Anh là quốc gia duy nhất trong G7 có lạm phát tiếp tục tăng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Anh là quốc gia duy nhất trong G7 mà lạm phát vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Anh là quốc gia duy nhất trong G7 có lạm phát tiếp tục tăng

Hôm thứ Ba (4/7), báo cáo của OECD cho thấy lạm phát của G7 đã giảm xuống 4,6% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, giảm từ mức 5,4% trong tháng 4 và đạt mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.

Xu hướng lạm phát giảm đã được quan sát thấy ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến trong tháng 5, với lạm phát hàng năm thấp hơn ở Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Ý và Nhật Bản. Tuy nhiên, Anh là một ngoại lệ.

OECD cho biết, chỉ số giá tiêu dùng của Anh trên tất cả các mặt hàng đã tăng lên 7,9% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, tăng nhẹ so với mức 7,8% trong tháng 4.

Tháng trước, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản lên 5%, một mức tăng lớn hơn so với dự đoán của nhiều người. Lần tăng lãi suất thứ 13 liên tiếp của BoE đã đưa lãi suất cơ bản lên mức cao nhất kể từ năm 2008.

Động thái này đã làm trầm trọng thêm nỗi lo về thảm họa của các khoản thanh toán thế chấp, đánh dấu sự khác biệt so với các ngân hàng trung ương lớn khác vốn có thể làm chậm hoặc tạm dừng việc tăng lãi suất.

Max Mosley, nhà kinh tế tại NIESR cho biết: “Việc tăng lãi suất lên 5% sẽ đẩy hàng triệu hộ gia đình có khoản thanh toán thế chấp đến bờ vực mất khả năng thanh toán. Không ngân hàng nào cho rằng một hộ gia đình có thể chịu được cú sốc lớn như vậy, vì vậy chính phủ cũng vậy”.

Tốc độ tăng trưởng của chỉ số giá tiêu dùng của các quốc gia OECD đã giảm đáng kể xuống còn 6,5% trong tháng 5 từ mức 7,4% trong tháng 4. Điều đó có nghĩa là lạm phát toàn phần trong OECD hiện đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.

Từ tháng 4 đến tháng 5, OECD cho biết lạm phát giảm ở tất cả các quốc gia được quan sát ngoại trừ Hà Lan, Na Uy và Anh.

Trên tất cả các quốc gia OECD, cơ quan này cho biết tỷ lệ lạm phát dao động từ dưới 3% ở Costa Rica, Hy Lạp và Đan Mạch đến hơn 20% ở Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, lạm phát cơ bản - không bao gồm giá lương thực và thực phẩm biến động - đã giảm với tốc độ chậm hơn nhiều trên 33 quốc gia OECD khi đạt 6,9% trong tháng 5, giảm từ 7,1% trong tháng 4.

Trong khi đó, lạm phát năng lượng được cho là đã giảm xuống -5,1% trong tháng 5 so với cùng kỳ năm trước, từ mức tăng 0,7% trong tháng 4.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục