Áp lực bán giải chấp margin chưa quá lớn

(ĐTCK) Ghi nhận ý kiến ở nhiều công ty chứng khoán cho biết, áp lực bán giải chấp (call margin) đối với thị trường là có trong phiên 12/7 và hôm nay 13/7.

Theo ông Lê Quang Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Mirae Asset, áp lực bán sẽ không quá lớn do lượng cho vay giai đoạn vừa qua chỉ tăng chậm bởi nhiều công ty chứng khoán đã chủ động hạn chế lượng margin với khách hàng.

Còn theo ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) Chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện tại, theo định lượng về tổng thể thị trường thì vẫn chưa bán giải chấp diện rộng, mà chỉ xảy ra ở một số nhóm cổ phiếu và một số tài khoản.

Dư nợ margin hiện chưa có dữ liệu chính xác, tuy nhiên theo thống kê là hơn 112 ngàn tỷ đồng tính tới đầu tháng 6, tương ứng khoảng 4,5 tỷ USD, tức là chỉ khoảng 2% vốn hóa toàn thị trường. Con số không quá lớn nên theo nhận định của ông Nhật, cho dù nếu bán giải chấp margin diện rộng cũng chỉ tạo áp lực đưa chỉ số VN-Index về khoảng 1.230 - 1.235 điểm.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích CTCK Yuanta Việt Nam, đã có hiện tượng giải chấp margin trong phiên hôm qua (12/7) và dự báo hôm nay (13/7) vẫn có thể có ở một số nhóm cổ phiếu.

"Tuy nhiên, thường là nhà đầu tư được thông báo và chủ động bán, chưa đến mức độ force sell (công ty chứng khoán chủ động bán)", ông Minh nhấn mạnh.

Ông Minh cho biết thêm, tình trạng căng margin đã diễn ra liên tục từ đầu năm đến nay do tốc độ tăng vốn của CTCK chưa đáp ứng kịp với tốc độ gia tăng nhu cầu sử dụng margin trên thị trường. Tuy nhiên rủi ro vẫn được kiểm soát tốt nhờ các CTCK đã linh hoạt điều chỉnh và quản trị rủi ro liên tục, thị trường tăng điểm nhờ chủ yếu vào các nhà đầu tư “tiền tươi thóc thật”.

Dự báo cho phiên hôm nay, theo ông Minh, nếu lực bán mạnh và giá cổ phiếu giảm sâu như phiên hôm qua (12/7) thì chắc chắn sẽ có force sell lớn hơn, đặc biệt ở những công ty chứng khoán có tình trạng căng margin ngay cuối tháng 6 có thể chưa kịp điều chỉnh về trạng thái an toàn hơn.

Mặc dù vậy, theo ông Minh thì khả năng này không lớn, nhịp điều chỉnh từ đầu tuần trước tới hết phiên hôm qua giúp P/E TTM (trượt 4 quý gần nhất) của chỉ số VN-Index giảm về mức 16.5x (gần với mức trung bình là 16.1x) khiến giá cổ phiếu hấp dẫn trở lại trong ngắn hạn. Tất nhiên, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn là xu hướng giảm giá, nhưng những phiên giảm sốc sẽ khó diễn ra thêm.

Do đó, ông Minh khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn không nên bán ra ở vùng giá hiện tại và có thể xem xét mua thăm dò với tỷ trọng thấp khi mức định giá đang trở nên hấp dẫn trở lại.

"Tuy nhiên, các nhà đầu tư cần hạn chế sử dụng đòn bẩy ở giai đoạn này bởi trong kịch bản xấu nhất, VN-Index có thể về vùng 1.212-1.215 điểm thì sẽ có force sell mạnh hơn", ông Minh nhận định.

Chia sẻ về xu hướng thị trường, ông Phan Tấn Nhật cho biết, thị trường đang có tín hiệu lượng đi trước giá với nhiều mã bắt đầu có dòng tiền gia tăng bắt đáy, nhưng vẫn chưa hình thành xu hướng tăng giá. Số lượng mã có vùng bán ngắn hạn giảm, duy trì lớn hơn vùng mua. Áp lực bán gia tăng, khá nhiều mã sẽ vào vùng quá bán ngắn hạn trong 1 - 3 phiên. VN-Index, VN30 vùng bán ngắn hạn với áp lực bán gia tăng từ VN30 với khối lượng kỷ lục.

Thị trường sẽ phục hồi ngắn và điều chỉnh kiểm tra lại vùng đáy 1.270 - 1.275 điểm, ít nhất là tạo 2 đáy, tích lũy, phân hóa để xác định cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất, cũng như cập nhật lại các định giá mới của từng công ty sau khi báo cáo quý II/2021. Theo đó, nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng đầu tư ở mức trung bình, chưa có khuyến nghị gia tăng tỷ trọng cho đến khi số lượng mã có trend_up kết thúc suy giảm.

Phan Hằng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục