Apple nắm giữ vị trí công ty lớn nhất thế giới tính theo giá trị vốn hóa cho tới cuối năm 2018, nhưng hiện tại, quy mô của Công ty đã nhỏ hơn cả Alphabet Inc (công ty mẹ của Google) lẫn Facebook Inc.
Trong khi đó, xét theo chỉ số P/E - thể hiện mức giá mà nhà đầu tư sẵn sàng bỏ ra cho một đồng lợi nhuận thu được từ cổ phiếu, Apple cũng đang tụt lại phía sau.
Cụ thể, sau khi đạt đỉnh cao nhất cách đây 3 năm, hiện giá cổ phiếu Apple đang giao dịch ở P/E dự tính (P/E forward) là 14 lần, trong khi con số này với Alphabet và Facebook lần lượt là 20 lần và 24 lần.
Điều này phần nào chứng tỏ nhà đầu tư đang tự tin hơn vào khả năng duy trì tăng trưởng lợi nhuận của Google và Facebook trong tương lai, ngay cả khi Apple đang kiếm lợi nhuận rất tốt.
Vấn đề ở chỗ, Apple luôn được xem là công ty phần cứng, khi gần 2/3 doanh thu có được nhờ sản phẩm iPhone. Trong khi đó, biên lợi nhuận của sản phẩm này ngày càng thấp do chi phí thuê sản xuất, lao động và vận chuyển đắt đỏ hơn.
Để có thể đạt lợi nhuận mục tiêu đề ra, Apple sẽ phải thuyết phục người dùng chi thêm 800 USD cho smartphone trong chu kỳ mỗi 2 năm.
Nếu khách hàng cảm thấy chán với các sản phẩm liên tục ra mắt, lợi nhuận của Công ty ngay lập tức đi xuống.
Trong khi đó, những công ty phần mềm như Google và Facebook có biên lợi nhuận cao hơn. Với việc “bao vây” cuộc sống của người tiêu dùng bằng các quảng cáo Internet, những doanh nghiệp này có thể kiếm bộn từ hoạt động quảng cáo.
Chẳng hạn, Facebook cho biết, năm 2017, Công ty thu về trung bình 21 USD từ các doanh nghiệp nếu quảng cáo của doanh nghiệp đó xuất hiện trước 1 người dùng trong mỗi quý, trong khi nguồn thu quảng cáo này không bị giới hạn tại bất kỳ lĩnh vực nào.
Thực tế, 4 năm qua, Apple đã có nhiều nỗ lực để vượt ra khỏi cái bóng “công ty iPhone”, nhưng tới nay kết quả không như ý.
Năm 2019, doanh thu bán iPhone của Công ty chiếm 55% tổng doanh thu, giảm so với mức đỉnh 66% của năm 2015, nguyên nhân xuất phát từ việc thị trường
smartphone đi xuống.
Một trong những chiến lược đa dạng hóa của Apple là việc CEO Tim Cook đầu tư một cách quyết liệu vào các dịch vụ mới như Apple Music, TV+, News+, Arcade…, cũng như các thiết bị thông minh khác như Apple Watch và AirPods.
Điều này giúp Công ty ít phụ thuộc hơn vào iPhone, trong khi tạo ra vòng tròn tiêu dùng khép kín với người dùng thiết bị.
Chẳng hạn, do Apple Watch kết nối với iPhone, nên người dùng chiếc đồng hồ thông minh này sẽ ít có khả năng đổi sang điện thoại chạy Android.
Dù vậy, đây cũng có thể là “còng tay” Apple tự tạo cho mình khi dễ gặp phải rủi ro từ cơ quan quản lý liên quan tới vấn đề độc quyền, an ninh thông tin cá nhân...
Trong bối cảnh Apple cần thuyết phục nhà đầu tư tự tin hơn nữa vào tương lai của doanh nghiệp, thì ngày 18/2, các số liệu kinh doanh năm 2020 được công bố khiến niềm tin ấy thậm chí còn bị lung lay.
Apple cho biết, Công ty sẽ không thể hoàn thành mục tiêu doanh thu quý I/2020 do tác động của dịch bệnh.
Trước đó, Apple tự tin sẽ thu về 63-67 tỷ USD trong quý đầu năm nay, cao hơn nhiều so với mức 58 tỷ USD của cùng kỳ năm trước. Ngay khi thông tin được công bố, chỉ số Nasdaq tương lai đã giảm 0,3%.
Mặc dù hoạt động sản xuất cũng như nhu cầu thị trường nhiều khả năng sẽ hồi phục sau khi dịch bệnh được khống chế, nhưng đây là cảnh báo mới nhất cho thấy, iPhone sẽ còn là nguồn thu chính của Apple trong thời gian tới và doanh nghiệp này sẽ luôn nhạy cảm trước mọi biến động từ nhu cầu đối với sản phẩm độc tôn hiện tại.