Áp lực lợi nhuận ngân hàng dồn vào quý IV

(ĐTCK) Hoạt động tín dụng đã có cải thiện, song không phải nhà băng nào cũng có mức tăng trưởng dư nợ cao, thậm chí vẫn âm trong 8 tháng đầu năm. Quý IV được các nhà băng kỳ vọng sẽ đóng góp tích cực cho chỉ tiêu lợi nhuận cả năm, song có dễ?
Áp lực lợi nhuận ngân hàng dồn vào quý IV

Dự phòng tiếp tục ăn mòn lợi nhuận 6 tháng

Bên cạnh nhóm ngân hàng TMCP có vốn nhà nước và một số nhà băng quy mô lớn (ACB, Techcombank, MB…) tăng trưởng lợi nhuận khá tốt, vẫn còn nhiều nhà băng có kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong 2 quý đầu năm.

Chẳng hạn, tại Kienlongbank, lợi nhuận 6 tháng đầu năm không bằng 20% cùng kỳ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm, tổng tài sản của Ngân hàng tăng trưởng 5% so với đầu năm đạt trên 26.000 tỷ đồng; cho vay khách hàng đạt 16.800 tỷ đồng, tăng trưởng 3,8%. Tiền gửi của khách hàng đạt 21.500 tỷ đồng, tăng 7,2% trong nửa đầu năm nay. Thu nhập lãi thuần của Ngân hàng trong 6 tháng giảm 8,5% so với cùng kỳ, đạt 375 tỷ đồng. Nhưng chi phí hoạt động trong kỳ cũng tăng đột biến lên 315 tỷ đồng, tăng gần 19%, cùng với đó là chi phí dự phòng rủi ro tăng gấp rưỡi khiến Ngân hàng chỉ đạt 28,6 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Lợi nhuận 6 tháng đầu năm của ABBank và TPBank cùng giảm tới 40% so với cùng kỳ, trong đó ABBank đạt 104 tỷ đồng và TPBank là 205 tỷ đồng. Thông tin từ ABBank cho hay, sở dĩ lợi nhuận sụt giảm trong 6 tháng đầu năm nay là do dự phòng rủi ro tín dụng của Ngân hàng tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015, với mức 316 tỷ đồng,.

Trong quý II/2016, SCB đã cải thiện các hoạt động kinh doanh khá tốt, chi phí hoạt động cũng được tiết giảm, song chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng đột biến từ 420 tỷ đồng lên 1.038 tỷ đồng đã bào mòn gần hết kết quả lợi nhuận.

Không chỉ những ngân hàng nói trên, mà cả với những nhà băng quy mô lớn như Eximbank, Vietinbank, BIDV, Vietcombank… cũng khó tránh khỏi sụt giảm lợi nhuận do dự phòng nợ xấu gia tăng.

Trong quý II, tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Eximbank là 372 tỷ đồng, tăng mạnh 90% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, dự phòng rủi ro cũng tăng gần gấp đôi lên 324 tỷ đồng. Sau trích lập dự phòng, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng trong kỳ chỉ còn 49 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng chỉ đạt vỏn vẹn… 79 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ năm trước. Mới đây, Eximbank đã điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm còn 400 tỷ đồng (thay vì 720 tỷ đồng như kế hoạch ban đầu).

Kết thúc quý II, VietinBank ghi nhận 1.867 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 19% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là trong kỳ, chi phí hoạt động của Ngân hàng tăng 25% và chi phí dự phòng tăng đột biến 52% đã ảnh hưởng lớn đến kết quả lợi nhuận cuối cùng.

Theo tính toán của một chuyên gia tài chính – ngân hàng, trích lập dự phòng năm 2016 toàn ngành ngân hàng được dự báo tăng mạnh lên khoảng 91.374 tỷ đồng, cao hơn hẳn so với con số 74.828 tỷ đồng năm 2015 và 59.287 tỷ đồng năm 2014. Trong đó, dự phòng nợ xấu trong năm 2016 là 53.098 tỷ đồng, trái phiếu VAMC khoảng 38.276 tỷ đồng. 

Áp lực kinh doanh quý IV

Tín dụng được cải thiện trong 6 tháng đầu năm đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của nhiều nhà băng, song dự phòng rủi ro chưa thể giảm khiến lợi nhuận ngân hàng teo tóp. Các nhà băng kỳ vọng, hoạt động cho vay sẽ tiếp tục cải thiện tác động tích cực lên kết quả kinh doanh cuối năm. Đó cũng là lý do để các ngân hàng tăng tốc trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Ông Võ Văn Châu, Tổng giám đốc Kienlongbank cho rằng, những tháng cuối năm là thời điểm tốt để ngân hàng đẩy mạnh cho vay. Hiện Kienlong Bank đang triển khai nhiều gói vay ưu đãi lãi suất để kích cầu tín dụng. Với việc nửa năm chỉ thực hiện chưa đầy 10% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm 300 tỷ đồng, áp lực của Kienlong Bank trong 6 tháng cuối năm, đặc biệt là quý IV rất lớn.  

Với NCB, 6 tháng đầu năm, Ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 12,2 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với mức 1,7 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Theo NCB, việc lợi nhuận tăng trưởng tốt là nhờ Ngân hàng đẩy mạnh các chương trình bán hàng, đa dạng hóa sản phẩm. Tuy nhiên, chỉ tiêu lợi nhuận 171 tỷ đồng cả năm nay có thể là thách thức lớn đối với NCB.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của VietABank đạt 93,7 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước, một phần nhờ cho vay khách hàng đạt gần 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng 23%. Tiền gửi của khách hàng đạt 29.000 tỷ đồng, tăng 19,5%. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng giảm từ 2,25% tại thời điểm đầu năm xuống còn 0,97%. Tuy nhiên, nợ có khả năng mất vốn vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu nợ xấu, với hơn 230 tỷ đồng. Trong kỳ, chi phí hoạt động tăng 12,7% lên 115 tỷ đồng và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 9% lên 54 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng quý II/2016 của BacABank cũng tăng đột biến lên tới 151 tỷ đồng, gấp 7 lần cùng kỳ, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của Ngân hàng, lãi trước thuế 149 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận trước thuế đạt 271 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đặt ra cho năm nay ở mức 400 tỷ đồng tại BacA Bank và VietA Bank dự kiến đạt 201,4 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 74,67% so với năm 2015 vẫn được xem là mục tiêu lớn. VietA Bank cho biết, sẽ kiểm soát các chi phí để đảm bảo mức tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn điều lệ bình quân năm 2016 là 5,7%. Trong khi đó, ở Saigonbank, 6 tháng đầu năm nay cũng đạt 143,464 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế so với mức đạt được của cùng kỳ năm trước là 122,209 tỷ đồng. Theo kế hoạch đưa ra, Saigonbank dự kiến đạt 130 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay.

Các nhà băng kỳ vọng tín dụng tăng trưởng tốt trong quý còn lại của năm sẽ tác động tích cực lên lợi nhuận. Quả thực, lợi nhuận nhiều nhà băng (ACB, MB, Techcombank, Vietcombank…) đạt mức khả quan trong 6 tháng đầu năm nay chính nhờ tín dụng tăng trên dưới 10%. Lãnh đạo các nhà băng cho rằng, việc đẩy mạnh tín dụng ở quý IV sẽ là cơ hội để hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận. Theo ACB, 6 tháng đầu năm, dư nợ tăng 10% thì nửa cuối năm còn lại khả năng sẽ cao hơn nên ACB tự tin với chỉ tiêu lợi nhuận 1.503 tỷ đồng trước thuế năm nay. 6 tháng đầu năm 2016, ACB đạt 828 tỷ đồng trước thuế.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra cho thấy, gần 8 tháng đầu năm nay, tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng trên 9% và nhận định được đưa ra từ chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh sẽ tiếp tục cải thiện trong quý còn lại. Bởi đây là thời điểm vào mùa kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của cá nhân. Tuy nhiên, ông Minh cho rằng, chi phí dự phòng vẫn là mối lo đối với chỉ tiêu lợi nhuận của ngân hàng. Thực tế cho thấy, dự phòng rủi ro của nhiều ngân hàng tăng mạnh cuối năm, dẫn đến thua lỗ khiến lợi nhuận lũy kế cả năm đạt được rất thấp so với chỉ tiêu đưa ra.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục