, thích chia sẻ trước đám đông, Dave Bùi nghĩ đến một phần mềm thuyết trình có thể kết nối diễn giả trên sân khấu với khán giả phía dưới, cũng như những người tham gia từ xa qua điện thoại, máy tính. Như vậy, các bên tham gia sẽ được tương tác với nhau, chứ không buồn tẻ, nhàm chán như những buổi thuyết trình truyền thống.
Năm 2019, Dave Bùi cùng cộng sự bắt tay viết những dòng code đầu tiên của AhaSlides và hoàn tất sản phẩm chỉ trong vòng 3 tháng.
Kết quả bất ngờ vượt kỳ vọng của toàn đội ngũ, khi AhaSlides được những thị trường “khó tính” như Mỹ, châu Âu đón nhận nhiệt tình. Dave Bùi vẫn nhớ, ngày đầu tiên chính thức tiến hành thu phí phần mềm, đã có doanh nghiệp Brazil sẵn sàng trả tiền để tiếp tục sử dụng AhaSlides sau khi trải nghiệm. Đặc biệt, đến nay, khách hàng đó vẫn đang sử dụng phần mềm của AhaSlides.
“Điều đó càng khiến tôi tự tin rằng, người Việt hoàn toàn có khả năng tạo ra những phần mềm được thế giới đón nhận. Mọi người thường nghĩ, thị trường các nước phát triển là ‘khó tính’, nhưng tôi nghĩ họ rất công bằng. Nếu chúng ta tập trung làm sản phẩm tốt, không ‘chộp giật’ trong ngắn hạn, thì chắc chắn sẽ được ghi nhận”, CEO Dave Bùi khẳng định.
Là phần mềm hướng ra toàn cầu, AhaSlides có tỷ lệ khách hàng nước ngoài cao hơn hẳn khách trong nước. Nhưng vài năm gần đây, lượng khách Việt lựa chọn AhaSlides cho các bài thuyết trình đang tăng lên. Dave Bùi lý giải, nếu trước đây, người Việt thường chuộng các phần mềm miễn phí, thậm chí sử dụng bản đã được “bẻ khóa”, thì xu hướng hiện tại là sẵn sàng trả phí cho các phần mềm, dịch vụ khi thấy chúng có ích.
Hiện nay, khoảng 73% dân số trên cả nước đã có kết nối Internet và người Việt cũng thích các hoạt động hội họp, kết nối. Dave Bùi đánh giá, Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng và AhaSlides sẽ tập trung khai thác trong thời gian tới.
“Chỉ cần có bài học là start-up đã thành công”
Nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy, AhaSlides hội tụ đủ “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để đi tới thành công ngày hôm nay. Đó là thời điểm trong và sau đại dịch Covid-19, cả thế giới cần tới những phần mềm hỗ trợ quá trình học tập, làm việc từ xa. Đó là chi phí sản xuất phần mềm giá rẻ, mà nếu không phải Việt Nam, thì khó có quốc gia phát triển nào đáp ứng được. Đó là một nhà sáng lập dày dặn kinh nghiệm và am hiểu thị trường quốc tế, cùng với đội ngũ triển khai giàu năng lực, luôn sẵn sàng tiến về phía trước.
Sở hữu nhiều lợi thế như vậy, nhưng Dave Bùi thú nhận, những ngày đầu khởi nghiệp, anh đã xây dựng tâm thế mình có thể thất bại bất cứ lúc nào.
“Tôi luôn giả định mình không thành công, vì thực tế, với start-up, tỷ lệ thất bại cao hơn thành công rất nhiều. Tư duy ấy giúp tôi đưa ra quyết định tốt hơn và biết cách kiểm soát cảm xúc hợp lý hơn”, nhà sáng lập tiết lộ.
Sau 4 năm xây dựng và phát triển AhaSlides nói riêng cũng như gần 10 năm khởi nghiệp nói chung, Dave Bùi nhận thấy, Việt Nam đang chuyển dần từ gia công phần mềm sang sáng tạo sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều sản phẩm “make in Vietnam” mới được đón nhận ở trong nước, chứ chưa thể đi ra thị trường toàn cầu.
Muốn “đem chuông đi đánh xứ người”, CEO 8x cho rằng, các start-up công nghệ Việt Nam cần chú ý một số điểm sau.
Thứ nhất, chọn vấn đề kỹ càng trước khi nghĩ về giải pháp. Dave Bùi nhận xét, nhiều nhân sự làm khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thường thích nói về công nghệ, trong khi công nghệ bản chất là giải pháp. “Mỗi người sáng lập nên nhìn sâu xem mình đã thực sự hiểu vấn đề chưa, vấn đề có thuyết phục hay không… Thông thường, một vấn đề sẽ có nhiều giải pháp và chưa chắc giải pháp của bạn đã là tốt nhất. Vậy nên, hãy đặt ưu tiên vào vấn đề hơn là giải pháp”, Dave Bùi phân tích.
Thứ hai, xây dựng đội nhóm đa dạng về văn hóa. Theo nhà sáng lập AhaSlides, để có một sản phẩm đi ra toàn cầu, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng đội nhóm mang tính chất toàn cầu và năng lực toàn cầu. Ở AhaSlides, ngoài nhân sự người Việt, start-up còn tập hợp được các thành viên đến từ Anh, Singapore, Ấn Độ, Philippines… Điều này giúp start-up có góc nhìn đa chiều và thuận lợi khi đặt chân tới một thị trường mới.
Thứ ba, hãy định nghĩa đúng về thất bại và thành công. Trong khởi nghiệp, tỷ lệ start-up không đạt được kết quả như kỳ vọng luôn rất cao, nhưng Dave Bùi cho rằng, chỉ cần có bài học là start-up đã thành công, kể cả không đạt được mục tiêu hay mất toàn bộ số tiền đầu tư.
“Làm start-up nghĩa là tìm ra cách giải quyết vấn đề rất ít người biết, hoặc thậm chí chưa có ai biết. Nếu nghĩ như vậy, thì tiêu chí học tập nên được đặt lên hàng đầu và start-up phải học càng nhanh càng tốt để nhìn mọi thứ sáng tỏ. Với start-up, thành công hay thất bại nên được đo bằng những bài học cụ thể, chứ không nhất thiết chạy theo các mục tiêu tăng trưởng như của một doanh nghiệp truyền thống”, Dave Bùi nhắn nhủ.
Hành trình quan trọng hơn điểm đến
Nhiều nhà sáng lập làm việc 12 - 18 tiếng mỗi ngày. Anh có thuộc “trường phái” này không?
Tôi không đề cao văn hóa làm việc 996 (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần - PV). Tôi nghĩ, muốn làm ra sản phẩm công nghệ thành công, bạn cần yếu tố về sáng tạo và cần duy trì tốt cảm hứng. Như vậy, bạn cần một sự cân bằng nhất định, chứ không nên làm việc đến kiệt sức.
Khi bị “quá tải” công việc, anh làm thế nào để lấy lại lại cân bằng?
Tôi nhắc bản thân rằng, cuộc sống còn nhiều niềm vui khác và công việc không phải là tất cả. Đừng để công việc xâm chiếm toàn bộ tâm trí cũng như niềm vui, niềm hạnh phúc của mình.
Theo anh, AhaSlides hiện tại đã được gọi là thành công chưa? Đích đến tiếp theo của anh là gì?
Không chỉ khởi nghiệp, mà làm gì cũng vậy, tôi nghĩ, hành trình quan trọng hơn điểm đến. Tôi thích chạy marathon, nhưng thay vì cố gắng nghĩ đến điểm đích, tôi tận hưởng đường chạy bằng cách nhìn xem mình đang ở đoạn nào, cảnh vật xung quanh có đẹp không, cơ thể của mình có đang thoải mái hay không…
Với AhaSlides, tôi chỉ có thể nói rằng, đích đến còn rất xa và tôi vẫn đang tập trung vào hành trình của mình.
Anh có kế hoạch gọi vốn trong năm 2023 không?
Cho tới nay, AhaSlides mới gọi vốn 1 vòng duy nhất từ các nhà đầu tư thiên thần, chứ chưa gọi từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Một phần do môi trường gọi vốn khó khăn, một phần vì chúng tôi vẫn có thể tự chủ về mặt tài chính. Chúng tôi luôn xác định phải tập trung xây dựng giá trị cốt lõi, chứ không “đốt tiền” của nhà đầu tư để đổi lấy tăng trưởng. Tất nhiên, AhaSlide luôn cởi mở với các cơ hội hợp tác nếu thấy phù hợp.