An toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường làm “nóng” nghị trường

(ĐTCK) Sáng nay, Quốc hội đã tiến hành thảo luận liên quan đến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2017 theo 4 chuyên đề đã được Ủy Ban thường Vụ Quốc hội trình để Quốc hội xem xét chọn 2 trong 4 nội dung.
Vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đã rất nghiêm trọng (ảnh minh họa) Vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đã rất nghiêm trọng (ảnh minh họa)

Theo Tờ trình của Ủy Ban thường Vụ Quốc hội, có 4 nội dung được kiến nghị lựa chọn giám sát Quốc hội năm 2017, gồm:

1. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016.

2. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

3. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng-kinh doanh-chuyển giao (BOT), xây dựng, chuyển giao (BT) và hợp tác công tư (PPP).

4. Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với ngư dân gắn với phát triển kinh tế biển và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn đại biểu TP. HCM), môi trường hiện là vấn đề bức xúc. Vì thế, những dự án đầu tư không phân biệt đầu tư trong nước hay ngoài nước, đều phải xem xét đến yếu tố môi trường.

Theo ông Nghĩa, hiện nhiều địa phương có dự án đầu tư hàng tỷ USD, có tác động kinh tế, quốc phòng an ninh và môi trường rất lớn, nên không để tỉnh giải quyết, mà Quốc hội cần có vai trò trong cấp phép.

Cũng theo đại biểu Nghĩa, vấn đề môi trường tác động thẳng vào phát triển kinh tế. Nếu không bảo vệ được môi trường, quốc tế họ đã có luật chơi chung, sẽ tẩy chay hàng hóa Việt Nam. Vì thế,  môi trường không chỉ tác động đến đời sống, mà còn có đóng góp và phát triển kinh tế trong các năm sau

Đại biểu Lê Xuân Thanh (Đoàn Khánh Hòa) thì cho rằng, vấn đề môi trường hiện nay đã được dư luận rất quan tâm, nên cần giám sát chuyên đề về luật bảo vệ tài nguyên môi trường một cách toàn diện trong năm 2017.

Trong khi đó, đại biểu Bùi Văn Phương (Đoàn Ninh Bình) lại tỏ ra bức xúc khi vấn đề môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm hiện nay đã rất nghiêm trọng. Để xảy ra hậu quả này, ông Phương quy lỗi là do cán bộ không làm tròn trách nhiệm, chứ không phải vì năng lực kém.

Vì thế, ông Phương cho rằng, cần phải quy trách nhiệm cá nhân, để tránh tình trạng đổi lỗi cho nhau, rồi sau đó là đổ lỗi tập thể.

Ngoài vấn đề môi trường, nội dung giám sát liên quan đến các dự án BOT cũng khiến nhiều đại biểu bức xúc, kiến nghị là chuyên đề giám sát Quốc hội năm 2017.

Theo đại biểu Phương, các dự án BOT giao thông lâu nay bị nghi ngờ về tính minh bạch và lợi ích nhóm. Chính vì thế mới có chuyện 1 trạm thu phí thu bình quân chỉ đạt 35 tỷ tháng, nhưng sau thanh tra, số tiền thu được lên đến 60 tỷ tháng. Vì thế, theo ông Phương, nếu các dự án BOT giao thông không có sự kiểm tra, phí sẽ bị tăng và thời gian thu phí kéo dài.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) cho rằng, việc nhà đầu tư đầu tư BOT với  đường cao tốc, thì đây là tài sản nhà đầu tư, ai sử dụng thì trả tiền. Còn người dân sử dụng hay không phụ thuộc vào giá tiền.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là dân không có sự lựa chọn. Thậm chí, có tình trạng cấm đường để dân phải đi vào đường BOT. Vấn đề tự do đi lại không được đảm bảo.

Tại buổi thảo luận, các chủ đề liên quan đến chủ đề phát triển kinh tế biển, cải cách bộ máy hành chính cũng được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến và kiến nghị là chuyên đề trong chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Đoàn Quảng Nam) cho rằng, trong số 4 chuyên đề Ủy Ban thường vụ Quốc hội chọn làm chương trình giám sát của Quốc hội năm 2017, chuyên đề nào cũng quan trọng, thu hút sự quan tâm. Vì thế, nếu chỉ được chọn 2 chuyên đề trong năm 2017, đại biểu này kiến nghị chuyển 2 chuyên đề còn lại sang năm 2018.

Nguyên Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục