Anh có nguy cơ bị tụt lại trong việc chuyển đổi sang năng lượng xanh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù từng được xem là quốc gia đi đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng, nhưng một nghiên cứu mới cho thấy nước Anh có nguy cơ bị bỏ lại phía sau trong việc sản xuất năng lượng xanh.
Anh có nguy cơ bị tụt lại trong việc chuyển đổi sang năng lượng xanh

Oxford Economics cho biết: “Trong số 8 nền kinh tế lớn nhất thế giới, Anh được dự báo sẽ có mức tăng trưởng sản xuất điện ít carbon thấp nhất từ nay đến năm 2030”.

Các nhà phân tích cho biết trong một báo cáo của Tổ chức công nghiệp Energy UK rằng, tốc độ tăng trưởng sản lượng điện carbon thấp của Anh trong thời gian từ nay đến năm 2030 sẽ là 2,9%, sau Pháp là 3,1% và Nhật Bản là 3,2%.

Ý được dự đoán sẽ tăng trưởng ở mức 5,2%, Đức là 5,8% và Tây Ban Nha là 6%, với ba nước dẫn đầu là Mỹ (6,4%), Trung Quốc (7,2%) và Ấn Độ (10,6%).

Nghiên cứu cho rằng sự chậm lại là do "mức đầu tư dự kiến thấp" là một "yếu tố quan trọng" trong dự báo này. Ngoài ra, môi trường đầu tư toàn cầu suy yếu đã ảnh hưởng đến việc tài trợ của khu vực công và tư nhân trong việc chuyển từ nhiên liệu hóa thạch sang các công nghệ tái tạo.

Ngoài ra, theo Emma Pinchbeck, Giám đốc điều hành của Energy UK, cạnh tranh quốc tế như từ Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ cũng đã góp phần là nguyên nhân khiến Anh bị đẩy lại phía sau.

IRA được thông qua vào năm ngoái đã cam kết 370 tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng, bao gồm sản xuất pin cho ô tô điện và tấm pin mặt trời. Về phần mình, Liên minh châu Âu đã tăng cường các biện pháp giảm thuế để đầu tư vào các công nghệ không carbon.

Oxford Economics cho biết: “Với các chương trình khuyến khích hiện tại trên khắp thế giới, thường hào phóng hơn nhiều so với Anh, dẫn tới nguy cơ đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng xanh sẽ bị kéo từ Anh sang các quốc gia có chế độ hấp dẫn hơn”.

Năng lượng ít carbon là một ngành có tốc độ tăng trưởng cao và Văn phòng Thống kê Quốc gia của Anh ước tính rằng, ngành này đã tạo ra doanh thu 54,4 tỷ bảng Anh và tạo việc làm cho gần 250.000 người vào năm 2021.

Nhưng nghiên cứu đã cảnh báo rằng: "Trừ khi chính phủ đảm bảo đầu tư vào Anh là hấp dẫn, 480.000 việc làm mà quá trình chuyển đổi năng lượng ước tính sẽ tạo ra cho tới năm 2030 sẽ không thành hiện thực”.

Vào tháng 6, cơ quan tư vấn của chính phủ về giải quyết biến đổi khí hậu đã bày tỏ lo ngại về tốc độ chuyển đổi chậm chạp và cảnh báo rằng thời gian không còn nhiều để đạt được các mục tiêu đề ra.

Ủy ban Biến đổi Khí hậu của Anh đã kêu gọi thực hiện mạnh mẽ hơn và ưu tiên cắt giảm khí thải càng nhanh càng tốt.

An ninh năng lượng ngày càng trở thành một vấn đề lớn ở Anh, đặc biệt kể từ khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra vào năm ngoái.

Điều đó và sự phản đối chính trị đối với việc khử carbon trong nền kinh tế đã gây ra sự không chắc chắn về cam kết ban đầu của chính phủ nhằm đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Chỉ hai năm trước, khi Anh đăng cai tổ chức hội nghị khí hậu COP26, Thủ tướng Boris Johnson khi đó đã cam kết biến nước này thành Ả Rập Xê Út về năng lượng gió. Ông cũng đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng bao gồm lệnh cấm bán các loại xe chạy bằng xăng và dầu diesel mới từ đầu thập kỷ tới.

Nhưng thủ tướng hiện tại là Rishi Sunak sau đó đã hứa hẹn “hàng trăm" giấy phép thăm dò dầu khí mới ở Biển Bắc, khiến các nhà vận động môi trường chỉ trích.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục