Apple: Công ty nghìn tỷ tiếp theo thuộc lĩnh vực FinTech

(ĐTCK) Từng có thời điểm gần như phá sản, tới hôm nay, Apple đã trở thành công ty Mỹ đầu tiên có giá trị thị trường đạt 1 nghìn tỷ USD. Các thành viên thị trường cho rằng, trong thời gian tới, Công ty sẽ đóng vai trò tiên phong tạo ra những thay đổi tại lĩnh vực công nghệ tài chính, với khả năng tạo ra công ty FinTech với giá trị nghìn tỷ USD tiếp theo.
Apple: Công ty nghìn tỷ tiếp theo thuộc lĩnh vực FinTech

Niềm tin

Sau khi công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2018 tốt hơn dự kiến nhờ việc ra mắt thành công sản phẩm iPhone X, giá cổ phiếu Apple ngay lập tức leo dốc, giúp giá trị Công ty đạt hơn 1 nghìn tỷ USD.

Trả lời báo giới, CEO Tim Cook cho rằng, đây là một dấu mốc quan trọng, nhưng không phải thước đo để đánh giá sự thành công của doanh nghiệp. Vậy đâu mới là thước đo mà Apple sử dụng để đánh giá bước tiến của mình?

Theo các chuyên gia kinh tế, yếu tố mà Tim Cook muốn nhắc tới chính là niềm tin của người tiêu dùng. Việc người dân vẫn tìm mua sản phẩm của Apple cũng tương tự việc mọi người muốn mở tài khoản ngân hàng tại các nhà băng lớn, thay vì các tên tuổi mới nổi như Monzo hay Starling, dù các công ty này cung cấp lãi suất tốt hơn và dịch vụ thân thiện hơn.

Nguyên nhân nằm ở niềm tin. Một khi còn có được “vũ khí” này, Apple sẽ vẫn an tâm để tung ra các sản phẩm, dịch vụ mới với lượng khách hàng có sẵn.

FinTech

Theo CEO Tim Cook, Apple Pay – dịch vụ công nghệ tài chính cho phép thanh toán qua điện thoại của Apple đã tăng trưởng gấp 3 lần trong năm 2017, đạt giá trị hơn 1 tỷ USD. Đối với thanh toán qua điện thoại, lợi thế nổi trội nhất của Apple đó là doanh nghiệp này nắm giữ công nghệ bảo mật được đánh giá cao.

Với Touch ID (cảm biến vân tay), nếu iPhone của khách hàng bị mất, mọi hoạt động giao dịch thanh toán đều không thể thực hiện được vì thiếu vân tay của chủ nhân. Bên cạnh đó, đầu năm nay, Apple đã có thêm bước tiến mới về công nghệ bảo mật với việc trình làng Face ID (nhận diện gương mặt).

Trong khi các đại gia ngành tài chính khác như Wells Fargo và MasterCard mới chập chững bước đầu trong quá trình triển khai thanh toán bằng sinh trắc học, Apple đã có bước tiến xa hơn hẳn. Face ID sử dụng công nghệ máy học để nhận diện vẻ bề ngoài của con người.

Dù thay đổi ngoại hình, đội mũ, đeo kính, để râu…, công nghệ này vẫn giúp iPhone nhanh chóng nhận diện chủ nhân. Để tăng thêm tính bảo mật, Face ID luôn ở chế độ cảnh giác, tức là người dùng chỉ có thể mở iPhone X khi nhìn thẳng vào thiết bị với mắt mở như bình thường.

“Với Face ID, iPhone X chỉ mở khóa khi bạn nhìn thẳng vào màn hình. Điện thoại được thiết kế chống lại việc bị lừa bịp bởi ảnh chụp hay mặt nạ. Mọi thông tin từ Face ID được bảo mật kỹ càng, dữ liệu cá nhân trong điện thoại không bị truyền sang một thiết bị nào khác”, Apple cho biết.

Có thể mạnh về công nghệ, sở hữu lượng khách hàng trung thành lớn và niềm tin của người tiêu dùng, có nhiều lý do để các thành viên thị trường tin rằng, Apple Pay sẽ có những bước tiến thần tốc hơn nữa trong thời gian tới.

Thêm bước tiến mới

Ngay sau khi đạt giá trị thị trường 1 nghìn tỷ USD, Apple thông báo chiến dịch quảng bá ví điện tử mới của mình. Với bước tiến này, Công ty đã chính thức trở thành một “tay chơi” tại thị trường FinTech.

Hiện tại, doanh thu từ ví điện tử chưa lớn, khi Apple chỉ thu 0,15 USD đối với mỗi 100 USD được giao dịch qua ví này, trong khi các công ty thẻ khác thu 1,5% tới 3% giá trị tiền gửi mỗi lần giao dịch. Nhưng với việc đang sở hữu hơn 1 tỷ người dùng các thiết bị thông minh như iPhone, Apple Watch…, trong tương lai, Apple sở hữu sức mạnh mà bất kỳ doanh nghiệp nào thuộc lĩnh vực FinTech đều phải dè chừng. 

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục