Áp lực ở ngưỡng 1.300 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Sau 2 ngày VN-Index ở trên ngưỡng 1.300 điểm, chỉ số chung trong phiên cuối tuần qua đã lùi xuống dưới 1.280 điểm.
Áp lực ở ngưỡng 1.300 điểm

VN-Index có thể sẽ dao động tích lũy

Không ngạc nhiên khi áp lực bán gia tăng khiến VN-Index giằng co tại ngưỡng kháng cự 1.300 điểm, khi đây vẫn là ngưỡng mà chỉ số chưa thể thực sự chinh phục thành công kể từ giữa năm 2022.

Tính cả tuần giao dịch từ ngày 10 - 14/6/2024, VN-Index ghi nhận mức giảm 0,6%, đóng cửa tại 1.279,52 điểm. Như vậy, tuy tăng vượt đỉnh 2 năm gần nhất vào đầu tuần, chỉ số đã không chịu được áp lực bán mạnh nên sụt giảm vào phiên cuối tuần. Trong tuần giảm điểm này, thanh khoản gia tăng so với 2 tuần giao dịch trước đó và còn mạnh hơn so với bình quân 10 tuần, giá trị giao dịch xoay quanh mức 25.000 tỷ đồng/phiên.

Trong bối cảnh nhóm nhà đầu tư nước ngoài liên tục rút ròng từ các thị trường mới nổi, khối ngoại tại Việt Nam duy trì động thái bán ròng kể từ đầu năm 2024 tới nay, với tổng giá trị hơn 40.000 tỷ đồng. Con số bán ròng tuần qua là 5.400 tỷ đồng, tập trung vào các cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, VHM, HPG. Tổ chức trong nước và nhà đầu tư cá nhân đã cùng nhau trở thành động lực chính cân bằng áp lực từ phía nhà đầu tư ngoại, khi giá trị mua ròng lần lượt là gần 2.000 tỷ đồng và 3.300 tỷ đồng.

Với dòng tiền nội vững mạnh, VN-Index được hỗ trợ vượt qua ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Tuy nhiên, với diễn biến tăng điểm kéo dài từ đầu năm đến hiện tại, tổng mức tăng 14%, thì động lực trong ngắn hạn dần trở nên suy yếu. Chỉ số nhiều khả năng tiếp tục có nhịp điều chỉnh ngắn hạn về 1.250 điểm để tích lũy cho giai đoạn tiếp theo.

Ngành hạ tầng - hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công

Năm 2024 là năm thứ 4 trong kế hoạch triển khai vốn đầu tư ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025. Hiện tại, lượng vốn phân bổ cho giai đoạn 2024 - 2025 khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, đó là một con số tương đối lớn trong kế hoạch chi tiêu của Chính phủ. Cũng phải nhắc lại, tổng kế hoạch vốn đầu tư công cho năm 2024 khoảng 657.000 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện năm 2023, trong đó khoảng 62% sẽ được phân bổ cho các công trình hạ tầng giao thông. Có thể thấy, định hướng đầu tư công trong giai đoạn tới vẫn được tập trung vào phát triển mạng lưới giao thông và hạ tầng.

Hiện nay, tốc độ phát triển hạ tầng ở Việt Nam, đặc biệt là mạng lưới cao tốc đang được đẩy nhanh hơn rất nhiều so với giai đoạn trước năm 2020. Chỉ riêng trong năm 2023, chúng ta đã hoàn thiện và đưa vào khai thác gần 500 km đường cao tốc, nâng tổng chiều dài của hệ thống cao tốc Việt Nam lên hơn 1.800 km. Số kilômét đường cao tốc được hoàn thiện trong 3 năm trở lại đây gần gấp đôi so với 10 năm trước đó.

Trong các giai đoạn trước, đầu tư công của Chính phủ có tác động tương đối lớn đến nhiều ngành kinh doanh và nền kinh tế chung. Đầu tư cơ sở hạ tầng trong nhiều năm đóng vai trò là một công cụ thúc đẩy các ngành nghề như xây dựng, bất động sản, tài chính tăng trưởng, từ đó hiệu ứng được lan tỏa qua các ngành nghề khác trong nền kinh tế.

Mặc dù hiện tại, với việc ngành bất động sản gặp nhiều khó khăn, hiệu ứng lan tỏa của đầu tư công không còn như trước, nhưng việc phát triển cơ sở hạ tầng đang tạo động lực trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, cũng như góp phần tạo nên tăng trưởng về mặt doanh thu và lợi nhuận cho các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng.

Trong thời gian tới, nhiều dự án hạ tầng sẽ tiếp tục được triển khai theo hình thức hợp tác công tư (PPP). Khó khăn trước mắt của các doanh nghiệp hạ tầng là việc tiếp cận nguồn vốn cho các dự án, mặc dù dòng tiền trả nợ của các dự án hạ tầng thường được đảm bảo bằng nguồn thu từ thu phí BOT nhưng việc tiếp cận nguồn tín dụng vẫn còn một số hạn chế nhất định. Do đó, kỳ vọng trong tương lai gần sẽ có một số thay đổi từ phía nhà điều hành để có thể đáp ứng được mục tiêu giải ngân đầu tư của Chính phủ giai đoạn 2021 - 2025.

Bài viết được cung cấp bởi, Công ty Cổ phần Chứng Khoán KAFI

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục