Áp lực tỷ giá vơi dần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giai đoạn căng thẳng nhất của tỷ giá USD/VND đã qua và theo dự báo của giới chuyên gia, USD sẽ “hạ nhiệt” dần trong năm 2024.
Kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất giúp USD hạ nhiệt so với các đồng tiền khác Kỳ vọng Fed sớm hạ lãi suất giúp USD hạ nhiệt so với các đồng tiền khác

Đồng Việt Nam tăng giá

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cùng chung nhận định: tháng 11 vừa qua, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng giảm 1,2% so với tháng trước, giúp thu hẹp mức tăng của USD so với VND về 2,7% so với đầu năm. Việc VND tăng giá so với USD trong giai đoạn này là nhờ diễn biến hạ nhiệt của USD. Việc tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng nhẹ 50 đồng/USD trong tháng đã tạo áp lực dòng tiền đầu cơ giữa hai thị trường này và mức biến động của tỷ giá trên thị trường tự do có thể liên quan đến biến động của giá vàng.

Một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết: “Trong tháng 11, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng có xu hướng giảm mạnh khoảng 300 - 350 điểm về quanh mức 24.250 - 24.270. Như vậy, tính từ đầu năm, tỷ giá USD/VND đã tăng gần 3% - mức khá ổn định so với các cặp tỷ giá trong khu vực”.

Theo phân tích của lãnh đạo BIDV, yếu tố chủ đạo khiến tỷ giá giảm bắt nguồn từ dịch chuyển từ môi trường quốc tế. Nếu như giai đoạn tháng 8 - 10, tâm điểm của thị trường xoay quanh chủ đề “lãi suất USD cao hơn, duy trì lâu hơn” thì bước sang tháng 11, số liệu về việc làm và lạm phát tại Mỹ có xu hướng hạ nhiệt rõ nét đã khiến thị trường trở lại kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) sẽ sớm hạ lãi suất trong năm 2024.

Quả vậy, tính đến thời điểm cuối tháng 11/2023, Fed được kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất khoảng 100 - 125 điểm cơ bản trong năm 2024, về quanh vùng 4,25 - 4,5%/năm, theo khảo sát của CME Group. Kỳ vọng này khiến đồng USD giảm giá rất mạnh trong tháng 11. Chỉ số DXY giảm khoảng 3% xuống mức 102 - 103 điểm, kéo theo đà tăng của một số đồng tiền trong khu vực so với USD như CNY tăng 2,5%, KRW tăng 4,5%, THB tăng 3,7%…

“Khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ, EU và một số quốc gia châu Á tăng lên, với kỳ vọng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể thoát khỏi suy thoái và tiến tới hạ cánh mềm trong năm 2024”, vị lãnh đạo BIDV chia sẻ.

Ở trong nước, cũng theo vị lãnh đạo BIDV, các yếu tố vĩ mô nhìn chung chưa có nhiều thay đổi. Cân đối cung - cầu ngoại tệ không quá dư dả, ở mức thâm hụt nhẹ khoảng 500 triệu USD trong tháng 11. Ngoài ra, chênh lệch lãi suất VND - USD vẫn duy trì mức âm sâu, kỳ hạn 1 tuần bình quân quanh khoảng âm 4%/năm trong bối cảnh thanh khoản VND ghi nhận trạng thái rất dồi dào.

Mặc dù tín dụng có xu hướng được đẩy nhanh hơn so với tháng trước nhưng vẫn chưa thực sự đột phá nếu so với cùng kỳ cũng như mức tăng của huy động vốn. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến 22/11/2023 đạt khoảng 8,21%, tăng khoảng 1% so với cuối tháng trước đó, tương đương với tăng trưởng huy động vốn và thấp hơn nhiều so với mức tăng 12% của cùng kỳ năm 2022.

“Các yếu tố này cơ bản tạo môi trường không thực sự thuận lợi để tỷ giá giảm sâu như giai đoạn cùng kỳ năm trước”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Tình hình trong tầm kiểm soát

Tháng 11 vừa qua, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng giảm 1,2% so với tháng trước đó, giúp thu hẹp mức tăng của USD so với VND về 2,7% so với đầu năm.

Nhìn chung, các chuyên gia phân tích đều nhận định, giai đoạn khó khăn nhất trong năm 2023 của thị trường ngoại tệ trong nước đã qua đi. Phân tích diễn biến thị trường, lãnh đạo BIDV cho rằng, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng cơ bản ổn định bởi không có yếu tố bất ngờ quá lớn.

Cụ thể, trên thị trường quốc tế, tâm điểm tiếp tục hướng tới các số liệu về lạm phát và việc làm của Mỹ cùng các thông điệp được đưa ra trong phiên họp định kỳ tháng 12 của Fed. Dự báo trước đó lên tới 95% về việc Fed sẽ tiếp tục giữ nguyên lãi suất ở mức hiện tại đã trở thành hiện thực khi ngày 13/12/2023, các quan chức Fed đã bỏ phiếu nhất trí giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5%/năm, mức cao nhất trong vòng 22 năm. Đáng chú ý, lần đầu tiên kể từ tháng 3/2021, các nhà hoạch định chính sách của Fed đã đưa ra dự báo sẽ không tăng thêm lãi suất.

Với nhận định lạm phát đang giảm với tốc độ mạnh hơn kỳ vọng, đồng thời kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm dần trong năm sau, Fed sẽ có dư địa để cắt giảm lãi suất mạnh hơn. Biểu đồ plot-plot công bố cho thấy, Fed sẽ giảm tổng cộng 75 điểm cơ bản trong năm sau, tăng 25 điểm so với thống kê trước đó và xác suất thị trường đang định giá Fed sẽ giảm tới 125 - 150 điểm cơ bản thông qua công cụ CME FedWatch. Điều này đã giúp lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đồng USD giảm mạnh, trong đó lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã về dưới vùng 4%/năm - thấp hơn 110 điểm cơ bản so với mức đỉnh vào tháng 10 năm nay…

“Thị trường đang phản ứng hơi thái quá về khả năng hạ lãi suất của Fed, đặt trong bối cảnh rủi ro về lạm phát tại Mỹ vẫn còn nhiều yếu tố bất định. Ngoài ra, triển vọng các nền kinh tế lớn khác như EU hay Trung Quốc đang không mấy khả quan. Theo đó, dự kiến đà giảm của DXY có thể chậm lại và trở nên giằng co trong tháng 12, biên độ quanh khoảng 101 - 104 điểm”, lãnh đạo BIDV nhận định.

Trong diễn biến có liên quan, cung - cầu ngoại tệ trong nước được nhận định tích cực hơn trong tháng cuối năm, với mức thặng dư ước tính khoảng 500 triệu đến 1 tỷ USD. Nguyên nhân, giai đoạn cuối năm thường là cao điểm của giải ngân FDI, dự kiến đạt khoảng 2,9 - 3,0 tỷ USD trong tháng 12, trong khi cán cân thương mại nhiều khả năng tiếp tục duy trì xu hướng thặng dư. Được biết, số liệu của Tổng cục Thống kê thông tin, cán cân thương mại hàng hóa trong 11 tháng đầu năm ước tính thặng dư khoảng 25,8 tỷ USD - mức kỷ lục từ trước đến nay.

“Thực tế cho thấy, biến động của tỷ giá trên thị trường tự do còn chịu nhiều ảnh hưởng từ giá vàng nhưng Ngân hàng Nhà nước cũng phát tín hiệu sẽ sửa đổi Nghị định 24/2012 theo hướng thị trường hơn và giảm chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế. Hay vẫn có yếu tố tạo áp lực lên tỷ giá như việc chênh lệch lãi suất VND - USD dự kiến duy trì mức âm sâu… nhưng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát khi Ngân hàng Nhà nước có thể bình ổn thị trường thông qua các công cụ của chính sách tiền tệ”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, giống như các đồng tiền châu Á khác, có vẻ như đợt bán tháo tiền đồng gần đây đã kết thúc. Tỷ giá USD/VND đã giảm xuống mức thấp hơn sau khi đạt mức dự báo 23.500 trong quý IV/2023 của UOB vào tháng 10, sau khi Fed phát đi tín hiệu có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất. Mặc dù VND đi theo xu hướng phục hồi ngoại hối rộng khắp châu Á, nhưng mức tăng có thể bị hạn chế do sự phục hồi kinh tế khiêm tốn vào năm 2024.

“Nhìn chung, dự báo USD/VND cập nhật của chúng tôi là 24.000 trong quý I/2024, 23.800 trong quý II/2024, 23.600 trong quý III/2024 và 23.500 trong quý IV/2024”, ông Quang nói.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục