Áp lực tỷ giá dịu bớt

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Nhiều khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất trong kỳ họp tháng 9 tới, điều này đang giúp giải tỏa bớt áp lực lên điều hành tỷ giá và lãi suất của Ngân hàng Nhà nước.
Áp lực tỷ giá dịu bớt

Kỳ vọng Fed giảm lãi suất lớn dần

Hàng loạt dữ liệu gần đây cho thấy các khía cạnh khó khăn của kinh tế Mỹ đang bộc lộ rõ ràng hơn, đáng chú ý nhất là thông tin về thị trường việc làm công bố vào ngày 2/8/2024. Cụ thể, số lượng việc làm phi nông nghiệp tạo mới trong tháng 7/2024 chỉ đạt con số 114.000, thấp hơn nhiều so với dự báo 175.000 và cũng là mức thấp kể từ năm 2021. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên mức 4,3%, cao nhất kể từ tháng 10/2021, đánh dấu tháng tăng thứ 4 liên tiếp, trong khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp có xu hướng tăng liên tục trong 3 tháng gần đây.

Đây chính là điểm kích hoạt quan trọng, tạo ra kỳ vọng mới của thị trường đối với chính sách điều hành của ngân hàng trung ương Mỹ giai đoạn tới theo hướng quá trình nới lỏng tiền tệ sẽ diễn ra nhanh hơn và mạnh hơn. Số đợt cắt giảm lãi suất trong phần còn lại của năm 2024 được kỳ vọng tăng từ 2 lần lên 3 lần và tổng mức cắt giảm tăng từ 0,5 - 0,75%/năm lên 1%/năm.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng BIDV cho rằng, Fed có thể chưa cần phải hạ lãi suất khẩn cấp, thay vào đó là hướng tới một giải pháp tương đối ôn hòa, chẳng hạn giảm lãi suất khoảng 0,25 - 0,5%/năm trong phiên họp tháng 9 và giảm 0,25%/năm trong các phiên họp tháng 11, 12/2024.

Với mối tương quan ngày càng chặt chẽ với thị trường tài chính - tiền tệ thế giới, thị trường liên ngân hàng Việt Nam ghi nhận xu hướng giảm đối với cả tỷ giá và lãi suất trong thời gian qua. Theo đó, tỷ giá USD/VND giảm thêm khoảng 0,7% trong tuần đầu tháng 8 trước khi phục hồi trở lại khoảng 0,3%, trong khi chênh lệch lãi suất VND - USD liên ngân hàng giảm khoảng 0,3 - 0,4%/năm.

“Tỷ giá USD/VND có thể hạ nhiệt”

“Với sự hỗ trợ rõ nét hơn từ môi trường quốc tế, thị trường liên ngân hàng trong nước đang thực sự tiến đến điểm xoay chiều sau một thời gian căng thẳng khá dài, đặc biệt đối với tỷ giá USD/VND”, vị lãnh đạo BIDV nhận định.

Tỷ giá USD/VND tăng tới 5% trong nửa đầu năm 2024 do sự phân kỳ chính sách tiền tệ của Mỹ và Việt Nam khiến lãi suất USD neo ở mức cao, đồng thời chênh lệch lãi suất VND - USD ở mức thấp. Theo vị lãnh đạo BIDV, trong những tháng cuối năm, cho dù mức độ giảm lãi suất của Fed là bao nhiêu thì đây sẽ là yếu tố cốt lõi giúp giảm áp lực cho tỷ giá USD/VND, bởi: Thứ nhất, hạn chế sức mạnh của đồng USD quốc tế; thứ hai, giúp tâm lý thị trường tích cực hơn; thứ ba, cải thiện cung - cầu ngoại tệ cơ bản.

“Cân đối cung - cầu ngoại tệ tổng thể sau khi thâm hụt trong quý II vừa qua dự báo có thể trở lại trạng thái cân bằng trong quý III và thặng dư nhẹ khoảng 1 tỷ USD trong quý IV/2024. Theo đó, tỷ giá USD/VND dự kiến sẽ trở nên ổn định hơn, dao động đi ngang là chủ đạo từ giờ đến cuối năm”, vị lãnh đạo BIDV nói.

Dựa trên các dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, áp lực mua ngoại tệ từ hoạt động nhập khẩu tăng cao trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng từ sự phục hồi của nền kinh tế trong nước. Nhu cầu mua ngoại tệ từ nhà đầu tư nước ngoài diễn ra sau hoạt động bán ròng trên thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh thị trường ngoại hối biến động, Ngân hàng Nhà nước đóng vai trò điều tiết, giúp duy trì thanh khoản ngoại tệ trên thị trường ổn định. Các chính sách, từ phát hành tín phiếu để tăng lãi suất tiền đồng, bán ngoại tệ giao ngay đến can thiệp thị trường vàng đang được vận dụng một cách linh hoạt.

“Các chính sách này cùng với các yếu tố cơ bản - thặng dư thương mại, giải ngân đầu tư trực tiếp nước ngoài khả quan… - sẽ góp phần giúp ổn định tỷ giá trong thời gian tới. Tỷ giá USD/VND có thể hạ nhiệt trong giai đoạn cuối năm khi Fed có thể giảm lãi suất vào tháng 9/2024”, ông Bùi Hải Dương, Giám đốc Bộ phận Kinh doanh vốn và tiền tệ, HSBC Việt Nam dự báo.

Hỗ trợ cho việc ổn định lãi suất

Áp lực tỷ giá dịu bớt tạo điều kiện cho duy trì mặt bằng lãi suất ổn định

Theo các chuyên gia nghiên cứu, tỷ giá leo thang căng thẳng ngay từ đầu năm đã đặt ra không ít thách thức cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, để vừa duy trì định hướng nới lỏng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế vừa cân bằng được với mục tiêu ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát. Do vậy, khi áp lực tỷ giá phần nào dịu bớt sẽ mở ra dư địa để Ngân hàng Nhà nước có thể điều tiết thanh khoản trên thị trường 2 lỏng tay hơn sau giai đoạn kiểm soát khá thận trọng vừa qua. Ngay trong phiên 5/8/2024, Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất OMO, tín phiếu 0,25%/năm về mức 4,25%/năm.

Bà Michele Wee, Tổng giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam nhận xét: “Các động thái từ Fed sẽ là yếu tố trọng yếu ảnh hưởng đến các quyết định chính sách của Ngân hàng Nhà nước”.

Dự báo được lãnh đạo BIDV đưa ra, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục giữ ổn định các định hướng trên thị trường 1 và tập trung vào nhóm công cụ trên thị trường 2, bao gồm việc gia tăng bơm ròng trên thị trường mở cũng như có thể giảm thêm lãi suất OMO/tín phiếu trong điều kiện thuận lợi.

Chênh lệch lãi suất VND - USD liên ngân hàng cơ bản đi ngang do cả lãi suất VND và lãi suất USD đều có xu hướng giảm: Lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm, 1 tuần dự kiến sẽ tiếp tục giảm dần về vùng lãi suất định hướng (OMO, tín phiếu) của Ngân hàng Nhà nước, tức là bình quân sẽ dao động quanh khoảng 4,0%/năm trong giai đoạn từ nay đến cuối năm. Trạng thái thanh khoản VND dự kiến có thể cải thiện khi các kênh hỗ trợ từ Ngân hàng Nhà nước và Kho bạc Nhà nước được mở rộng hơn do điều kiện bên ngoài thuận lợi hơn. Tuy nhiên, nền thanh khoản vẫn khá yếu và phụ thuộc lớn vào các dòng tiền hỗ trợ là yếu tố tiếp tục tạo áp lực lên mặt bằng lãi suất VND liên ngân hàng.

“Chênh lệch lãi suất VND - USD liên ngân hàng kỳ vọng sẽ tiếp tục giằng co quanh vùng hiện tại. Mặc dù lãi suất VND liên ngân hàng dự kiến sẽ giảm dần nhưng lãi suất USD liên ngân hàng cũng sẽ giảm ở mức tương ứng khoảng 0,75%/năm”, vị lãnh đạo BIDV nhận định

Trong khi đó, theo bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường ASEAN, Khối Nghiên cứu kinh tế toàn cầu, Ngân hàng HSBC, với áp lực tỷ giá được kiểm soát tương đối tích cực và lĩnh vực trong nước cần thêm thời gian để vững vàng hơn, HSBC kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách điều tiết và giữ lãi suất chính sách ổn định trong suốt thời gian dự báo, ở mức 4,5%/năm.

“Điều này có khả năng giúp Việt Nam đạt được mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 ở mức 6,5% mà chúng tôi kỳ vọng là nhanh nhất trong khu vực ASEAN”, bà Yun Liu nói.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo BIDV nhấn mạnh, bối cảnh vĩ mô hiện nay vẫn đang chứa đựng những rủi ro khó lường, khiến cho thị trường có thể biến động mạnh hơn. Trong đó, một số yếu tố rủi ro chính cần theo dõi trong giai đoạn từ nay đến cuối năm là khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ và lộ trình cắt giảm lãi suất của Fed. Đồng thời với đó là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và các chính sách nếu ông Donald Trump đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ mới. Ngoài ra là lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ của BOJ và hoạt động đóng trạng thái carry trade JPY cũng như căng thẳng địa chính trị tại một số khu vực trên thế giới (Trung Đông, Nga - Ukraine...).

Tỷ giá USD/VND đã liên tục giảm sâu trong những ngày gần đây. Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên hôm 19/8 ở mức 24.974 VND/USD và đây là lần đầu tiên kể từ tháng 4/2024, tỷ giá USD trên thị trường liên ngân hàng giao dịch ở dưới mức 25.000 đồng/USD.

Tính từ đầu tháng 8 đến nay, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng đã giảm hơn 1,3%.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục