Anh không mặn mà cùng EU đạt thỏa thuận thương mại

0:00 / 0:00
0:00
Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh Boris Johnson nhấn mạnh rằng Anh sẵn sàng đi theo mô hình của Australia nếu hai bên (Anh và EU) không thể đạt được thỏa thuận.
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson rời cuộc họp báo tại Berlin ngày 21/8/2019. (Nguồn: AFP). Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson rời cuộc họp báo tại Berlin ngày 21/8/2019. (Nguồn: AFP).

Anh sẵn sàng rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) theo những điều khoản tương tự mà Australia hiện có với liên minh nếu London và Brussels không thể thống nhất về một thỏa thuận thương mại tương lai.

Đây là tuyên bố mới nhất của Thủ tướng Anh Boris Johnson đưa ra ngày 7/7 trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Đức Angela Merkel.

Một nữ phát ngôn viên của Phố Downing cho hay: “Về mối quan hệ tương lai, Thủ tướng (Johnson) nhấn mạnh đến cam kết của Anh về nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận sớm sau tiến trình đàm phán căng thẳng.”

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này cũng đồng thời nhấn mạnh rằng Anh sẵn sàng đi theo mô hình của Australia nếu hai bên (Anh và EU) không thể đạt được thỏa thuận.

Hiện Australia không có một thỏa thuận thương mại toàn diện với EU. Phần lớn hoạt động thương mại Australia-EU được thực hiện theo các quy tắc mặc định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), mặc dù các thỏa thuận cụ thể vẫn có hiệu lực đối với những loại hàng hóa nhất định.

Anh chính thức rời EU hồi cuối tháng Một vừa qua nhưng hai bên vẫn duy trì mô hình trao đổi thương mại như khi Anh còn là thành viên cho tới khi giai đoạn chuyển tiếp kết thúc vào cuối năm nay.

Trong thời gian này, hai bên cần đạt được thỏa thuận mới về mối quan hệ thương mại, cũng như nhiều lĩnh vực khác, muộn nhất là vào mùa Thu tới để nghị viện hai bên có đủ thời gian xem xét và phê chuẩn.

Nếu đến hạn chót, Anh và EU chưa đạt thỏa thuận, mối quan hệ thương mại song phương sẽ được định hình theo các tiêu chuẩn của WTO với những mức thuế quan cao và nguy cơ bị gián đoạn nghiêm trọng.

Hiện tiến trình đàm phán đang bị cản trở do các vấn đề như quyền tiếp cận đánh bắt cá của EU tại vùng lãnh hải của Anh, sự tuân thủ của London đối với các quy định của Brussels nhằm tạo ra một sân chơi công bằng, và các chính sách về hải quan cho vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Anh.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục