Kết quả kinh doanh của các DN công bố trong tuần qua vẫn khẳng định xu hướng tích cực, mà giới phân tích kỳ vọng về sự cải thiện trong doanh thu chứ không chỉ lợi nhuận của 80% các công ty trong chỉ số S&P 500, song chỉ số phản ánh mức độ biến động lại cho thấy sự sợ hãi cao của thị trường. Phiên giảm điểm sâu cuối tuần còn có nguyên nhân từ việc mạnh tay bán ra của nhiều quỹ đầu tư tương hỗ (mutual fund), do đây là ngày giao dịch cuối cùng của năm tài chính của họ và những tin tức không mấy tích cực về sức khỏe của khối tài chính (CIT có thể phải phá sản, những thông tin xung quanh việc Citigroup có thể phải ghi giảm 10 tỷ USD tài sản trong quý IV…).
Theo chúng tôi, ngoài những phản ứng tâm lý với những tin tức tiêu cực thì việc bán tháo cổ phiếu trên thị trường Mỹ có thể chịu ảnh hưởng lớn bởi cuộc họp của FED trong tuần tới. Áp lực từ việc suy yếu của đồng USD và kết quả tăng trưởng GDP khả quan hơn dự kiến có thể sẽ khiến FED thay đổi định hướng duy trì lãi suất thấp và nới lỏng tiền tệ, qua đó tiếp tục tác dụng tiêu cực đến TTCK. Đây là một trong những tâm điểm của tuần giao dịch tới. Theo nhận định của El-Erian, Giám đốc đầu tư của PIMCO - quỹ đầu tư trái phiếu lớn nhất thế giới với tài sản hơn 800 tỷ USD, sự biến động của thị trường là kết quả của "cuộc chiến" giữa các quan điểm và kỳ vọng trái ngược nhau về các kịch bản hồi phục kinh tế Mỹ trong một chu kỳ hồi phục chậm chạp và nhiều bất trắc phía trước.
Trong tuần tới, chúng tôi cho rằng, FED sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ tăng trưởng vì rõ ràng kết quả tăng trưởng vượt dự báo trong quý III dựa nhiều vào các chương trình kích thích kinh tế và nền tảng để hồi phục vững chắc chưa được khẳng định khi mà thị trường lao động và nhà đất Mỹ vẫn u ám. Do đó, thị trường Mỹ sẽ có thể ổn định hơn trong tuần đầu tháng 11. Sự chuyển biến của TTCK Mỹ luôn có tác động đến tâm lý của nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam, thậm chí nhiều nhà đầu tư Việt Nam coi diễn biến của TTCK Mỹ như một chỉ báo cho xu hướng TTCK Việt Nam trong phiên giao dịch liền kề.