CTP phải bồi thường thiệt hại
Năm 2010, CTP và Devyt ký hợp đồng chuyển nhượng văn phòng số 09, diện tích 937,3 m2 (tầng 18 và 19) với giá trị hơn 1,1 triệu USD, thuộc dự án Trung tâm thương mại Apex Tower. Thực hiện hợp đồng, Devyt chuyển qua tài khoản đợt 1 số tiền là 14,7 tỷ đồng (tương ứng khoảng 70% giá trị hợp đồng). Trong đó, 12 tỷ đồng là do Devyt vay ngân hàng.
Quá thời hạn đặt ra 4 năm, CTP không có văn phòng để bàn giao cho khách hàng. Do đó, Devyt đã khởi kiện ra Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đòi số tiền gốc 14,7 tỷ đồng và khoản lãi ngân hàng mà khách hàng chịu thiệt khi vay vốn để đầu tư vào dự án.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định, hợp đồng chuyển nhượng ấn định thời điểm bàn giao nhà là ngày 30/3/2012 và ngày 30/6/2012 hoàn thiện đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, CTP đã chậm bàn giao mặt bằng 4 năm. Ngày bàn giao văn phòng là thời hiệu nguyên đơn đòi bị đơn bồi thường thiệt hại.
Tranh luận tại tòa, Luật sư Trương Anh Tú (bảo vệ quyền lợi cho CTP) lập luận, bản cam kết thanh lý hợp đồng (ngày 30/12/2013) sẽ không thực hiện được trên thực tế. Lý do là tại thời điểm ký kết, tài sản hình thành trong tương lai đã được thế chấp tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank). Ngân hàng xác nhận chưa xóa tài sản thế chấp. Khi ký cam kết, Devyt chưa có thông báo chấp nhận của TPBank giao dịch tài sản này. Theo Điều 348, Bộ luật Dân sự, Devyt không có quyền chuyển dịch tài sản đảm bảo.
Về ý kiến này, Hội đồng xét xử cho rằng, phía TPBank biết đến bản cam kết này và không phản đối. Theo đó, căn cứ quy định tại Điều 308 và 309, Bộ luật Dân sự về lỗi trong trách nhiệm dân sự, CTP phải có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền Devyt đã thanh toán là 14,7 tỷ đồng. Đồng thời, chủ đầu tư này còn phải bồi thường thiệt hại cho khách hàng số tiền là 4,3 tỷ đồng.
Tòa án giải quyết là đúng thẩm quyền
Trong hợp đồng nguyên tắc giữa CTP và Devyt có một số điều khoản thỏa thuận, trong đó ghi rõ, nếu có tranh chấp phát sinh, hai bên sẽ giải quyết thông qua hai phương thức: trọng tài thương mại và tòa án.
Khi Devyt khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân Quận Hoàn Kiếm, CTP từng khiếu nại về thẩm quyền giải quyết. Tuy nhiên sau đó, CTP đã rút nội dung này trong đơn kháng cáo.
Theo Hội đồng xét xử, việc giải quyết vụ án tại tòa án là đúng thẩm quyền. Khoản 4, Điều 2, Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Luật Trọng tài thương mại đã quy định rõ.
Cụ thể, trường hợp các bên vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, vừa có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng tòa án mà các bên không có thỏa thuận lại, hoặc thỏa thuận mới về cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 của Điều này, mà phát sinh tranh chấp thì xử lý như sau: Trường hợp người khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp, thì ngay sau khi nhận được đơn khởi kiện, tòa án phải xác định một trong các bên đã yêu cầu trọng tài giải quyết hay chưa.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện mà tòa án xác định người bị kiện, người khởi kiện đã yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp, thì tòa án trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện. Trường hợp người bị kiện, người khởi kiện chưa yêu cầu trọng tài giải quyết tranh chấp, thì tòa án xem xét thụ lý giải quyết theo thủ tục chung.
Ngày 20/7/2015, Devyt gửi đơn khởi kiện ra Tòa án nhân dân Quận Hoàn Kiếm. Trong thời hạn 30 ngày, nguyên đơn có bản cam kết chưa yêu cầu Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) giải quyết. Do đó, việc Tòa án nhân dân TP. Hà Nội giải quyết là đúng thẩm quyền.