Nỗ lực để phát triển bền vững
Tại Hội nghị “Tăng cường năng lực quản trị công ty cho các doanh nghiệp niêm yết Việt Nam” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức mới đây, Phân bón Cà Mau là một trong các doanh nghiệp được vinh danh có điểm quản trị công ty cao. Đặc biệt, đây cũng là doanh nghiệp dự kiến được mời tham gia VNCG50 - 50 doanh nghiệp có chiến lược ESG tốt nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Đây là thành quả cho những nỗ lực không mệt mỏi của doanh nghiệp.
Là một thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Phân bón Cà Mau đã sớm tiếp cận, nghiên cứu và tích hợp ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị doanh nghiệp) vào chiến lược phát triển. Đồng hành cùng mục tiêu trung hoà các-bon vào năm 2050 của quốc gia, Phân bón Cà Mau đã thành lập Ủy ban Môi trường, xã hội và quản trị; nghiên cứu và hoạch chiến lược chuyển dịch năng lượng.
Những năm gần đây, Công ty không ngừng nghiên cứu và cải tiến, đưa ra các giải pháp tiết kiệm năng lượng (Nhà máy Đạm Cà Mau lọt Top 10% nhà máy có mức tiêu hao năng lượng thấp nhất thế giới do Haldor Topsoe bình chọn); các giải pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính như dự án thu hồi khí CO2, sản xuất CO2 thực phẩm; đầu tư công nghệ tiên tiến giảm thiểu tác động đến môi trường.
Bộ sản phẩm của Công ty phong phú, chất lượng cao. Ngoài urê hạt đục, Công ty đã phát triển sản phẩm mới như NPK công nghệ Polyphotphates, phân bón lá bên cạnh hữu cơ vi sinh, các giải pháp canh tác công nghệ cao. Báo cáo tài chính của Phân bón Cà Mau cho thấy, doanh nghiệp dành tỷ lệ chi phí không nhỏ cho công tác nghiên cứu và phát triển (R&D).
Ngoài ra, Phân bón Cà Mau cũng tích cực triển khai các chương trình hướng dẫn kỹ thuật canh tác, giúp nông dân sử dụng sản phẩm đúng kỹ thuật, tiết giảm lượng phân bón, nâng cao hiệu quả sản xuất cho nhà nông. Bên cạnh được tặng phân bón để trải nghiệm thực tế, hàng nghìn nông dân đã được trang bị những kiến thức canh tác thông minh qua các chương trình này, đóng góp vào phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững.
Đối với hoạt động an sinh xã hội, hàng trăm tỷ đồng đã được Công ty hỗ trợ cộng đồng thông qua các hoạt động như tặng nhà cho người nghèo, người có công với Cách Mạng; học bổng dành cho học sinh, xây trường học, thư viện; công trình y tế, xây cầu; mạng lưới đường giao thông nông thôn; chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng…
Tích cực triển khai các hoạt động vì cộng đồng, Phân bón Cà Mau đã trở thành môi trường làm việc được người lao động gắn bó và tự hào. Ngược lại, họ cũng được quan tâm chăm sóc toàn diện từ vật chất đến tinh thần, để toàn tâm toàn lực làm việc với năng suất cao.
Hiệu quả kinh doanh tích cực
Trong báo cáo gửi tập đoàn mẹ mới đây, trong 6 tháng đầu năm, doanh thu của Công ty ước đạt 6.642 tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm 2024 và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận dự kiến đạt kế hoạch được giao, cùng với đó là điểm sáng trong hoạt động xuất nhập khẩu ấn tượng vào các thị trường khó tính như Úc và New Zealand. Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào tăng, kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của doanh nghiệp được giới phân tích đánh giá là một nỗ lực lớn.
Hiện tại, giao dịch trên thị trường urê vẫn ở mức khá thấp do thiếu nhu cầu giao ngay. Đông Nam Á vẫn là thị trường có giá cao hơn các khu vực khác nhờ được hỗ trợ bởi sự thiếu hụt hàng xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng nhu cầu chưa tăng mạnh do chưa có mưa nhiều.
Giới chuyên gia dự báo, thị trường phân urê thế giới sẽ sôi động hơn từ nửa sau năm 2024, khi các nhà tiêu thụ lớn gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Brazil và châu Âu đồng loạt quay trở lại đấu thầu để đảm bảo nguồn cung phân bón cho giai đoạn cao điểm gieo hạt vụ hè - thu sắp tới. Đây cũng được kỳ vọng là bệ đỡ tích cực cho hoạt động của doanh nghiệp tới đây.