Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Cần thêm bộ lọc

(ĐTCK) Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời chỉ mang tính thời điểm. Tuy nhiên, những hệ lụy để lại cho doanh nghiệp có thể không dễ dàng đo đếm, đặc biệt ở góc độ tài chính và chứng khoán. Báo Đầu tư Chứng khoán đã phỏng vấn luật sư Nguyễn Minh Đức, Công ty Luật DNAS về vấn đề này. 
Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Cần thêm bộ lọc

Biện pháp khẩn cấp tạm thời là công cụ mà các bên sử dụng khi xảy ra tranh chấp nhằm bảo vệ quyền lợi của mình. Vậy ai là người có thẩm quyết ra quyết định này? Việc áp dụng biện pháp này diễn ra như nào?

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, tòa án chỉ có thể tự mình ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong một số trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều 114 của luật này. Những trường hợp còn lại phải có đơn yêu cầu. Trước khi mở phiên tòa, việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời do một thẩm phán xem xét, quyết định. Còn tại phiên tòa do hội đồng xét xử xem xét, quyết định.

Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Cần thêm bộ lọc ảnh 1

Luật sư Nguyễn Minh Đức.

Khi ra quyết định, hầu hết thẩm phán đều sẽ rất cẩn trọng vì biện pháp đó được áp dụng khi chưa có bất cứ bản án nào và có hiệu lực thi hành ngay. Điều này có thể hiểu là quá trình đánh giá, xem xét, tranh tụng giữa hai bên chưa diễn ra, nhưng vì có lý do xác đáng, tòa án nhận định rằng, nếu không có động thái nhanh chóng thì sẽ xảy ra thiệt hại cho bên yêu cầu nên phải quyết định áp dụng một biện pháp khẩn cấp tạm thời.

Qua thực tiễn, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời có thể dẫn đến những hệ quả như ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp hoặc tác động xấu đến giá cổ phiếu. Có vụ việc mặc dù chỉ phong thanh thông tin qua phương tiện truyền thông về việc chủ đầu tư bị phong tỏa tài khoản số tiền hơn 200 tỷ đồng, chưa rõ thực hư ra sao nhưng nhà thầu tạm ngừng thi công dự án vì nghi ngờ khả năng tài chính của chủ đầu tư? Doanh nghiệp sẽ phải ứng xử ra sao?

Bởi vì việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khi chưa có bản án, phán quyết cuối cùng và đơn thuần chỉ dựa vào chứng cứ của một bên khiếu nại nên khi nhận được đơn yêu cầu, thẩm phán phải tính toán, cân đối, xem xét việc áp dụng biện pháp đó liệu có gây thiệt hại gì không.

Giả sử nếu có thiệt hại, họ sẽ buộc bên yêu cầu phải có một khoản tiền ký quỹ hoặc có cam kết bảo lãnh để trong trường hợp đơn yêu cầu của họ đưa ra không đúng hoặc sai sự thật thì sẽ có một nguồn tiền để bù đắp lại cho những người bị thiệt hại. Còn nếu thẩm phán nhận thấy không có thiệt hại xảy ra và việc áp dụng một biện pháp khẩn cấp tạm thời là cực kỳ cần thiết, nếu không áp dụng sẽ gây thiệt hại nhiều hơn so với để nó xảy ra thì sẽ không cần biện pháp tài chính trên.

Do đó, doanh nghiệp cần phải chứng minh được thiệt hại thực tế từ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mới có khả năng được tòa án chấp nhận.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp thực tế, việc chứng minh được thiệt hại là rất khó. Ví dụ một thiệt hại có thể thấy như giá cổ phiếu bị giảm sâu, tất cả cổ đông đều bị thiệt hại trực tiếp nhưng các cổ đông nhỏ lẻ không thể theo đuổi con đường kiện tụng vì mất rất nhiều công sức, thời gian.

Vậy để tránh phần nào những hệ lụy không đáng có, nên chăng cần có thêm “bộ lọc” khi ra quyết định này?

Những thẩm phán là người hiểu biết pháp luật sâu sắc, nhưng chưa chắc đã có cái nhìn tổng thể về sự vận động của thị trường, giá chứng khoán hoặc dự án, hay sự bất lợi cho nhà đầu tư, cổ đông. Theo tôi, nên chăng khi ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, các thẩm phán cần thận trọng hơn nữa.

Chẳng hạn, các thẩm phán cần yêu cầu người nộp đơn yêu cầu bổ sung thêm các giấy tờ chứng minh. Trong một số trường hợp nếu chưa áng chừng được thiệt hại, tòa án có thể yêu cầu bên thứ ba như công ty tài chính ngân hàng, cơ quan thẩm định giá, công ty chứng khoán có ý kiến đánh giá sơ bộ về việc nếu áp dụng biện pháp này sẽ gây ra những thiệt hại gì?

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục