Áp thuế tự vệ thép, chưa hết băn khoăn

(ĐTCK) Nếu không có gì thay đổi, Bộ Công thương sẽ có buổi làm việc với các DN thép vào đầu tuần tới để làm rõ cơ sở, lập luận của các DN đối với kiến nghị loại bỏ phôi thép ra khỏi phạm vi áp dụng thuế tự vệ. 
Chi phí phôi thép chiếm tỷ trọng tới 85% chi phí sản xuất thép thành phẩm Chi phí phôi thép chiếm tỷ trọng tới 85% chi phí sản xuất thép thành phẩm

Trước thềm cuộc gặp này, một lần nữa, những tranh luận trái chiều xung quanh chính sách bảo hộ sản xuất thép trong nước lại trở nên nóng bỏng.

“Đi ngược với xu hướng toàn cầu hóa”

Không đồng tình với quan điểm cho rằng việc áp thuế tự vệ tạm thời sẽ giúp ngành sản xuất thép trong nước có thêm thời gian tái cơ cấu, nâng cao khả năng cạnh tranh, nhiều DN trong ngành cảnh báo, việc áp thuế tự vệ thép không chỉ tạo ra sự thiếu công bằng giữa các DN sản xuất thép, tạo ra sự độc tôn, độc quyền trong thị trường thép và vô hình trung khiến người tiêu dùng phải chịu thiệt.

Nhiều DN thép, trong đó có 5 DN đã từng đứng tên ký đơn gửi Thủ tướng Chính phủ phản đối việc điều tra áp thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài, bao gồm Thép Pomina, NatsteelVina, Công ty Liên doanh Thép Việt – Úc (VinauSteel), Công ty Sản xuất Thép Úc SSE, Công ty Thép Kyoei Việt Nam đều khẳng định, đối tượng chịu thiệt thòi trong “cuộc chơi” bảo hộ này là các chủ đầu tư dự án, công trình có nhu cầu lớn về thép, là người dân,  thị trường bất động sản mới ấm lên sau thời kỳ “đóng băng”... Và thực tế những ngày qua đã phần nào thể hiện điều này.

Theo phân tích của đại diện VinauSteel, việc áp dụng biện pháp tự vệ dẫn tới giá phôi thép (nguyên liệu đầu vào của thép thành phẩm) tăng, khiến giá thép xây dựng tăng. Người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt thòi nhiều nhất, chưa tính tới những thiệt hại, thua lỗ của phần đông các DN thép do chi phí đầu vào tăng lên.

“Trong xu thế hội nhập, giá cả các hàng hóa ngày càng trở lên hợp lý hơn và người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều hơn từ hiệu quả sản xuất chung toàn cầu. Việc áp dụng mức thuế tự vệ trong trường hợp này phải chăng đang đi ngược lại với xu hướng toàn cầu hóa và gây thiệt hại cho người tiêu dùng?”, đại diện DN này đặt câu hỏi và cho rằng, "cái được bỏ vào túi" của một vài công ty thép lại là cái mất của Nhà nước, người tiêu dùng và toàn xã hội. 

Gây thất thu lớn cho Nhà nước?

Không tham gia trực tiếp cuộc tranh cãi nảy lửa giữa hai nhóm DN, song CTCP Thép Việt Đức cũng khẳng định, việc áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành thép Việt Nam và gây nhiều hệ lụy đến đời sống kinh tế - xã hội, quyền lợi của người tiêu dùng cũng như lợi ích của quốc gia.

"Cần phải cân nhắc kỹ lưỡng việc áp thuế tự vệ trên cơ sở cân đối lợi ích tổng thể và hài hòa quyền lợi giữa nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng và quan trọng là phải tôn trọng quy luật thị trường, không để ảnh hưởng đến uy tín quốc gia" - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc).

Ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc CTCP Thép Việt Đức phân tích, phôi thép là nguyên liệu đầu vào quan trọng để cán thép. Ngành thép có chi phí đầu vào rất lớn, trong đó chi phí cho phôi đã chiếm đến gần 85% tổng chi phí. Do đó, khi giá phôi thép thay đổi do thuế tăng chắc chắn sẽ làm cho giá thị trường của sản phẩm thép, mặt hàng chiến lược quốc gia tăng lên. Người tiêu dùng cuối cùng sẽ phải chịu thiệt thòi nhiều nhất do chênh lệch tăng giá.

Theo tính toán của ông Hải, việc giảm nhập khẩu do tăng thuế có thể khiến ngân sách nhà nước thất thu tới 16.000 tỷ đồng (tương ứng giảm nhập khẩu 2 triệu tấn phôi thép) do chênh lệch giữa giá trong trong nước và giá nhập khẩu. Đó là chưa kể đến thất thu ngân sách một khoản lớn do DN thua lỗ.

Chính vì vây, ông Hải khẳng định không nên áp dụng thuế tự vệ đối với phôi thép, mà quan trọng hơn, cần áp dụng biện pháp này đối với sản phẩm thép cuộn và thép thanh nhập khẩu.

“Hiện nay, sản phẩm thép cuộn và thép thanh sản xuất trong nước đã dư thừa. Cần đưa các biện pháp mạnh và hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phôi thép có hành vi gian lận thương mại”, ông Hải nhấn mạnh.

Không chỉ các DN mà ngay cả một số đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự quan ngại về những tác động tiêu cực của việc áp thuế tự vệ với thép nhập khẩu.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, sử dụng biện pháp phòng vệ mà không có sự cân nhắc kỹ lưỡng bài toán cân bằng lợi ích thì sẽ gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi của người tiêu dùng. Đó là chưa kể đến hệ lụy lâu dài khác là dẫn tới sự ỷ lại của các DN, chẳng những không khuyến khích DN trong nước gia tăng sức cạnh tranh trong hội nhập, mà vô tình còn tạo điều kiện cho một số DN tranh thủ đầu cơ tăng giá kiếm lời.

“Cần phải cân nhắc kỹ lưỡng việc áp thuế tự vệ trên cơ sở cân đối lợi ích tổng thể và hài hòa quyền lợi giữa nhà sản xuất trong nước và người tiêu dùng và quan trọng là phải tôn trọng quy luật thị trường, không để ảnh hưởng đến uy tín quốc gia”, đại biểu Bảo nhấn mạnh.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục