Vụ Thủy điện Sông Hinh: VIAC hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp

(ĐTCK) Tòa án nhận định quyết định  áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ADBPKCTT) là không phù hợp với quy định pháp luật Việt Nam. Hội đồng trọng tài xem xét lại và ra quyết định hủy bỏ quyết định ADBPKCTT đối với CTCP Thủy điện Sông Hinh (mã VSH).
Vụ Thủy điện Sông Hinh: VIAC hủy quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp

Ngày 29/5, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xem xét đơn kháng cáo của VSH trong vụ việc yêu cầu bồi thường thiệt hại do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (ADBPKCTT) đối với 2 trọng tài viên Hội đồng trọng tài vụ kiện 24/12.

Vụ kiện này diễn ra từ năm 2017, VSH từng có lần rút đơn khởi kiện nhưng sau đó vẫn tiếp tục theo đuổi pháp lý.

Theo bản án sơ thẩm, năm 2010, VSH và Liên danh HydroChina Huadong – CR18G (Trung Quốc) ký hợp đồng xây dựng hạng mục tuyến năng lượng của dự án thủy điện Kontum. Liên danh nhà thầu đã thực hiện một phần dự án thiết kế, mua sắm và thi công nhà máy thủy điện Thượng Kon Tum.

Để thực hiện hợp đồng, Liên danh nhà thầu cung cấp một số biện pháp bảo đảm gồm 2 chứng thư bảo lãnh do ngân hàng Trung Quốc – chi nhánh TP.HCM phát hành với giá trị lần lượt là 8,6 triệu USD và 18,6 tỷ đồng và thư bảo lãnh tạm ứng số tiền 4,3 tỷ đồng.

Khi thực hiện hợp đồng trên, hai bên phát sinh tranh chấp. Đầu năm 2014, Liên danh nhà thầu dừng công việc vì cho rằng, VSH không thực hiện nghĩa vụ, không thanh toán các khoản tiền đến hạn.

Ngày 2/7/2014, Tổ hợp nhà thầu Liên danh gửi thông báo tuyên bố sẽ chấm dứt hợp đồng. VSH cũng gửi thông báo chấm dứt hợp đồng vì cho rằng, Tổ hợp nhà thầu vi phạm nghiêm trọng do chậm trễ thi công.

Ngày 17/7/2014, VSH yêu cầu thực thi các bảo lãnh với tổng số tiền hơn 21 triệu USD (khoảng 462 tỷ đồng). Tháng 8/2014, Liên danh nhà thầu đã gửi đơn kiện đến VIAC yêu cầu VSH bồi thường số tiền 1.700 tỷ đồng. Trong khi đó, VSH cũng có đơn phản tố yêu cầu Tổ hợp nhà thầu bồi thường khoảng 3.800 tỷ đồng.

Hội đồng trọng tài được lập ra gồm 3 thành viên là ông Peter H.J Chapman, ông Đặng Quang Phương và ông Yasunobu Sato.

Quá trình giải quyết tranh chấp, Tổ hợp nhà thầu có đơn yêu cầu Hội đồng trọng tài ADBPKCTT, buộc VSH phải chuyển 211,5 tỷ đồng vào tài khoản mở tại Vietcombank. VSH, Tổ hợp nhà thầu và Vietcombank sẽ ký hợp đồng ba bên để phong tỏa và xử lý số tiền này cho đến khi có phán quyết cuối cùng.

Ngày 27/5/2016, ông Sato và ông Chapman ban hành Quyết định ADBPKCTT với nội dung như trên.

Theo VSH, sau khi Liên doanh rời đi, năm 2015, VSH ký hợp đồng với Công ty cổ phần xây dựng 47 (C47) để thi công các hạng mục còn lại. Theo thỏa thuận hợp đồng, C47 có nghĩa vụ thực hiện trong thời hạn 30 tháng.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, C47 biết thông tin vụ kiện và quyết định ADBPKCTT trên phương tiện truyền thông. Vì lo ngại khả năng tự chủ tài chính của VSH, C47 thông báo tạm ngừng công việc kể từ ngày 3/12/2016. Trước sự việc trên, VSH đã phản hồi và khẳng định quyết định ADBPKCTT là trái pháp luật và không có khả năng thực hiện trên thực tế.

Để “xoa dịu” nhà thầu và mong muốn dự án được triển khai đúng tiến độ, VSH đồng ý bồi thường số tiền 129 triệu đồng là chi phí thiệt hại phát sinh trong những ngày tạm dừng thi công cho C47 (2 ngày tạm ngừng). VSH đã thanh toán 50% - tức 64 triệu đồng.

VSH đã khởi kiện ra tòa án yêu cầu 2 trọng tài viên phải bồi thường thiệt hại về số tiền 64 triệu đồng.

Tòa án đã xem xét các nội dung là quyết định ADBPKCTT có thuộc một trong các biện pháp ADBPKCTT theo pháp luật Việt Nam không? có gây thiệt hại cho VSH không?có mối quan hệ giữa việc ADBPKCTT với thiệt hại như VSH trình bày không?

Cấp sơ thẩm đánh giá, theo Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không có BPKCTT như quyết định Hội đồng trọng tài ban hành. Trên thực tế việc ADBPKCTT không đồng nhất. Biện pháp trên thực chất là ký quỹ, không buộc các bên phải thanh toán. Ký quỹ là một biện pháp bảo đảm.

Hội đồng trọng tài không yêu cầu Liên doanh thực hiện bảo đảm tài chính trước khi ra quyết định ADBPKCTT là không đúng quy định. Tòa án nhận định quyết định ADBPKCTT trên chưa phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Tuy nhiên, VSH và Liên doanh thừa nhận các bên chưa thực hiện quyết định ADBPKCTT trên. Việc VSH bồi thường cho C47 là tự nguyện. Do đó, tòa án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của VSH.

VSH kháng cáo bản án sơ thẩm nhưng cấp phúc thẩm cũng nhận định, công ty không xuất trình thêm tài liệu mới. Do đó, TAND Cấp cao tại Hà Nội quyết định giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Tòa án cũng cho biết, quá trình tố tụng, HĐXX phúc thẩm cũng nhận được công văn của VIAC. Theo đó, vào tháng 4/2019, Hội đồng trọng tài đã ra quyết định hủy bỏ quyết định ADKCTT trên.

Trung tuần tháng 4/2019, VSH công bố thông tin công ty đã nhận được phán quyết trọng tài của VIAC ngày 10/4/2019 của Hội đồng trọng tài 24/14 giải quyết vụ kiện do Tổ hợp nhà thầu kiện VSH. Theo phán quyết này, VSH phải thanh toán và bồi thường cho Tổ hợp nhà thầu số tiền 2.160 tỷ đồng.

VSH cho biết, đây là một phán quyết vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, không khách quan, công bằng và trái đạo lý. VSH đã quyết định yêu cầu tòa án có thẩm quyền của Việt Nam hủy phán quyết trên.

Đỗ Mến

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục