Apple đang cố gắng thay đổi cách tái chế thiết bị điện tử với robot tháo rời iPhone để thu hồi các khoáng chất có thể được phục hồi và tái sử dụng.
Hãng công nghệ khổng lồ của Mỹ cho biết, robot trên là một phần trong kế hoạch phát triển hãng trở thành nhà sản xuất kín, không dựa vào ngành khai thác mỏ, một mục tiêu tích cực song bị một số nhà phân tích cho là không thể.
Nhiều nhà điều hành khai thác khoáng sản lưu ý rằng với sự phổ biến ngày càng tăng của xe điện, các khoáng sản cần thiết mới sẽ khai thác ở quy mô lớn hơn, một thực tế mà Apple thừa nhận.
Bên trong một nhà kho không có gì đặc biệt ở ngoại ô Austin, Texas, robot Daisy của Apple đang tháo dỡ iPhone để lọc lấy 14 khoáng chất, bao gồm cả lithium, có thể được chiết xuất và tái chế.
Apple đã sử dụng thiếc tái chế, coban và đất hiếm trong một số sản phẩm của mình, với kế hoạch bổ sung thêm các khoáng chất khác vào danh sách đó.
Tháng trước nhà sản xuất iPhone đã mua lô nhôm thương mại đầu tiên từ một liên doanh giữa Rio Tinto và Alcoa.
Daisy, có chiều dài gần 18m, sử dụng quy trình bốn bước để tháo pin iPhone với luồng khí -80 độ C, sau đó bật các ốc vít và môđun, bao gồm cả môđun haptic tạo ra lực rung cho điện thoại.
Các thành phần linh kiện này sau đó được gửi đến các nhà tái chế để các khoáng chất được lọc, thu hồi và tinh chế. Daisy có thể xé 200 chiếc iPhone mỗi giờ. Apple đã chọn iPhone là sản phẩm đầu tiên mà Daisy sẽ tháo rời vì mức độ phổ biến của nó.
Apple đang xem xét chia sẻ công nghệ robot Daisy với những đối tác khác, bao gồm cả các nhà sản xuất ôtô điện.