Áp lực dự phòng gia tăng với các ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong 6 tháng đầu năm 2021, nợ xấu của ngành ngân hàng nhìn chung tăng không đáng kể, nhưng dự báo thời gian tới có nguy bùng phát.
Tính đến ngày 31/5/2021, toàn hệ thống ngân hàng có khoảng 425.400 tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: Dũng Minh Tính đến ngày 31/5/2021, toàn hệ thống ngân hàng có khoảng 425.400 tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: Dũng Minh

Nợ xấu tăng vì dịch bệnh

Theo cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc Ngân hàng Nhà nước, dưới tác động của dịch Covid-19, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng từ mức 1,69% cuối năm 2020 lên 1,78% vào cuối tháng 4/2021.

Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đến cuối năm 2021, tỷ lệ nợ xấu nội bảng và tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống có khả năng sẽ cao hơn so với mức đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Tờ trình số 08/TTr-NHNN ngày 24/2/2021. Dự kiến, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ở mức 2 - 3%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống ở mức 4 - 4,5%.

Thực tế, nợ xấu tại nhiều ngân hàng tính đến cuối tháng 6/2021 có diễn biến tăng so với đầu năm như tỷ lệ nợ xấu của Vietinbank tăng từ dưới 1% lên 1,38%; tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 110%.

Việc giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế.

Tương tự, tại Vietcombank, tỷ lệ nợ xấu tăng từ 0,6% lên 0,91%; số dư nợ xấu tăng hơn 31%, lên 8.353 tỷ đồng; tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm từ 380% xuống 280%.

Tuy nhiên, các nhà băng vẫn đạt kết quả kinh doanh khả quan trong nửa đầu năm 2021. Vietcombank ước lãi trước thuế hơn 14.500 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020. Năm nay, Ngân hàng đặt mục tiêu đạt lợi nhuận 25.580 tỷ đồng. Với VietinBank, 6 tháng đầu năm ước lãi trước thuế 13.000 tỷ đồng, hoàn thành 3/4 mục tiêu cả năm là 16.800 tỷ đồng.

TS. Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế nhận định, việc giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Ngân hàng không phải trích lập dự phòng, làm giảm chi phí dự phòng, gia tăng lợi nhuận, nhưng rủi ro gia tăng. Nợ xấu hệ thống ngân hàng sẽ tăng lên khi hết thời hạn giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ của khách hàng bị tác động bởi dịch Covid-19.

Đặc biệt, làn sóng dịch Covid-19 thứ tư đang diễn biến phức tạp, nợ xấu có nguy cơ bùng phát. Một trong những khuyến nghị được đưa ra là cần sớm luật hóa công tác xử lý “cục máu đông” nợ xấu.

Trên cơ sở giám sát về nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến tình hình nợ xấu, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Cơ quan này cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng đánh giá thực trạng hoạt động, ảnh hưởng của dịch bệnh và xây dựng kế hoạch, lộ trình xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2022. Ngân hàng Nhà nước sẽ rà soát, xây dựng các kịch bản xử lý nợ xấu đến cuối năm 2021 và năm cuối 2022.

Tăng cường bao phủ nợ xấu

Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng yêu cầu các tổ chức tín dụng thực hiện quyết liệt các biện pháp để thu hồi nợ xấu, nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro; thực hiện dự thu lãi, thoái các khoản lãi dự thu theo đúng quy định, nghiêm túc thực hiện việc dự thu lãi đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN và Thông tư 03/2021/TT-NHNN.

Được biết, 6 tháng đầu năm 2021, Techcombank đã trích lập dự phòng rủi ro hơn 1.400 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 6/2021 là 259%, tăng so với mức 171% tại thời điểm cuối năm 2020 và mức 109% tại thời điểm 30/6/2020. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu cuối quý II/2021 ở mức 0,4%, không tăng so với cuối quý I và thấp hơn mức 0,9% thời điểm quý II/2020. Nợ tái cơ cấu theo chương trình hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 giảm còn 2.700 tỷ đồng, tương đương 0,8% dư nợ. Khoảng 67% số khách hàng trong chương trình này đã hoàn tất hoặc trả một phần nợ tái cơ cấu.

Làn sóng Covid-19 thứ tư đang tác động mạnh mẽ lên các doanh nghiệp, khiến nợ xấu ngân hàng dần gia tăng.

Tương tự, báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 của MB cho thấy, cuối tháng 6/2021, Ngân hàng có 2.530 tỷ đồng nợ xấu, giảm 22% so với cùng kỳ năm 2020 và chiếm 0,76% tổng dư nợ. Trong đó, nợ nhóm 3 tăng 30%, nhưng nợ nhóm 4 và nhóm 5 giảm (riêng nợ nhóm 5, tức là các khoản nợ có khả năng mất vốn, giảm 56%). Tỷ lệ nợ xấu/cho vay của MB giảm từ 1,09% cuối năm 2020 xuống 0,76%. Vậy nhưng, Ngân hàng vẫn tăng chi phí dự phòng rủi ro trong quý II/2021 lên 2.431 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm nay, MB đã trích lập dự phòng 4.250 tỷ đồng dự phòng, tỷ lệ dự phòng rủi ro bao nợ xấu đạt 310% (tức cứ 1 đồng nợ xấu thì Ngân hàng dự phòng 3,1 đồng).

Đối với ACB, tỷ lệ nợ xấu cuối tháng 6/2021 là 0,7%, chi phí dự phòng trong 6 tháng đầu năm là 2.000 tỷ đồng, gấp đôi so với cả năm 2020. Ngân hàng này đã quyết định trích lập đầy đủ 1.400 tỷ đồng cho toàn bộ số dư nợ được tái cơ cấu, thay vì phân bổ trong 3 năm theo Thông tư 03/2021/TT-NHNN.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, Thông tư 03 cho phép các ngân hàng kéo dài thời gian tái cơ cấu, giãn nợ đến hết năm 2021, song không vì thế mà gánh nặng trích lập dự phòng nợ xấu vơi đi. Ngoài ra, các ngân hàng được trích lập dự phòng rủi ro tín dụng cho những khoản nợ cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch trong thời gian 3 năm, nhưng việc trích lập dự phòng cụ thể nhiều hay ít chịu ảnh hưởng từ chất lượng dư nợ cho vay. Nói cách khác, nếu nợ xấu càng nhiều thì gánh nặng trích lập của các ngân hàng càng tăng.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng chủ động trích lập, tăng “bộ đệm” rủi ro bằng cách nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức cao. Do đó, nếu có vấn đề phát sinh, ngân hàng có sẵn nguồn trích lập dự phòng để xử lý, không để nợ xấu đột biến.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng đề xuất, cần có chính sách cho phép ngân hàng được khoanh nợ các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng tại Thông tư 01 và Thông tư 03 như chính sách áp dụng tín dụng phục vụ nông nghiệp nông thôn đối với những khoản nợ rủi ro do dịch bệnh gây nên.

Theo ông Hùng, khi ban hành Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước có lẽ không lường trước được dịch Covid-19 sẽ kéo dài và diễn biến phức tạp. Ngân hàng Nhà nước ước tính các doanh nghiệp có thể hồi phục trong 12 tháng, nhưng với diễn biến của đại dịch Covid-19 khó lường hiện nay, cơ quan quản lý nên có chính sách phù hợp với tình hình mới.

Vân Linh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục