Không dùng hết, nguy cơ mất vốn
Hơn 80.800 tỷ đồng là số tiền được giải ngân từ Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 sau gần 1 năm triển khai. Con số này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2023.
Cho rằng đây là một kết quả đáng ghi nhận, góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh phục hồi, song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận, tình hình triển khai một số chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã hết thời gian thực hiện, một số chính sách có kết quả thực hiện còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra.
“Việc phân bổ vốn chi đầu tư phát triển thuộc Chương trình còn chậm. Số vốn dự kiến bố trí cho một số dự án có thể không được phân bổ, nếu không báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng thời hạn, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng nguồn lực của Chương trình”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Tại báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, không quá khó để nhận ra, việc triển khai hỗ trợ lãi suất rất chậm so với yêu cầu đề ra. Cụ thể, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội đã quyết nghị cho sử dụng tối đa 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, với con số đạt được là hơn 134 tỷ đồng, thì mới có khoảng 0,3% tổng nguồn lực được thực thi.
Thông tin cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang phối hợp với các cơ quan liên quan sửa đổi Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ để tạo điều kiện triển khai thuận lợi hơn. Tuy nhiên, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nguồn lực còn lại để thực hiện chính sách còn rất lớn, khả năng đến hết năm 2023 sẽ không giải ngân hết.
“NHNN cần nhanh chóng tính toán, xác định số tiền dự kiến không sử dụng hết và đề xuất phương án xử lý để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị.
Không chỉ với chính sách hỗ trợ lãi suất 2%, ngay cả nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 sau khi sử dụng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, cũng vẫn còn dư hơn 2.856 tỷ đồng.
Chưa kể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vẫn còn khoảng 14.151 tỷ đồng kế hoạch vốn của Chương trình chưa được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong số này, 9.605 tỷ đồng của các dự án đã hoàn thiện thủ tục đầu tư, đang lấy ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ; 1.214 tỷ đồng của 9 dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư; và 3.332 tỷ đồng của các dự án chưa được thông báo vốn.
Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, TP.HCM, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Điện Biên, Bình Phước, Ninh Thuận là những địa phương chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình. Bộ Y tế và Bộ Giao thông - Vận tải (chủ quản của Dự án Nâng cấp đoạn Km18-Km80, Quốc lộ 4B) được nhắc tới vì chưa có phương án phân bổ chi tiết đối với các dự án của mình.
Hiềm một nỗi, theo quy định của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, sang ngày 31/3/2023, số vốn đầu tư phát triển thuộc Chương trình còn lại chưa được Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sẽ không thực hiện phân bổ tiếp. Nguy cơ “mất vốn”, gây lãng phí nguồn lực vì thế là không nhỏ.
Gấp rút… tiêu tiền
Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội đã dành 176.000 tỷ đồng cho đầu tư phát triển. Trong số này, Thủ tướng đã giao 147.138 tỷ đồng cho 94 nhiệm vụ, dự án. Riêng số tiền của kế hoạch năm 2022 là 38.155 tỷ đồng.
Số vốn trên đã được giải ngân bao nhiêu vẫn chưa được Bộ Tài chính thống kê và thực tế, chắc chắn giải ngân cũng không lớn, bởi phải tới gần tới cuối năm ngoái, nguồn vốn này mới được phân bổ. Chính vì thế, nếu tính gộp vào hơn 707.000 tỷ đồng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước năm 2023 (bao gồm hơn 100.000 tỷ đồng của Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội), thì số tiền “phải tiêu” trong năm 2023 là rất lớn.
Có một điểm tích cực, đó là ngay từ đầu năm nay, Chính phủ đã rất quyết liệt trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm. Ngày đầu năm mới 2023, đồng loạt 12 dự án thành phần của Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã được khởi công. Tại sự kiện đó, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã phát động Phong trào thi đua “Xuân Quý Mão trên các công trường giao thông”, còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát động Tháng cao điểm giải ngân đầu tư công, thi công “xuyên Tết” tại các dự án giao thông chiến lược, quan trọng.
Nhờ nỗ lực đó, tính đến hết niên hạn ngân sách năm 2022 (ngày 31/1/2023), giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt 92,97% kế hoạch Thủ tướng giao. Tuy nhiên, giải ngân vốn đầu tư công của tháng đầu năm 2023 vẫn chậm, chỉ đạt 1,81% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong khi cùng kỳ năm 2022 đạt 2,% kế hoạch. Đáng chú ý, giải ngân vốn nước ngoài là “0” đồng.
Có lý do tháng 1 là tháng Tết, cũng có lý do tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương vẫn đang tập trung triển khai phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục đầu tư để giải ngân kế hoạch vốn. Nhưng tăng tốc tiêu tiền, gấp rút tiêu tiền vẫn luôn là yêu cầu hàng đầu.
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 1/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, phải tăng cường quản lý chặt chẽ nguồn vốn đầu tư công hơn 700.000 tỷ đồng, thúc đẩy tiến độ dự án lớn, quan trọng, có tính lan tỏa cao, nhất là công trình giao thông trọng điểm.
“Phải đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm; khẩn trương phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 theo đúng nguyên tắc, tiêu chí quy định; làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án, bố trí kế hoạch vốn”, Thủ tướng chỉ đạo.
Trong khi đó, với Chương trình Phục hồi và Phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hoàn thành kế hoạch phân bổ vốn còn lại (14.100 tỷ đồng), đồng thời đánh giá khả năng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2%; đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh trước ngày 15/2/2023.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm nay, số vốn cần giải ngân hơn 700.000 tỷ đồng, nên sức ép phía trước là rất lớn. “Công tác chỉ đạo điều hành, giám sát, triển khai thực hiện cần phải đồng bộ để giải ngân hết được số vốn này”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, điểm thuận lợi là năm nay, trong công tác chuẩn bị dự án, việc thẩm định và phê duyệt dự án sẽ giảm sức ép hơn năm 2022. “Đây là điều kiện tốt để bước vào thi công giải ngân ngay những tháng đầu năm”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong số hơn 80.800 tỷ đồng đã được giải ngân, cho vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 16.036 tỷ đồng, hỗ trợ lãi suất 878 tỷ đồng; hỗ trợ tiền thuê nhà đạt 3.744 tỷ đồng; hỗ trợ 2% lãi suất đạt hơn 134 tỷ đồng; giảm thuế, phí, lệ phí 52.623 tỷ đồng, còn hỗ trợ chi phí cơ hội thông qua gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất là 7.400 tỷ đồng.