Apple - công ty lớn nhất thế giới, nhưng có ít tỷ phú nhất

(ĐTCK) Việc tìm các tỷ phú tại Thung lũng Silicon không khó và khối tài sản của các tỷ phú công nghệ chiếm tới 1/5 - tương đương khoảng 1.000 tỷ USD - trong tổng số tài sản thuộc Chỉ số Tỷ phú Bloomberg.
Apple - công ty lớn nhất thế giới, nhưng có ít tỷ phú nhất

Tuy nhiên, việc theo dấu bộ 3 người đứng đầu tại Apple Inc lại cho thấy kết quả đáng ngạc nhiên khi không ai trong số này là tỷ phú, dù nhà sản xuất iPhone này đang là công ty lớn nhất thế giới, với giá trị thị trường đạt 879 tỷ USD.

Đứng chót bảng xếp hạng

Chủ tịch Apple Inc Art Levinson là lãnh đạo duy nhất tại Công ty có khối tài sản chạm tới 1 tỷ USD, nhưng số lượng cổ phần của Apple chỉ đóng góp khoảng 20% giá trị tài sản của ông, theo các giấy tờ nộp cơ quan quản lý chứng khoán.

Khối tài sản còn lại thuộc về khoản đầu tư dài hạn tại Genentech Inc, nơi Art Levinson đang là Chủ tịch và CEO, cùng một số cổ phần tại Google Inc.

Còn lại, không một ai tại Apple tiến tới gần ngưỡng 1 tỷ USD. Thậm chí, nhân vật nổi tiếng bậc nhất là CEO Tim Cook chỉ sở hữu khối tài sản trị giá 600 triệu USD, thể hiện sự tương phản rõ ràng với sức mạnh của đế chế mà ông đang nắm quyền.

Theo Chỉ số Tiền lương Bloomberg (Bloomberg Pay Index) - bảng xếp hạng các lãnh đạo doanh nghiệp được trả hậu hĩnh nhất tại các doanh nghiệp niêm yết của Mỹ, những người đứng đầu tại Apple ở vị trí khá xa xôi.

Cụ thể, chỉ số này so sánh mức độ trả lương cao nhất dựa trên tỷ lệ chi phí phải trả cho các lãnh đạo cấp cao tính trên lợi nhuận của doanh nghiệp. Với cách tính này, Apple nằm ở vị trí thấp nhất trong 200 doanh nghiệp trả lương cao nhất trong những năm tài chính gần đây.

Diễn biến này hoàn toàn trái ngược với thực trạng tại các doanh nghiệp công nghệ lớn khác, nơi những người sáng lập, thậm chí nhân viên ngày càng gia tăng sự hiện diện tại các bảng xếp hạng tỷ phú. Trong đó, có thể kể tới Jeff Bezos, ông chủ Amazon.com Inc; Sergey Brin, Larry Page và Eric Schmidt tại Alphabet Inc; Bill Gates của Microsoft Corp và Mark Zuckerberg, Jan Koum của Facebook...

Thiếu vắng tỷ phú

Bên cạnh khoản tiền lương 3 triệu USD/năm và khoảng 6 triệu USD/năm tiền thưởng thêm nếu đạt kế hoạch, đa phần tài sản của Tim Cook tới từ khối cổ phiếu hạn chế của Apple trị giá 376 triệu USD, vốn là phần thưởng khi ông thành công trong việc tiếp quản vị trí của người tiền nhiệm Steve Jobs vào năm 2011.

Cổ phiếu hạn chế là loại cổ phiếu được nắm giữ bởi các cổ đông trong nội bộ công ty (Insider holdings) - những thành viên có quyền quản lý công ty và quyền mua bán chuyển nhượng loại cổ phiếu này bị hạn chế.

Các cổ phiếu hạn chế không có nhiều ưu điểm như quyền mua bán cổ phiếu - vốn có thể dễ dàng định giá hơn vì chúng được mua bán thường xuyên trên thị trường. Chính vì vậy, cổ phiếu hạn chế cũng coi như một tài sản không có tính thanh khoản.

Trong khi đó, tại Alphabet, người đứng đầu công ty con là Google Sundar Pichai nhận tiền lương hàng trăm triệu trong 3 năm liên tiếp, chưa kể khoản cổ phiếu thưởng trị giá 10 triệu USD dành cho lãnh đạo cấp cao.

Tại Tesla Inc, các cổ đông của công ty này đã chấp thuận chi trả khoảng 2,6 tỷ USD cho CEO Elon Musk trong tháng trước. Giám đốc Hoạt động Sheryl Sandberg của Facebook cũng nhận được 24,5 triệu USD trong năm 2016.

Theo các chuyên gia kinh tế, sự vắng mặt các tỷ phú tại Apple phản ánh lịch sử của Công ty. Theo đó, cố CEO Steve Jobs, người sở hữu 15% cổ phần của Công ty vào thời điểm IPO năm 1980, có giá trị khoảng 132 tỷ USD ngày nay, đã bán toàn bộ ngoại trừ 1 cổ phần sau khi ông bị đuổi khỏi doanh nghiệp vào năm 1985. Sau đó 1 thập kỷ, Steve Jobs đã quay lại Apple và bắt đầu làm lại từ đầu.

Tương tự, người đồng sáng lập Apple là Steve Wozniak từng nắm giữ 7,9% cổ phiếu Apple năm 1980, nhưng tỷ lệ này giảm dần khi ông bán bớt cổ phần với giá thấp cho các nhân viên và tặng thưởng cho một số người ông cảm thấy chưa được đối xử công bằng. Hiện tại, ông không cần công bố tài sản bởi sở hữu chưa tới 5% số lượng cổ phiếu tại doanh nghiệp.

Lam Phong (Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục