Áp lực thúc đổi mới sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đổi mới sáng tạo được coi là yếu tố quan trọng nhất để các doanh nghiệp tồn tại và tăng trưởng, góp phần giúp Việt Nam trở thành nước phát triển.
Đổi mới, sáng tạo để thích ứng với bối cảnh bất định, sẵn sàng vượt qua thách thức và nắm bắt những cơ hội Đổi mới, sáng tạo để thích ứng với bối cảnh bất định, sẵn sàng vượt qua thách thức và nắm bắt những cơ hội

Tại Lễ công bố danh sách các doanh nghiệp sáng tạo và kinh doanh hiệu quả Việt Nam 2024 do Báo Đầu tư phối hợp cùng Công ty cổ phần Nghiên cứu kinh doanh Việt Nam tổ chức ngày 24/6/2024, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, chưa bao giờ Việt Nam phải đối diện với áp lực phát triển như hiện nay. Thời điểm hiện tại có lẽ là cơ hội cuối cùng để Việt Nam có thể vượt qua áp lực và đạt được các mục tiêu phát triển.

“Chúng ta chỉ còn cơ hội trong khoảng 25 năm nữa để trở thành nước phát triển. Đây là cơ hội cuối cùng để Việt Nam có thể bắt kịp với thế giới. Để đạt được điều đó, Việt Nam cần phải giữ được tốc độ tăng trưởng GDP trung bình khoảng 6,5%”, ông Thành nhấn mạnh.

Theo đó, vai trò của doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng, thậm chí còn là vai trò trung tâm. Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp như cần ban hành chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới; có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp; có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu...

PGS.TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore đánh giá, Việt Nam có tiền đề tốt để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, nhưng chỉ còn 2 thập kỷ để nỗ lực.

Thực tế cho thấy, các xu hướng lớn của xã hội, tiến bộ công nghệ đột phá và cạnh tranh giữa các đối thủ truyền thống và những đối thủ mới ngày càng quyết liệt, nhưng cũng chứa đựng tiềm năng lớn nhất cho tăng trưởng và chuyển đổi. Doanh nghiệp nào có thể chứng minh họ mang đến những giá trị mới, cách tân và khác biệt cho các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng sẽ nắm bắt được tiềm năng đó và có sự chuẩn bị cho chính mình trước thành công trong giai đoạn tiếp theo của thị trường.

Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhận xét, Việt Nam đang có những tiến bộ vượt bậc trong việc phát triển công nghệ, áp dụng số hóa trong cải tiến và ra mắt những sản phẩm mới của cộng đồng doanh nghiệp. Đã có những doanh nghiệp đi vào lĩnh vực rất mới và khó như sản xuất chip, công nghệ dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, sản xuất xe điện. Những xu hướng phát triển mới như phát triển xanh, phát triển bền vững, tiến tới các chuẩn mực ESG ở mức cao cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống của các doanh nghiệp tại Việt Nam.

Những nỗ lực đó đã giúp sản phẩm “made in Việt Nam” tham gia tốt hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều thị trường khó tính được chinh phục, thể hiện rõ qua số liệu về thành tựu xuất khẩu hàng hóa được duy trì, giúp nâng tầm vị thế thương hiệu quốc gia trên toàn cầu.

Trong bối cảnh sân chơi kinh tế toàn cầu và trong nước đang diễn ra những cuộc chuyển đổi căn bản và sâu sắc về dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuyển đổi xanh, cách mạng trí tuệ nhân tạo, biến đổi về địa chính trị, thương mại quốc tế, nhân khẩu học, các doanh nghiệp toàn cầu và Việt Nam trong tất cả các ngành kinh tế chủ lực không có cách nào khác là phải liên tục tái cơ cấu và đổi mới, sáng tạo để thích ứng với bối cảnh bất định, sẵn sàng vượt qua thách thức và nắm bắt những cơ hội.

Anh Quý

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục