Doanh thu và lợi nhuận đều tăng
Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 của SSC, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp ngành giống cây trồng này đều đã cải thiện so với nửa đầu năm 2018. Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 369 tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 46,8 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ.
SSC tạm thời đã đạt được chỉ tiêu kinh doanh sau nửa chặng đường đầu của năm 2019, với 51,25% kế hoạch doanh thu cả năm và 50% kế hoạch lợi nhuận.
Với kết quả này, SSC tạm thời đã đạt được chỉ tiêu kinh doanh sau nửa chặng đường đầu của năm 2019, với 51,25% kế hoạch doanh thu cả năm và 50% kế hoạch lợi nhuận. Trước đó, hồi tháng 4/2019, Đại hội đồng cổ đông SSC đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2019 của Công ty với mục tiêu doanh thu đạt 720 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 93,5 tỷ đồng.
Mặc dù về cơ bản đã đạt kế hoạch sau 6 tháng kinh doanh, nhưng các con số kinh doanh của SSC nổi lên những vấn đề khiến cổ đông chưa thể yên lòng, trong đó có việc giảm sút lợi nhuận trong quý II/2019 so với quý II/2018. Cụ thể, doanh thu quý II/2019 tuy có tăng 7,8% so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận lại sụt giảm 7,3%.
Nhìn vào lý do việc sụt giảm lợi nhuận dù doanh thu tăng, trong quý II/2019, tỷ lệ hàng bán bị trả lại tăng khá mạnh, với giá trị tuyệt đối đạt 5,7 tỷ đồng, tăng tới 338,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, Công ty vẫn phải thực hiện các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán như các giai đoạn trước và điều này khiến doanh thu thuần thực tế chỉ đạt 212,2 tỷ đồng, bằng 92,4% tổng doanh thu trong kỳ.
Lệ thuộc thu nợ ngắn hạn
Tại thời điểm sau khi SSC công bố báo cáo quý I/2019, trong đó chỉ tiêu các khoản phải thu ngắn hạn tăng mạnh so với đầu năm, ông Nguyễn Đình Nam, Phó tổng giám đốc SSC đã giải thích, lý do tăng khoản phải thu là do năm nay quy mô kinh doanh tăng và Công ty triển khai một số chính sách bán hàng để mở rộng thị trường. Theo ông Nam, toàn bộ các khoản phải thu của Công ty đều có tuổi nợ trong hạn mức và không có nợ xấu rủi ro phát sinh trong quý I.
Mặc dù về cơ bản đã đạt kế hoạch sau 6 tháng kinh doanh, nhưng các con số kinh doanh của SSC nổi lên những vấn đề khiến cổ đông chưa thể yên lòng.
Tuy nhiên, quy mô phải thu ngắn hạn của SSC không dừng ở con số hơn 140 tỷ đồng cuối quý I (tăng gấp đôi đầu năm), mà tiếp tục tăng mạnh lên 226,5 tỷ đồng vào cuối quý II/2019. Chỉ số này theo đó đã tăng 61,6% so với cuối quý I và tăng 263% so với đầu năm. Trong cơ cấu phải thu ngắn hạn tại thời điểm cuối quý II, phần lớn là các khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng với giá trị gần 169 tỷ đồng, tiếp đó là 51 tỷ đồng các khoản phải thu khác. Một số khoản khác như trả trước cho người bán ngắn hạn, phải thu về cho vay ngắn hạn… chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ.
Đến hết quý II, SSC tỏ ra vẫn kiểm soát được hoạt động thu nợ, nên chưa để phát sinh thêm đáng kể nợ ngắn hạn khó đòi, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi cuối quý II là 7,85 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với con số 7,76 tỷ đồng hồi đầu năm 2019. Tuy nhiên, việc gia tăng phải thu đang ngày càng tạo ra áp lực lớn hơn trong hoạt động quản trị tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp này.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong nửa đầu năm 2019 của SSC đã âm tới 107,2 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số âm 22 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Quy mô âm dòng tiền trong nửa đầu năm 2019 đã chiếm tới phân nửa doanh thu của doanh nghiệp. Việc bán hàng nhưng không thu được tiền buộc doanh nghiệp phải bù đắp nguồn tiền bằng tiền đi vay. Trong nửa đầu năm 2019, SSC phải đi vay thêm tới 84,6 tỷ đồng.
Nợ phải trả của SSC đã tăng vọt từ 130 tỷ đồng hồi đầu năm lên 289,6 tỷ đồng vào giữa năm. Quy mô nợ hiện tại của Công ty như trên tuy chưa phải ở mức cao so với vốn sở hữu 311,2 tỷ đồng, nhưng điều đáng chú ý, toàn bộ là nợ ngắn hạn. Theo đó, áp lực trả nợ sẽ dồn lên các tài sản ngắn hạn mà Công ty đang có trong tay, trong đó 2 khối tài sản đáng chú ý nhất là 189,7 tỷ đồng hàng tồn kho và 226,5 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn.
Với chính sách bán hàng trả chậm như của SSC đã thực hiện thì hàng tồn kho dù có được tiêu thụ thì dòng tiền chưa chắc đã về ngay và theo đó, gần như mọi gánh nặng thanh khoản của SSC đang trông đợi ở hoạt động thu nợ từ các khoản phải thu ngắn hạn. Điều này đồng nghĩa với khá nhiều rủi ro ẩn chứa, bởi nếu có bất cứ “tổn thương” nào của khoản này cũng có thể ảnh hưởng dây chuyền sang toàn bộ doanh nghiệp.