Diễn biến thị trường vẫn tích cực
Phiên giao dịch đầu tháng 7/2021, hầu hết cổ phiếu lớn đều giữ sắc xanh, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục tạo sóng, nối dài đà tăng và dòng tiền quay trở lại nhóm cổ phiếu tài chính - ngân hàng…
Một trong những lý giải về giao dịch sôi động và sắc xanh trên bảng điện tử trong phiên này là cho vay ký quỹ (margin) đã được một số công ty chứng khoán mở lại sau khi hạn chế cho vay, thậm chí ngừng cho vay để chốt số liệu cho báo cáo tài chính bán niên 2021 trong những ngày cuối tháng 6.
Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á chia sẻ: “Tôi chưa nhìn thấy yếu tố xấu nào với thị trường chứng khoán. Dự kiến, lợi nhuận quý II/2021 của hầu hết doanh nghiệp đều tốt. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu ngân hàng, chiếm tỷ trọng hơn 30% trong chỉ số VN-Index, liên tiếp có tin hỗ trợ như kế hoạch chia cổ tức, cổ phiếu thưởng, lợi nhuận tăng trưởng...”.
Phiên giao dịch ngày 1/7 chứng kiến cổ phiếu VPB của VPBank bứt phá, nhờ thông tin chia cổ tức 80% và cổ phiếu TCB của Tecombank thu hút dòng tiền với những tin đồn về cổ tức khủng.
Ông Tuấn nhận xét, một điểm trừ cho nền kinh tế sau khi GDP tăng trưởng cao trong quý II là dịch bệnh có thể ảnh hưởng không nhỏ trong tháng 7, có thể kéo dài trong quý III và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp cho thấy sức mua yếu, nhưng trong ngắn hạn, đây là tín hiệu tốt cho thị trường chứng khoán.
Bởi lẽ, lạm phát thấp, sức cầu tiêu dùng yếu, cộng với lãi suất duy trì ở mặt bằng thấp thì dòng tiền khó có thể chảy mạnh vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường. Theo đó, tiền đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội sinh lời trên thị trường chứng khoán.
Giám đốc Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Mathew đánh giá, đà tăng của thị trường chứng khoán vẫn chưa chững lại, nhà đầu tư trong nước đang chi phối thị trường. Kỳ vọng, mức thanh khoản sẽ tăng lên nhiều hơn trong nửa cuối năm 2021, nhưng độ biến động dự kiến cũng lớn hơn khi chỉ số tiến lên các mức điểm cao mới.
Trong khi đó, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam cho rằng, giai đoạn 2 tuần cuối tháng 6, thanh khoản thị trường giảm vì đây là thời điểm hạn chế margin; sang tháng 7, dòng tiền được “cởi trói” sẽ bùng ra, nên quý III vẫn có thể chứng kiến các phiên thanh khoản kỷ lục, nhất là khi hệ thống giao dịch mới tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) kỳ vọng sẽ không còn tình trạng nghẽn lệnh.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có quyết định cho phép HOSE đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới của FPT từ ngày 5/7.
Mọi thứ đi quá đà, chứng khoán đắt đỏ và có dấu hiệu bong bóng thì đó mới là đỉnh dài hạn của thị trường, còn hiện tại thì chưa.
“Mọi thứ đi quá đà, chứng khoán đắt đỏ và có dấu hiệu bong bóng thì đó mới là đỉnh dài hạn của thị trường, còn hiện tại thì chưa”, ông Ngọc nói và nhận định, trong tháng 7, thị trường chung có dư địa tăng, nhưng sự phân hóa sẽ mạnh mẽ, nhà đầu tư chọn cổ phiếu không đúng có thể thua lỗ.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết, chỉ số định giá thị trường là giá/lợi nhuận mỗi cổ phiếu (P/E) của VN-Index hiện ở mức hơn 18 lần, trong khi P/E trung bình từ năm 2000 đến nay là xấp xỉ 16 lần, cộng thêm 2 lần độ lệnh chuẩn là 22,2 lần.
Nhìn lại diễn biến trong lịch sử, năm 2018, P/E thị trường lên đến mức này thì quay đầu giảm, nhà đầu tư cũng nên cẩn trọng. P/E từ 18 lần lên 22 lần là thị trường trong giai đoạn lựa chọn cổ phiếu khó khăn hơn, nên việc lựa chọn cổ phiếu quyết định “thành bại” của từng nhà đầu tư. Do đó, nhà đầu tư nên lựa chọn cổ phiếu kỹ càng, tập trung vào các cổ phiếu chất lượng.
Vốn ngoại khi nào trở lại?
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với các cổ phiếu niêm yết trên HOSE liên tục giảm từ mức 20,9% đầu năm 2020 xuống còn 18,1% tính đến ngày 18/6/2021.
Giám đốc Nghiên cứu Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ông Matthew Smith cho biết, tốc độ bán ròng của khối ngoại gia tăng trong những tháng đầu năm 2021.
Tính đến ngày 18/6/2021, khối ngoại đã bán ròng 1,4 tỷ USD cổ phiếu niêm yết trên thị trường Việt Nam, con số này cao hơn 67% so với tổng giá trị bán ròng của cả năm 2020.
Đáng chú ý, khối ngoại bán ròng 70% số ngày giao dịch tính từ đầu năm 2021, nhưng điều này không tác động lớn đến giá cổ phiếu.
Chỉ số VN-Index vẫn tăng 25% và Top 5 cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng nhiều nhất có mức tăng giá trung bình 58%, mức khá cao dù có một cổ phiếu giảm giá.
Ông Matthew Smith phân tích, 4 trong 5 cổ phiếu mà khối ngoại bán ròng nhiều nhất là các mã vốn hóa lớn có giá tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2021: HPG tăng 71%, CTG tăng 48%, VPB tăng 105%, MBB tăng 78%.
Đây có thể là một sự kết hợp giữa hoạt động chốt lời (hiệu ứng thưởng theo năng lực của người quản lý quỹ) và tái cơ cấu danh mục đầu tư khi tỷ trọng các mã cổ phiếu tăng trưởng cao hơn mức tối đa.
Cổ phiếu VNM (giá giảm hơn 14%) là một trường hợp ngoại lệ, khối ngoại bán ròng có thể là để điều chỉnh lại danh mục đầu tư hơn là chốt lời.
Ngược lại, chứng chỉ quỹ ETF VN Diamond được khối ngoại mua ròng nhiều nhất tính từ đầu năm đến nay trong số 32 mã chứng khoán mua ròng.
Ông Mathew Smith tin rằng, các quỹ tương hỗ tập trung vào thị trường Việt Nam (thay vì đầu tư theo danh mục chuẩn của các thị trường cận biên trên toàn cầu) sẽ tiếp tục tạo ra lợi nhuận nhờ vào câu chuyện vĩ mô tích cực và tiềm năng tăng trưởng của thị trường.
Tại nhiều thị trường chứng khoán cận biên khác trên thế giới, kể cả các thị trường mới nổi, nhà đầu tư nước ngoài cũng có động thái bán ròng. Theo ông Matthew Smith, tài sản đang quản lý (AUM) của các quỹ đầu tư vào các thị trường cận biên trên toàn cầu đã và đang giảm mạnh. Điều này là do có sự thay đổi trong cơ cấu danh mục. Dự báo, AUM của các quỹ khó có khả năng phục hồi.
Tại hầu hết các thị trường mới nổi ở khu vực châu Á (vốn không được các quỹ thị trường cận biên nhắm đến), vốn ngoại rút ra mạnh mẽ do lo ngại về lạm phát trên toàn cầu, về dịch Covid-19 và/hoặc USD lên giá.
Nhiều chuyên gia nhận định, với mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp thì dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn có xu hướng chảy vào thị trường chứng khoán.
Thống kê giao dịch của khối ngoại tại thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam trong tháng 5/2021 cho thấy, giá trị bán ròng là 12 tỷ USD; trong đó, giá trị bán ròng tại thị trường Việt Nam chiếm 4%.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) nhìn nhận, tại thị trường Việt Nam, khối ngoại đẩy mạnh bán ròng từ đầu năm 2021 tương đồng với xu hướng bán ròng ở hầu hết các thị trường mới nổi trong khu vực.
Động thái bán ròng có thể duy trì trong nửa cuối năm trong bối cảnh dòng vốn toàn cầu có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường phát triển, hưởng lợi từ quá trình tái mở cửa nền kinh tế khi chương trình tiêm chủng vắc-xin phòng dịch Covid-19 được triển khai hiệu quả, trái ngược với bối cảnh dịch bùng phát ở nhiều nước đang phát triển.
Ngoài ra, sự cố hạ tầng kỹ thuật (nghẽn lệnh) của sàn HOSE, hay rủi ro từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phát đi tín hiệu sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng lãi suất cũng là nguyên nhân cản trở các quỹ ngoại gia nhập thị trường. Dù vậy, động thái bán ròng của khối ngoại hiện nay không có tác động đáng kể, do dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước chiếm ưu thế vượt trội.
Liên quan đến cơ cấu nhà đầu tư, ông Matthew Smith lưu ý, sự hiện diện của các nhà đầu tư tổ chức tại thị trường Việt Nam ở mức thấp, thiếu đi chất xúc tác giúp ổn định khi thị trường chứng khoán giảm mạnh hay hưng phấn quá mức.
Dự báo các nhóm ngành
Theo nhiều dự báo, kết quả kinh doanh quý II/2021 sẽ nổi bật ở nhóm ngành thép, chứng khoán, ngân hàng.
Tính toán của bộ phận nghiên cứu Công ty cổ phần chứng khoán Everest (EVS) cho biết, nếu tính P/E 4 quý gần nhất thì nhóm tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) là 15 lần, nhưng P/E dự kiến 2021 chỉ 8,9 lần.
Tỷ lệ này ở nhóm nguyên vật liệu là 14,6 lần và 8,5 lần. Nghĩa là, lợi nhuận nửa cuối năm của doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành này sẽ giúp định giá theo P/E trở nên hợp lý hơn.
Trong khi đó, ông Ngọc đánh giá, nhóm chứng khoán dự kiến đạt kết quả kinh doanh tốt, giá cổ phiếu đã phản ánh tương đối kỳ vọng của nhà đầu tư. Dư địa tăng giá hiện tại khoảng dưới 10%, nhưng có sự chắc chắn nhất định nhờ hưởng lợi từ sự sôi động của thị trường.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, vì đã có kỳ vọng quá cao ở một số mã, nên dù tăng trưởng lợi nhuận tốt so với cùng kỳ cũng có thể chịu áp lực giảm giá. Vì thế, nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn cổ phiếu ngân hàng có “câu chuyện riêng”.
Ông Ngọc khuyến nghị, với các cổ phiếu đi lên theo ngành, tốt cả ngành, thì nhà đầu tư nên ưu tiên vào mã đầu ngành. Còn ở những cổ phiếu riêng lẻ phải nhìn lợi nhuận doanh nghiệp có tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ hay không. Các nhóm thủy sản, dầu khí, phân bón không nổi bật cả nhóm ngành, chỉ nổi bật ở các cổ phiếu đầu ngành.
Với bất động sản, nhiều cổ phiếu tăng giá cách đây khoảng 1 tháng, đa phần kỳ vọng không đến từ triển vọng lợi nhuận, mà đến từ việc dòng tiền đầu cơ tìm đến những cổ phiếu bị định giá thấp.
Bất động sản là nhóm có vốn hóa lớn thứ hai trên thị trường chưa tăng giá nhiều, trong khi các nhóm dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, thép tăng giá mạnh mẽ, nên nhà đầu tư nhìn sang bất động sản có cảm nhận cổ phiếu có định giá thấp, giá còn rẻ.
Lưu ý, điểm rơi lợi nhuận của ngành bất động sản ở 2 quý cuối năm, nên chưa thể kỳ vọng nhiều vào nhóm cổ phiếu bất động sản trong tháng 7.
Đồng quan điểm, ông Minh cho rằng, nhà đầu tư nên theo dõi cổ phiếu bất động sản. Nếu dịch Covid-19 không quá nặng nề thì thanh khoản bất động sản sẽ được cải thiện trong nửa cuối năm nay. Năm ngoái, dòng tiền doanh nghiệp bất động sản gần như đứng im, thậm chí dòng tiền âm, chủ yếu do chi phí gia tăng (chi phí quản lý duy trì hoạt động).
Hiện nay, dòng tiền “chạy ra” chi phí đầu tư, có nghĩa là doanh nghiệp đi mua dự án, triển khai dự án… Cổ phiếu của các doanh nghiệp có quỹ đất trung tâm, vị trí tốt như Novaland, Vinhomes, Khang Điền, Nam Long… nhiều khả năng sẽ có các đợt “sóng” trong 6 tháng cuối năm.
Với nhóm cổ phiếu thép, giá đã tăng mạnh, nhà đầu tư chỉ nên lựa chọn cổ phiếu đầu ngành và cần cẩn trọng trong quý III, vì giá nguyên vật liệu đầu vào của thép đang tăng có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.
Các chuyên gia KBSV đánh giá, bất cứ nhịp điều chỉnh đáng kể nào của thị trường (trong kịch bản các yếu tố rủi ro không làm thay đổi điều kiện cơ bản của thị trường trong dài hạn) đều là cơ hội để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng, tích luỹ cổ phiếu.
Nhịp điều chỉnh khả năng cao nhất sẽ xuất hiện trong nửa sau của quý III khi hiệu ứng tích cực từ mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II qua đi, áp lực chốt lời vùng giá cao cần được giải toả và các yếu tố rủi ro gia tăng (Fed đề cập đến việc sẽ giảm quy mô chương trình mua vào tài sản trong kỳ họp tháng 9 tới, giá cả hàng hoá tiếp tục đi lên khiến rủi ro lạm phát tăng, dịch Covid-19 có nguy cơ tái bùng phát bởi chủng virus mới…).
Đối với chiến lược đầu tư tổng thể và xuyên suốt, KBSV cho rằng, mua và nắm giữ là chiến lược hợp lý với phần đông nhà đầu tư khi mà các nhịp biến động của thị trường nhiều khả năng sẽ tăng dần biên độ trong nửa cuối năm, khiến hoạt động “lướt sóng” kém hiệu quả nếu nhà đầu tư không nắm bắt được điểm mua bán phù hợp.