Lợi nhuận ngân hàng, những con số nhỏ dần

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2016 của các ngân hàng bắt đầu được hé lộ, song mới tập trung tại các ngân hàng TMCP với những con số lợi nhuận không còn “khủng” như trước…
86,5% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể của năm 2016 sẽ tốt hơn so với năm 2015 86,5% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể của năm 2016 sẽ tốt hơn so với năm 2015

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, 6 tháng đầu năm nay, hoạt động SCB nhìn chung ổn định. Ngân hàng đã bán được hơn 1.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Hoạt động tín dụng có khởi sắc do khối bán lẻ hoạt động hiệu quả, bên cạnh đó, việc bán chéo qua ngân hàng hay các dịch vụ phi tín dụng… đều tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Huy động tính đến cuối tháng 6 đạt khoảng 13%, trong khi cho vay tăng trưởng xấp xỉ 10% và lợi nhuận đạt hơn 80 tỷ đồng.

Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 khá tích cực. Cụ thể, tổng tài sản đạt khoảng 56.000 tỷ đồng, đạt 101% kế hoạch; huy động đạt gần 50.000 tỷ đồng, đạt 102% kế hoạch; tổng dư nợ xấp xỉ 36.000 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch và lợi nhuận là 224 tỷ đồng, đạt 110% kế hoạch. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,9%.

Ông Trần Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc NamA Bank chia sẻ, 6 tháng đầu năm 2016, Ngân hàng huy động vượt kế hoạch, đạt gần 32.000 tỷ đồng; cho vay xấp xỉ 26.300 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 165 tỷ đồng; tổng tài sản đạt khoảng 39.000 tỷ đồng…, các chỉ tiêu hoàn thành từ 98-104% kế hoạch đặt ra.

“Tuy nhiên, do xuất phát điểm của NamA Bank còn thấp, nên với room tín dụng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao là 25%, NamA Bank đã sử dụng hết và đang xin tăng thêm”, ông Tâm nói.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp VPBank cho biết, do Ngân hàng vẫn đang trong quá trình hoàn thiện sổ sách, nên các số liệu về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 sẽ được công bố vào khoảng cuối tháng 7.

“Nhìn chung, quy mô của VPBank vẫn tăng, nhưng chậm hơn so với trước; lợi nhuận không có những đột biến do tình hình kinh tế 6 tháng vẫn còn nhiều khó khăn. Cùng với đó là các khoản nợ chuyển nhóm nên Ngân hàng phải chủ động trích lập dự phòng rủi ro, khiến lợi nhuận khó tích cực”, vị lãnh đạo trên nói.

Đầu tuần này, TPBank, ngân hàng đầu tiên công bố kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 cho thấy, các chỉ tiêu chính đều đạt và vượt kế hoạch đề ra, huy động vốn, dư nợ cho vay tăng trưởng tốt. Cụ thể, huy động thị trường 1 từ các tổ chức và dân cư tăng 7.400 tỷ đồng, tương đương 18,4% so với đầu năm. Dư nợ cũng tăng gần 7.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18% kể từ đầu năm. Tại thời điểm 30/6/2016, các tỷ lệ an toàn theo quy định của TPBank đều đảm bảo, trong đó tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng trên vốn huy động (LDR) là 74%, khá an toàn và thanh khoản dồi dào. Nhờ chú trọng công tác quản trị rủi ro nên chất lượng tín dụng của TPBank khá lành mạnh, với nợ xấu ở mức 0,56%, thấp hơn so với năm trước.

Tính đến cuối tháng 6/2016, tổng tài sản của TPBank đạt hơn 83.200 tỷ đồng, tăng 61% so với cùng kỳ 2015, tuy nhiên, lợi nhuận lũy kế 6 tháng chỉ đạt 205 tỷ đồng sau khi đã thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro. Được biết, tại ĐHCĐ 2016, TPBank này đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2016 đạt 695 tỷ đồn. Nguyên nhân của con số lợi nhuận khiêm tốn này được một lãnh đạo cao cấp của TPBank cho biết là do ngân hàng triển khai nhiều chương trình ưu đãi giảm lãi suất cho vay, hưởng ứng chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và Thống đốc NHNN nên lợi nhuận suy giảm.

Nợ xấu, lãi suất cho vay liên tục giảm, đầu ra tín dụng tăng thấp hơn rất nhiều so với huy động vốn đã khiến cho bức tranh lợi nhuận ngân hàng chưa có nhiều điểm sáng… Đa số các lãnh đạo ngân hàng trong cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán đều cho biết, kế hoạch từ nay đến cuối năm 2016 là tiết giảm chi phí tối đa, nâng cao hiệu suất, tập trung xử lý nợ xấu… để đạt kế hoạch kinh doanh ĐHCĐ đặt ra.

Dẫu sao, các số liệu trên mới chỉ từ phía các ngân hàng TMCP cổ phần, dự kiến đến cuối tháng này, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước sẽ công bố kết quả kinh doanh với những con số “bom tấn”.

Theo kết quả tổng hợp cuộc điều tra mới nhất về xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng (TCTD) do Vụ Dự báo thống kê (NHNN) tiến hành cho biết, khoảng 67,4% TCTD nhận định tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn, tuy nhiên, mức độ cải thiện chủ yếu vẫn là “cải thiện ít” (51,7% TCTD). Hầu hết các TCTD đều kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ tiếp tục phục hồi bền vững trong quý III và trong cả năm 2016, khoảng 86,5% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh tổng thể của năm 2016 sẽ tốt hơn so với năm 2015, trong đó có 29% TCTD kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ được “cải thiện nhiều”.

Hồng Dung

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục