Anh, Mỹ ra đòn với doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến sẽ loại bỏ công nghệ của gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei dùng cho mạng 5G tại nước này trong vài tháng tới, theo tờ Daily Telegraph.
Logo Huawei tại Triển lãm công nghệ CES 2018 tổ chức tại Las Vegas, Mỹ. Ảnh: AFP Logo Huawei tại Triển lãm công nghệ CES 2018 tổ chức tại Las Vegas, Mỹ. Ảnh: AFP

Nhật báo Anh Daily Telegraph hôm 4/7 đưa tin, các quan chức nước này đang phác thảo đề xuất ngừng sử dụng các thiết bị công nghệ mới của Huawei cho mạng 5G ít nhất trong vòng 6 tháng tới, đồng thời tiến tới loại bỏ các công nghệ đang sử dụng của Huawei.

Động thái này diễn ra sau khi Cơ quan tình báo quốc gia Anh (GCHQ) nâng mức rủi ro an ninh mới đối với công nghệ Trung Quốc.

Daily Telegraph dẫn báo cáo của Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia thuộc GCHQ cho biết, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Huawei sẽ khiến công ty này đối mặt với những rủi ro không thể kiểm soát. Báo cáo cũng nêu, các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ tác động nghiêm trọng đến Huawei và làm thay đổi đáng kể các tính toán của GCHQ. Báo cáo này sẽ được trình Thủ tướng Anh xem xét trong tuần này.

Đầu tuần này, người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson cho biết các quan chức Anh sẽ sớm hoàn thành đánh giá tác động của các biện pháp trừng phạt mới nhất mà Washington áp dụng nhằm ngăn chặn Huawei tiếp cận các nhà sản xuất chip của Mỹ.

Trước đó, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) hôm 30/6 xác định 2 “ông lớn” viễn thông Trung Quốc Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia, đồng thời loại 2 doanh nghiệp này ra khỏi danh sách nhận trợ cấp hàng tỷ USD cho phát triển băng thông rộng liên bang.

Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ năm ngoái đã bỏ phiếu “cấm cửa” các công ty viễn thông mà cơ quan này cho là mối đe dọa, nhận tiền trợ cấp phát triển internet đến các vùng xa xôi khó khăn của Mỹ, kể cả khu vực nông thôn.

Như vậy, tuyên bố Huawei và ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ hôm 30/6 là bước cuối cùng đóng sập cánh cửa tiếp cận trợ cấp của 2 doanh nghiệp Trung Quốc. Quyết định này của FCC là một phần trong chiến dịch tấn công các hãng sản xuất thiết bị viễn thông Trung Quốc cho hệ thống viễn thông của Mỹ.

Những người chỉ trích doanh nghiệp viễn thông Trung Quốc lâu nay cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể thông qua thiết bị của các doanh nghiệp này để theo dõi lưu lượng truy cập trên toàn cầu hoặc phá hoại các mạng lưới và công nghệ mà họ cung cấp.

Chủ tịch FCC Ajit Pai khẳng định cơ quan này “không thể và sẽ không cho phép Đảng Cộng sản Trung Quốc khai thác các lỗ hổng mạng và làm tổn hại đến cơ sở hạ tầng truyền thông quan trọng của Mỹ”.

Huawei và ZTE chưa có bình luận về quyết định trên của FCC, nhưng từ lâu 2 doanh nghiệp này đều bác bỏ những cáo buộc rủi ro từ sản phẩm của họ. Huawei năm ngoái cho rằng FCC đã dựa vào “một quan điểm hiểu lầm về luật pháp Trung Quốc” khi kết luận rằng Huawei có thể bị ép buộc dưới sự kiểm soát của chính phủ Trung Quốc.

Chính quyền Washington thời gian qua gây áp lực lớn lên các công ty Trung Quốc khi liệt những doanh nghiệp này vào mối họa an ninh. Các quan chức Mỹ đã tìm cách vận động nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có đồng minh Anh không sử dụng thiết bị mạng của Huawei để phát triển 5G và hệ thống mạng không dây khác.

Mỹ hôm 29/6 đã chặn xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao sang Hong Kong - 1 ngày trước khi chính phủ Trung Quốc ký ban hành luật an ninh quốc gia mới đối với đặc khu này. Hong Kong đã duy trì mức độ tự chủ cao kể từ khi được Anh bàn giao cho Trung Quốc vào năm 1997. Theo các quan chức Mỹ, luật an ninh quốc gia mà Trung Quốc áp dụng sẽ làm suy yếu khả năng tự chủ của Hong Kong.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục